Du lịch

Có một Đà Lạt ở miền Đông

Những ngày tháng 7, nắng mưa đã nhuần những vườn cây trái sum suê trĩu quả. Mùa này chôm chôm Long Khánh chín muộn hơn mọi năm khoảng một tháng.

Những ngôi biệt thự hoang phế nhiều năm trước, mới được tôn tạo lại để đón khách đến “Đà Lạt” miền Đông

Nên bây giờ dọc hai bên “con đường cái quan” vẫn tấp nập người mua kẻ bán loại trái cây “nhiều râu” này!

Đất đỏ... và biệt thự giữa rừng cây

Hồi năm 1992, tôi rời Buôn Ma Thuột để về ngụ tại H.Long Khánh (Đồng Nai), lúc này thị trấn huyện lỵ vẫn mang tên Xuân Lộc (giữ nguyên như thời điểm 4.1975, nơi diễn ra trận chiến đẫm máu, lúc ấy vẫn được gọi là trận cửa ngõ Xuân Lộc). Bấy giờ, đi giữa những ngút ngàn cao su, lô thửa xếp hàng, tôi hơi bỡ ngỡ. Nhưng vào sâu các mảnh vườn của nhiều gia đình công nhân nơi đây, lại rất thích thú với màu xanh lá mát mắt, lại “lậm” vào trong vị ngọt của quá nhiều loại trái cây, mà sầu riêng và chôm chôm như những gam màu chủ đạo trên một bức tranh của vùng đất trù phú bậc nhất miền Đông.

Thoáng chen giữa một vài rẫy trái cây, là những mảnh vườn nhỏ trồng cà phê. Nếu như mùa hoa sầu riêng và chôm chôm bắt đầu bung nở vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch để rồi đậu trái vào tháng 4 cho nhà vườn thu hoạch tầm tháng 6, thì cũng vào tháng 2 và tháng 4, hoa cà phê bắt đầu nở trắng lốm đốm trong 2 đợt (mỗi đợt khoảng 7 - 10 ngày) rồi sau đó chớm ra quả bói. Tạm biệt những chùm hoa trắng nhỏ nhắn xinh xinh thơm ngào ngạt để rồi kết trái. Những chùm quả ấy to dần bằng đầu ngón tay út và chín nẫu. Cà phê Long Khánh không mấy nổi tiếng so với cà phê Ban Mê nhưng cũng để cho mấy bác làm vườn ở Long Khánh pha chế và nhâm nhi mỗi sáng đỡ ghiền. Bởi, nếu pha đậm một chút cũng sóng sánh lâng lâng trong cơn mưa sớm rả rích của xứ này.

Trên những thảm cỏ xanh mướt uốn lượn, một khung cảnh êm đềm tịch mịch, dường như thời gian ngưng đọng trong khí hậu mát mẻ của một miền đất cao hơn 150 m so với mặt nước biển

Nơi tôi tạm cư trong gần ba năm là một dãy nhà cũ lúp xúp lợp ngói âm dương được xây thời Pháp dành cho công nhân đồn điền, vẫn còn được giữ lại. Địa danh nơi đây được gọi là An Lộc, cách ngã ba Dầu Giây (mới rồi đầu tháng 7 đã được công nhận là thị trấn) khoảng 5 km, và cũng chừng ấy khoảng cách nếu muốn ra thị trấn Xuân Lộc. Đi sâu băng qua đường tàu là ấp Tân Lập thuộc xã Xuân Lập (mới lên phường thuộc TP.Long Khánh tháng 6 vừa qua) với hàng trăm héc ta chôm chôm trĩu quả, còn nếu ngược ra QL1A khoảng 500 m là nơi “đóng đô” của trụ sở Công ty cao su Đồng Nai. Mùa mưa, đất đỏ bết dính. Mùa nắng, bụi từ những chiếc xe chở mủ cao su cuốn lên vai áo người qua đường.

Chôm chôm và sầu riêng là 2 loại trái cây đặc sản miệt vườn Long Khánh

“Trơ gan cùng tuế nguyệt”

Đất đỏ nơi đây quả thực là bazan nguyên chủng. Nó là kết quả của một vùng có nhiều ngọn núi thấp, xưa kia là núi lửa hàng triệu năm trước đã nguội từ lâu, bây giờ có tên địa danh rất dân dã là Núi Đỏ, Núi Thị, Núi Tung, Núi Nứa…

Nằm giữa những ngọn núi lô nhô này, cách trung tâm TP.Long Khánh khoảng 2 km về phía nam, có một địa danh tên là Suối Tre. Nơi đây vốn là một khu nghỉ dưỡng được các ông chủ đồn điền người Pháp “chấm” đầu thế kỷ 20. Tại đây, họ đã xây hơn 10 căn biệt thự và một tổ hợp nhà hàng, bể bơi, sân tennis nằm ẩn mình giữa những cây sao, dầu và xà cừ cổ thụ. Trên những thảm cỏ xanh mướt uốn lượn, một khung cảnh êm đềm tịch mịch, dường như thời gian ngưng đọng trong khí hậu mát mẻ của một miền đất cao hơn 150 m so với mặt nước biển.

Một dãy nhà của phu đồn điền thời Pháp còn sót lại ở Nông trường An Lộc, nay là P.Xuân Lập, TP.Long Khánh - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG HUY

Nhiều người già có gốc gác là dân Thanh, Nghệ hoặc Quảng Bình, Quảng Trị bỏ xứ vô đây đã lâu để làm phu đồn điền, sinh sống ở Nông trường cao su An Lộc, khi còn tại thế, đã kể rằng ở mé đập Suối Tre khi ấy có rất nhiều thú rừng như mang, mễn, heo rừng ra uống nước và “nương náu” ở khoảnh rừng xa bây giờ là Nông trường cao su Bình Lộc. Hoặc ngay đoạn đèo Mẹ Bồng Con gần đó (sở dĩ có tên như vậy là bởi có 2 đoạn đèo dốc nằm gần nhau, một đèo cao và một dốc thấp, tạo ra 2 ngọn đồi một to một nhỏ), vào thuở phu cao su đi cạo mủ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, đôi khi lại thấy có nhiều cọp dạo ra vẩn vơ kiếm mồi ở những con đường này. Vì vậy, họ vẫn thường í ới nhau cùng ra lô cao su vào lúc trời sắp rạng, thắp đuốc sáng cả một góc trời, để ngăn ngừa những Ông Ba Mươi liều mạng!

Trở lại Suối Tre, một địa danh rất nổi tiếng trong vùng, vì bề dày lịch sử “tạo dựng” của nó cũng như nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của người Pháp khi đến nơi này. Cây lá vẫn vươn ngọn, ngày càng to và thân thể cứ thế xù xì. Còn những ngôi biệt thự ở đây thì vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Có những ngôi biệt thự ẩn mình trong tàng cây, nhưng đã nhiều năm không còn hình hài như xưa vì đã bị bong tróc, lở lói. Nét phế tích rờn rợn như trong một đoạn phim kinh dị nào đó vẫn thường thấy. Chỉ mới đây thôi, được tôn tạo lại một số căn, nhưng khó mà giữ được hồn xưa!

Một ngày ghé qua Long Khánh, tôi ngẫu hứng tấp vào ngồi uống vài chai bia với bạn bè ở nhà hàng Suối Tre. Phía trong vẫn có một vài gian phòng là có ghế gỗ lót khăn. Còn phía ngoài, một không gian của nhà hàng mênh mông có những chiếc cột to đùng, chỉ có một bàn của tôi và 3 người bạn, ngồi nhìn ra bể bơi và sân tennis một thời.

Tôi bỗng liên tưởng đến cuốn hồi ký của một tác giả người Pháp, đã viết và xuất bản ở Paris, do cơ duyên hiếm gặp, mà tôi đã có được!

(còn tiếp)

Tác giả: Trần Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP