Trong tỉnh

Có phải dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Kỳ còn tồn tại những “bất cập”?

Các chính sách của Nhà nước đã được nhà đầu tư và chính quyền địa phương áp dụng đúng, đủ đối với dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Kỳ.

Bởi vậy, các tiểu thương cần ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa chợ Tân Kỳ sớm đi vào hoạt động để việc kinh doanh sớm trở lại bình thường, đồng thời sớm ổn định cuộc sống của gia đình các hộ tiểu thương.

Chợ Tân Kỳ

Băn khoăn của tiểu thương

Vừa qua, một số tiểu thương của chợ Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) có đơn thư gửi đến chính quyền huyện Tân Kỳ, cho rằng dự án xây dựng chợ Tân Kỳ có nhiều điều “bất cập”, đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra và yêu cầu nhà đầu tư trả lời bằng văn bản về một số vấn đề mà tiểu thương còn thắc mắc.

Theo đó, tiểu thương nêu câu hỏi: Dự án chợ mới Tân Kỳ đã đạt tiêu chuẩn hạng I hay chưa, việc chuyển đổi công năng tầng hầm là nơi để xe để phân lô và đưa tiểu thương xuống đó kinh doanh có phù hợp không? Công trình đã đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với hệ thống cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng theo quy định hay chưa?

Tiểu thương cũng yêu cầu được giải đáp về việc giá cho thuê kios có phù hợp đối với huyện nghèo như Tân Kỳ hay không, hàng hóa ở tầng hầm bị ngập nước hư hỏng thì ai sẽ có trách nhiệm bồi thường, việc chỉ làm vạch sơn để phân chia các “dằm” (điểm kinh doanh) tại tầng trệt, không có vách ngăn để bảo quản hàng hóa thì có đảm bảo an toàn, an ninh?

Một nội dung khác là tiểu thương hỏi về chế độ bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng khu vực chợ cũ để thực hiện dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ. Theo đơn phản ánh của tiểu thương, “chủ đầu tư chưa có văn bản thống nhất thỏa thuận bồi thường với các tiểu thương. Trong khi kinh phí xây dựng các quầy, kios kinh doanh tại chợ cũ là hoàn toàn do tiểu thương bỏ ra. Khi chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục như quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 9/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An mà UBND huyện Tân Kỳ đã tiến hành các biện pháp cưỡng chế, ngăn cản hoạt động của các tiểu thương tại chợ cũ thì có hợp tình và đúng pháp luật hay không?”

Chợ Tân Kỳ đủ điều kiện để đưa vào hoạt động

Để làm rõ những “bất cập” tại chợ Tân Kỳ có đúng như tiểu thương thắc mắc hay không và việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chợ Tân Kỳ có thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hay không, nhóm PV đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Kiot tại chợ Tân Kỳ

Trên thực tế, chợ Tân Kỳ được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại theo đúng Quyết định số 1923/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy chợ Tân Kỳ. Cụ thể, chợ Tân Kỳ có 210 điểm kinh doanh tại tầng trệt, 261 điểm kinh doanh tại tầng 1 và tầng 3 có 38 điểm kinh doanh. Ngoài ra, tại chợ còn có 28 kios (11 kios 3 tầng, 17 kios 2 tầng), tất cả các điểm kinh doanh và kios trên đều được đưa vào hoạt động trong giai đoạn I.

Trên cơ sở những tài liệu của các cơ quan chức năng mà phóng viên thu thập được, có thể xác định, chợ Tân Kỳ đã đáp ứng được các quy định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong đó có quy định về tiêu chuẩn, phân loại chợ. Theo đó, chợ loại I là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch… Có mặt bằng và phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, dịch vụ đo lường, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác.”

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Quyết định số 5955/QĐ-UBND ngày 12/12/2013của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới phân bố hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025 thì chợ Tân Kỳ (chợ Lạt) được phân loại là chợ hạng I.

Một vấn đề mà nhiều tiểu thương quan tâm đó là tên gọi tầng thấp nhất của công trình. Tiểu thương gọi đây là “tầng hầm” tuy nhiên, trên thực tế, công trình nằm trên địa hình không bằng phẳng, mặt phía trước là mặt đường 545 có cao trình cao hơn so với mặt sau (là khu dân cư khối 6 của thị trấn) khoảng 5m. Để có phương án tối ưu đối với địa hình này, nhà đầu tư đã thiết kế mặt bằng tầng thấp nhất của công trình có độ cao tương đương mặt đường khu dân cư khối 6, do đó, chỉ có thể gọi đây là “tầng trệt” chứ không thể gọi là “tầng hầm” do cao độ của tầng này không ở cos âm (không nằm chìm hoàn toàn so với cos nền của khu vực xung quanh).

Theo thông tin chúng tôi nắm được từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, công trình chợ Tân Kỳ sau khi hoàn thành đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy; các cơ quan chức năng đã kiểm tra và nghiệm thu các yêu cầu kỹ thuật về khả năng chịu lực, chất lượng công trình, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện… Do đó, công trình chợ Tân Kỳ đủ điều kiện để đưa vào hoạt động giai đoạn I, theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Về giá cho thuê kios tại chợ Tân Kỳ, chúng tôi đã có trong tay Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/12/2016của UBND tỉnh Nghệ An quy định giá sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Điều bất ngờ là, đối chiếu với các quy định trong Quyết định 73/QĐ-UBND, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ Tân Kỳ còn thấp hơn từ 20 đến hơn 70% (đối với hộ tiểu thương góp vốn thời hạn 50 năm). Nếu tính riêng trong năm đầu tiên, các đối tượng thuộc diện ưu tiên sẽ được miễn tiền thuê điểm kinh doanh, được giảm 10% trong năm tiếp theo, không thu tiền đối với một số dịch vụ trong năm đầu tiên. Thực tế, có một số hộ đã chuyển sang chợ mới Tân Kỳ kinh doanh được 6 tháng nhưng chưa phải nộp bất kỳ loại phí, lệ phí gì và nhà đầu tư cũng chưa thu các khoản tiện điện, nước…

Đại diện chính quyền thị trấn Tân Kỳ cũng cho chúng tôi biết, chợ Tân Kỳ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống thoát nước thải, nước mưa đã được đấu nối với hệ thống thoát nước chung của thị trấn. Nhà đầu tư đã cam kết, trong trường hợp mưa lớn, gây ngập nước, dẫn đến hư hỏng hàng hóa của tiểu thương mà nguyên nhân không đến từ hệ thống thoát nước chung của thị trấn thì nhà đầu tư có trách nhiệm xem xét, bồi thường theo quy định. Ngay cả trong trường hợp có thiên tai bất khả kháng hoặc xảy ra thiệt hại mà nguyên nhân đến từ hệ thống thoát nước chung của thị trấn Tân Kỳ thì nhà đầu tư sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương sẽ xem xét để tiến hành các biện pháp hỗ trợ bồi thường.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hóa, lãnh đạo chính quyền thị trấn Tân Kỳ cũng cho biết, chợ Tân Kỳ sẽ mở cửa hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Trong thời gian chợ hoạt động, các chủ hộ kinh doanh tự bảo vệ hàng hóa, đồ dùng của mình. Nếu hàng hóa, đồ dùng phải gửi qua đêm phải thực hiện theo hợp đồng với HTX Hải An - Tân Kỳ; trước khi ra về, tiểu thương phải cất giữ hàng hóa, đồ dùng vào trong dụng cụ bảo quản hoặc kho chứa riêng đảm bảo an toàn, bàn giao cho lực lượng bảo vệ chợ. Đội ngũ bảo vệ chợ có trách nhiệm bảo đảm hàng hóa của tiểu thương gửi lại chợ; trường hợp xảy ra mất mát, hư hại thì phải báo cho tiểu thương và Ban quản lý chợ để phối hợp giải quyết khắc phục hậu quả và bồi thường theo quy định.

Về chế độ bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng khu vực chợ cũ để thực hiện dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ, thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho biết, dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 3/7/2018 với tổng diện tích đất quy hoạch 4807,0m2.

Trong đó, một phần diện tích đất chợ Tân Kỳ cũ được sử dụng để đầu tư xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ, phần còn lại để sử dụng đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thị trấn Tân Kỳ. Phần hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại quy hoạch được phê duyệt sẽ được lấy làm căn cứ cho việc UBND thị trấn Tân Kỳ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư để có nguồn kinh phí thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Tân Kỳ.

Thực hiện Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 9/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Tân Kỳ đã thành lập Ban tư vấn hỗ trợ bồi thường để thực hiện công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản trên đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo quy định của pháp luật, sau khi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhà đầu tư sẽ ứng trước kinh phí để thực hiện công tác bồi thường. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, giúp đỡ và đồng hành cùng các hộ tiểu thương, HTX Hải An - Tân Kỳ (là nhà đầu tư dự án) đã tự nguyện hỗ trợ các khoản kinh phí nằm ngoài phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ tiểu thương, với số tiền từ 1,5 đến 6,5 triệu đồng mỗi hộ để thực hiện công việc di dời.

Mới đây nhất, nhà đầu tư chợ Tân Kỳ tiếp tục áp dụng các biện pháp ưu tiên, hỗ trợ cao hơn cho tiểu thương. Theo đó, từ ngày 27/6/2019, sẽ thực hiện miễn tiền thuê điểm kinh doanh trong thời hạn 2 năm đối với các hộ đã và đang kinh doanh tại chợ cũ theo danh sách thuộc diện ưu tiên do UBND thị trấn Tân Kỳ cung cấp. Đối với các hộ tiểu thương không thuộc diện ưu tiên nêu trên mà hiện tại đang buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn thị trấn và huyện Tân Kỳ nếu có nhu cầu vào kinh doanh tại chợ Tân Kỳ sẽ được ưu tiên vào nhận vị trí làm điểm kinh doanh và được miễn tiền thuê địa điểm kinh doanh trong thời gian 6 tháng kể từ khi chợ mới đưa vào hoạt động.

Về giá thuê địa điểm kinh doanh, từ ngày 28/6/2019, hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ nếu có nhu cầu tham gia góp vốn sử dụng điểm kinh doanh tại chợ Tân Kỳ mới sẽ được nhà đầu tư hỗ trợ giảm giá 10 triệu đồng đối với quầy, sạp có tổng giá trị dưới 200 triệu đồng; mức giảm này sẽ là 20 triệu đồng đối với quầy, sạp có tổng giá trị trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư có cam kết hỗ trợ Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng kinh phí thuê thiết bị tiền công để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Kỳ và dự ánđầu tư xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ.

Đa số tiểu thương yên tâm, tin tưởng

Tiếp xúc với PV, hầu hết những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Lạt (chợ Tân Kỳ cũ) đều bày tỏ việc vui mừng và đồng tình cao với chủ trương đầu tư xây dựng chợ Tân Kỳ mới thay cho chợ cũ đã cũ nát, xập xệ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh môi trường, không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ… Việc HTX Hải An - Tân Kỳ đầu tư xây dựng chọ mới đồng bộ, khang trang, hiện đại được các tiểu thương cho là phù hợp với xu thế phát triển chung, khắc phục triệt để những bất cập, tồn tại ở khu chợ cũ.

Chính vì vậy, nhiều tiểu thương đã chuyển sang kinh doanh tại chợ mới ngay khi chợ Tân Kỳ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các tiểu thương đang kinh doanh ở đây đều bày tỏ tin tưởng vào chính quyền, tin tưởng vào nhà đầu tư, yên tâm rằng việc kinh doanh sẽ sớm ổn định, tạo điều kiện cho họ có thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống gia đình…

Lý giải về một số hộ tiểu thương còn ý kiến thắc mắc, một số hộ còn chần chừ chưa chuyển sang chợ mới, nhiều tiểu thương cho biết là do họ còn hy vọng, trông chờ khoản hỗ trợ thêm từ phía chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, còn một số ít hộ tiểu thương còn chưa hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Nhà nước và việc áp dụng các quy định của pháp luật vào dự án chợ Tân Kỳ của nhà đầu tư cũng như của chính quyền các cấp…

Về phía PV, chúng tôi cho rằng, việc tiểu thương chợ Tân Kỳ có ý kiến thắc mắc là điều chính đáng vì việc di chuyển địa điểm kinh doanh là việc quan trọng, liên quan đến thu nhập hàng ngày vàđời sống của họ và gia đình họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, những băn khoăn, thắc mắc của tiểu thương là do chưa hiểu đúng, chưa hiểu hết việc áp dụng các quy định của pháp luật vào dự án. Và với những tài liệu, chứng cứ mà chúng tôi đã có nêu ở trên, rõ ràng nhưng băn khoăn, thắc mắc đó đã có lời giải đáp rõ ràng, cụ thể.

Rõ ràng là đối với dự án chợ Tân Kỳ, các chính sách đã được chính quyền địa phương và nhà đầu tư thực hiện đúng, một số chính sách đã được vận dụng giải quyết ở mức cao hơn theo hướng có lợi cho tiểu thương; có những chính sách đã được giải quyết ở mức cao nhất có thể, do vậy, dù cho tiểu thương có ý kiến thêm thì cũng không thể hơn được nữa.

Do đó, theo chúng tôi, tiểu thương nên thực hiện theo các phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh và nội quy chợ Tân Kỳ của cấp có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án để chợ Tân Kỳ sớm đi vào hoạt động, đồng thời công việc kinh doanh cũng như cuộc sống của các tiểu thương sẽ sớm được ổn định.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: kiemsat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP