Thế giới

Cơ hội kinh doanh 62 tỷ USD tại quốc gia có người dân hay 'đi bậy' nhất thế giới

Ngân hàng World Bank ước tính việc đi bậy bừa bãi của người dân Ấn Độ làm ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước tạo nên các dịch bệnh, gây hại cho sức khỏe cộng động và khiến nền kinh tế này mất khoảng 6,4% GDP hàng năm.

Ấn Độ là một quốc gia đông dân thuộc hàng nhất nhì thế giới. Nền kinh tế tại đây đã có giai đoạn bùng nổ khá ổn với 7,1% năm 2016 và 7,7% trong 3 tháng đầu năm 2018. Đây cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp xem xét dịch chuyển đầu tư khi chi phí lao động tại Trung Quốc quá cao.

Tuy nhiên Ấn Độ lại là một trong những quốc gia bị ô nhiễm nặng nhất toàn cầu bởi rác thải cũng như những chất thải công nghiệp từ các nhà máy. Thậm chí mới đây, việc hoàn thành xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh trên khắp đất nước cũng đã trở thành tin vui lớn với quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này.

Theo hãng tin Bloomberg, Ấn Độ đang thực hiện một chiến dịch phổ cập nhà vệ sinh công cộng với mức độ rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nghe có vẻ nực cười nhưng việc đi bậy bừa bãi đã trở thành thói quen của người Ấn Độ tại các khu ổ chuột và chính điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Doanh số vật liệu bê tông và thiết bị phòng vệ sinh tăng mạnh ở Ấn Độ (triệu USD)

Doanh số của Reckitt và tổng thị trường thiết bị vệ sinh ở Ấn Độ (triệu USD)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định chi tới 20 tỷ USD nhằm xây 111 triệu nhà vệ sinh trong 5 nắm tới để làm sạch môi trường đất nước. Động thái này không chỉ cải thiện môi trường, sức khỏe người dân cũng như hình ảnh đất nước mà chúng còn khiến doanh số của các mặt hàng vật liệu bê tông tăng 81%, sản phẩm cho nhà tắm và vệ sinh cũng tăng 48%.

Thậm chí tỷ phú Bill Gates cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ ông thấy một nhà lãnh đạo dám tuyên bố công khai một chủ đề nhạy cảm như vậy trên truyền thông cũng như thực hiện chiến dịch làm sạch đất nước như vậy.

Theo nhiều ước tính, Ấn Độ đã xây khoảng 80 triệu nhà vệ sinh kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền năm 2014 và chiến dịch cải thiện môi trường Ấn Độ được cho là sẽ mở rộng thị trường xây dựng nhà vệ sinh tại đây lên 100%, đạt 62 tỷ USD vào năm 2021.

Doanh số của hãng sản xuất thiết bị nhà vệ sinh lớn nhất Ấn Độ là Reckitt Benckiser đã tăng 11% lên 105,7 triệu USD năm 2017, trong khi tổng doanh số của thị trường đã lên mức 137,9 triệu USD.

Chuyên gia nghiên cứu Sowmya Adiraju của Euromonitor nhận định các công ty Ấn Độ ngày nay đang đầu tư mạnh tay vào thiết bị vệ sinh và doanh số của các hãng sản xuất thiết bị loại này được dự báo sẽ tăng 11% mỗi năm từ nay đến 2022.

Độ phủ sóng nhà vệ sinh tại Ấn Độ

Thiệt hại hàng tỷ USD vì "đi bậy"

Trước khi Thủ tướng Modi thực hiện chiến dịch dọn sạch Ấn Độ, các cuộc khảo sát đều cho thấy quốc gia này chiếm tới hơn 50% trong tổng số 1,1 tỷ người thường xuyên "đi bậy" lộ thiên chứ không phải các nhà vệ sinh trên toàn cầu.

Ngân hàng World Bank ước tính việc đi bậy bừa bãi của người dân Ấn Độ làm ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước tạo nên các dịch bệnh, gây hại cho sức khỏe cộng động và khiến nền kinh tế này mất khoảng 6,4% GDP hàng năm.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ nhận thức được vấn đề và cố gắng có những biện pháp giải quyết nhưng dường như văn hóa đi bậy tùm lum đã ăn sâu vào xã hội. Rất nhiều nhà vệ sinh công cộng tại Ấn Độ mọc lên cho có nhưng chẳng nối với hệ thống xử lý nào cả và chúng bị bỏ hoang với mùi hôi thối.

Ấn Độ cũng cho xây dựng hẳn một ứng dụng dò tìm nhà vệ sinh công cộng gần nhất cho người dân nhưng chúng hầu như vô dụng với vùng nông thôn và các khu ổ chuột.

Số người không tiếp cận được nhà vệ sinh cao nhất ở Ấn Độ (triệu người)

Số liệu của UNICEF công bố năm 2017 cho thấy khoảng 564 triệu người dân Ấn Độ vẫn giữ thói quan đi vệ sinh lộ thiên và dù chính phủ đã cố gắng xây thêm nhà vệ sinh, hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này vẫn quá kém để giải quyết hết chất thải của hơn 1,3 tỷ dân.

Các cuộc khảo sát cho thấy chưa đến 5% của gần 8.000 thành phố, thị trấn tại Ấn Độ có hệ thống xử lý chất thải toàn diện. Hệ quả là dù nhà vệ sinh xây lên nhưng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại. Tệ hại hơn, khảo sát của tổ chức RICE năm 2014 cho thấy 40% hộ gia đình có nhà vệ sinh ở Ấn Độ vẫn đi bậy lộ thiên do không thay đổi được thói quen. Hơn nữa, hệ thống xử lý chất thải quá kém khiến người dân vẫn phải dùng nước dội tay nhưng nhà vệ sinh vẫn bốc mùi, khiến người dân cảm thấy phiền phức.

Thậm chí ngay từ khi giành độc lập vào năm 1947, nhà lãnh đạo nổi tiếng Mahatma Gandhi đã nói: "Giải quyết vấn đề vệ sinh còn quan trọng hơn cả giành độc lập" khi nhận thấy trước được mối nguy hại từ việc đi bậy tùm lum của người dân.

Trên thực tế, câu chuyện đi vệ sinh bừa bãi của Ấn Độ đã có từ thời xưa khi giai cấp bần cùng của xã hội sống trong những khu ổ chuột và có điều kiện vệ sinh vô cùng kém. Đến khi Ấn Độ đô thị hóa nhanh, thói quen này vẫn còn lưu giữ. Hệ quả là trong khi tình trạng đi bậy hay xảy ra ở vùng nông thôn tại nước khác thì chúng lại diễn ra ngay tại thành thị ở Ấn Độ.

Người Ấn Độ có thói quen đi bậy ngay cả ở thành thị

Số liệu của WaterAid india cho thấy khoảng 157 triệu người sống ở đô thị Ấn Độ không tiếp cận được nhà vệ sinh. Trong khi đó báo cáo của Ngân hàng World Bank năm 2017 cho thấy 732,2 triệu người dân Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng để đi, đứng đầu thế giới về tỷ lệ mất vệ sinh. Nếu tính trên toàn cầu, khoảng 2,3 tỷ người không tiếp cận được nhà vệ sinh và khiến nền kinh tế thế giới mất khoảng 260 tỷ USD thiệt hại hàng năm.

Liên Hiệp Quốc năm 2015 nhận định Ấn Độ hoàn toàn có thể xử lý hết được vấn nạn ô nhiễm chất thải như Việt Nam đã từng làm. Đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi ô nhiễm chất thải cá nhân giết tới 1,4 triệu trẻ em trên toàn cầu mỗi năm, bằng tổng số trẻ em thiệt mạng do bệnh sởi, sốt rét và AIDS cộng lại.

Hàng năm, khoảng 117.000 trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị thiệt mạng do tiêu chảy và hàng triệu em khác ốm đau do sống trong môi trường mất vệ sinh. Năm 2016, khoảng 39% số trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị còi cọc do bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường.

Theo tổ chức TBC, việc giải quyết ô nhiễm chất thải cá nhân có thể đem lại không những lợi ích về sức khỏe, môi trường, hình ảnh đất nước mà còn cả về kinh tế. Ước tính của TBC cho thấy với mỗi 1 USD đầu tư cho nguồn nước và giải quyết chất thải, Ấn Độ có thể thu về 4,3 USD lợi ích nhờ gia tăng thêm được năng suất lao động.

Bất chấp tuyên truyền, đi bậy vẫn thoải mái và tiện lợi hơn vào nhà vệ sinh

Tác giả: AB

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP