Giáo dục

Còn ai sẽ vào sư phạm?: Cần coi nghề giáo giống như nghề y

Theo GS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), các trường sư phạm vốn dĩ đã khó khăn trong tuyển sinh, năm nay sẽ càng gặp khó khăn hơn trước nhiều tin xấu đối với ngành GD-ĐT.

Giáo sinh thực tập ở trường mầm non. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

GS Phạm Hồng Quang cho biết lẽ ra sinh viên (SV) sư phạm (SP) phải là những người được học trong môi trường giáo dục hiện đại nhất, được hưởng thụ tinh hoa của nền giáo dục hướng tới mục tiêu phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng hiện nay nhiều cơ sở đào tạo giáo viên chưa tạo được sự hấp dẫn, từ nội dung chương trình đến điều kiện cơ sở vật chất, các trường cũng chưa nỗ lực để xây dựng một môi trường SP trong lành, mô phạm.

Yêu cầu trường SP có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại trong bối cảnh hiện nay liệu có khó không, thưa GS?

Đúng là việc đầu tư cho các trường SP từ nhiều năm nay còn hạn chế. Chưa nói đến điều kiện đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường SP của ta hiện còn lạc hậu mà chỉ cần nhìn vào điều kiện sinh hoạt của SV SP, nhiều người đã cám cảnh. Tôi mơ ước làm sao chúng ta xây dựng được các mô hình trường đào tạo giáo viên đạt được sự chuyên nghiệp cao giống như các trường công an, quân đội.

Nhân cách của nhà giáo được hình thành ở 3 phân khúc: trong trường SP, trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, tự bồi dưỡng hoàn thiện của mỗi cá nhân thầy cô. Nhưng ở ngay phân khúc đầu tiên chúng ta đã bỏ lỏng. Chúng ta chỉ mới tổ chức đào tạo SV SP ở các hoạt động chính thức trên giảng đường. Còn sau đó SV sống như thế nào không ai quan tâm.

Trong khi đó, lẽ ra nhân cách của người thầy cần phải được hình thành, trau dồi ngay từ những ngày đầu tiên SV vào trường SP. Các em cần phải được hướng dẫn tỉ mỉ cách ăn mặc, phong thái ứng xử, tác phong khi lên lớp ra sao, khi ra ngoài xã hội như thế nào. Các trường công an, quân đội đã làm được điều này, còn trường SP thì chưa. Nếu yêu cầu tất cả SV SP phải ở ký túc xá, được kiểm soát hình ảnh thường xuyên trong quá trình đào tạo thì chắc chắn khi ra trường vào nghề, các em cũng sẽ luôn có tâm thế cẩn trọng của người cần phải giữ gìn hình ảnh đẹp trong xã hội.

Nhiều người có ý kiến, khó mà đòi hỏi nhà nước đầu tư nhiều hơn cho ngành SP, ông nghĩ sao?

Theo luật Giáo dục thì đào tạo GV là trách nhiệm của nhà nước. Chỉ có điều đồng tiền của nhà nước vốn đã ít thì phải tập trung, đừng có tản mạn. Chúng ta có 114 cơ sở đào tạo GV nên đồng tiền ngân sách trải ra tản mạn, không đầu tư vun cao được. Bộ GD-ĐT đang triển khai soạn đề án trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới trường ĐH, trong đó có trường ĐHSP. Tôi nghĩ nếu quyết tâm thực hiện được theo hướng này thì nhà nước sẽ có thể đầu tư cao. Chúng ta vẫn chỉ có bằng đấy tiền nhưng đầu tư tập trung sẽ hiệu quả hơn.

Ở các nước, họ coi nghề giáo giống nghề y, quá trình đào tạo rất khắt khe, có sàng lọc, có đào tạo bồi dưỡng, có sa thải, có thăng tiến. Nhưng ở ta, tư duy bao cấp còn ám ảnh khá nặng với nhiều GV và nhiều SV SP. Cho nên vấn đề hợp đồng, luân chuyển, bổ nhiệm GV cũng là những vấn đề mà trong tâm lý xã hội chưa có sự đồng thuận cao, dẫn đến những xung đột mang tính lợi ích giữa người sử dụng lao động và người thực hiện nhiệm vụ. Suy cho cùng, nghề dạy học cũng như bất kỳ mọi nghề nào khác, phải chịu chế tài của quy luật sàng lọc. Không đáp ứng được nhu cầu thì phải ra đi. Nhưng xã hội mình chưa chấp nhận điều đó nên vẫn tồn dư những GV chưa đạt chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất năng lực, nên đâu đó vẫn còn những hành vi gây phản cảm xã hội. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người trẻ trước con đường lập nghiệp.

Nên có điều luật bảo vệ đặc biệt dành cho người thầy

GS Phạm Hồng Quang cho biết ông rất tâm tư trước hiện tượng ngày càng xuất hiện nhiều vụ bạo hành mà nạn nhân chính là các nhà giáo. Rõ ràng đây sẽ là một yếu tố tác động sâu sắc tới tâm lý “sợ” nghề giáo của nhiều bạn trẻ. Nó không chỉ phản ánh sự thiếu an toàn cho nghề giáo dù họ được lao động trong một môi trường tưởng như an toàn nhất. “Chưa đến mức là nghề nguy hiểm, vì vẫn có hàng chục triệu HS - SV yêu quý, kính trọng các thầy cô. Nhưng lẽ ra trong môi trường mô phạm thì không được phép để xảy ra những sự việc đáng buồn đó”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng nhà giáo chưa được bảo vệ đúng mức với tư cách là những công dân bình đẳng trong xã hội chứ chưa nói tới vai trò người làm nghề “gõ đầu trẻ”. Việc xúc phạm, xâm hại người thầy thì nạn nhân không chỉ mình người thầy mà cả những HS, những đứa trẻ đang nhìn cuộc sống qua nhãn quan của người thầy. “Tôi cho rằng cần có những điều luật bảo vệ đặc biệt dành cho người thầy để bảo vệ môi trường trong lành cho giáo dục”, ông Quang bày tỏ.

Tác giả: Quý Hiên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

  Từ khóa: nghề giáo ,sư phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP