Kinh tế

Con Cuông: Thu hoạch nông sản – "Kẻ khóc, người cười"

Trong những ngày này, bà con nông dân huyện miền núi Con Cuông đang thu hoạch các loại nông sản như mía, sắn. Trong khi người trồng mía phấn khởi vì giá cả ổn định thì những hộ trồng sắn lại lao đao vì giá sắn quá thấp.

Trong những năm qua cây mía được xem là một trong những cây xóa nghèo của huyện miền núi Con Cuông. Dù hàng năm người nông dân đều mở rộng diện tích thêm từ 30-50 ha nhưng Nhà máy mía đường Sông Lam vẫn bao tiêu hết sản phẩm. Vụ ép 2016-2017, có khoảng 300 ha mía thu hoạch, năng xuất bình quân 60 tấn/ha, giá thu mua là 900.000 đồng/tấn nên người nông dân hết sức phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Liên, một hộ dân trồng mía ở thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê cho biết: “Trước đây trên diện tích đất 2,5 sào gia đình bà trồng ngô nhưng sau khi trừ chi phí đầu tư cũng như công chăm bón thì lợi nhuận thu lại không còn là bao. Nhưng 3 năm nay, gia đình chuyển sang trồng mía, chi phí đầu tư thấp giá cả thu mua ổn định nên trên diện tích này, gia đình có nguồn thu gần 10.000.000 đồng”.

thu hoach nong san
Giá cả ổn đinh, nông dân phấn khởi thu hoạch mía.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi như gia đình bà Liên, ông Trần Văn Hùng ở thôn 2/9, xã Châu Khê vui mừng mặc dù vụ mía này của gia đình chỉ đạt năng suất 3,5 tấn/sào. Với 7 sào mía hiện có, sau khi thu hoạch gia đình ông có khoản thu trên 20.000.000 đồng, cao hơn hẳn so với trồng các cây hoa màu như trước đây.

Khác với tâm trạng phấn khởi của người trồng mía thì những hộ trồng sắn trên địa bàn huyện Con Cuông lại đang tỏ ra chán nản vì giá sắn quá thấp. Nếu như vụ Đông - Xuân 2015-2016, người nông dân Con Cuông hết sức phấn khởi vì sắn được giá. Năm nay, nhiều hộ nông dân đã tự phát trồng tăng diện tích, khoảng 500 ha so với kế hoạch đề án sản xuất của huyện đưa ra. Với diện tích trên 1.716 ha sắn đang đến vụ thu hoạch nhưng người nông dân đang lao đao vì giá sắn rớt xuống quá thấp, chỉ từ 600-800 đồng/kg, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ. Và việc mua bán, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Chị Lô Thị Tấm người dân bản Nà Đười, xã Mậu Đức – một hộ trồng sắn cho biết: “Vụ sắn này chưa thu hoạch xong nhưng gia đình chị đành chấp nhận để đó, phần vì giá thấp không muốn thu hoạch, phần vì không có thương lái thu mua.”

Cũng như sắn nguyên liệu, năm 2016 vừa qua, nhiều hộ nông dân trồng chanh trên địa bàn huyện Con Cuông cũng lao đao vì giá chanh xuống quá thấp chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng và chất lượng của quả thì lại được đánh giá là đạt cao nhất từ trước đến nay.

thu hoach nong san 1
Năm 2016, người trồng chanh điêu đứng vì rớt giá.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết: “Năm 2017, huyện Con Cuông đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ người nông dân sản xuất, định hướng lựa chọn cây con giống và diện tích trồng trọt đúng theo kế hoạch của đề án sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con, nhất là những hộ ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn phải lựa chọn cây trồng phù hợp, ổn định không chạy theo giá cả nhất thời. Huyện cũng sẽ tích cực tìm các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xây dựng được thương hiệu nông sản sạch cho địa phương.”

Nghịch lý “được mùa mất giá - được giá mất mùa” đang là bài toán mà cấp ủy chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân vẫn loay hoay tìm cách giải.

Tác giả bài viết: Minh Hạnh – Đài TTTH Con Cuông

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP