Giáo dục

Cô giáo miền xuôi hết lòng vì học trò vùng cao

Càng gắn bó với học sinh vùng cao, cô Mai Thị Tuyết càng thấy yêu nghề và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục miền núi.

Theo Báo Thanh Hóa, năm 2003, sau khi tốt nghiệp Khoa văn, Giáo dục công dân, Trường Đại học Hồng Đức, cô giáo trẻ Mai Thị Tuyết sinh năm 1982, quê ở xã Nga Yên (Nga Sơn) được ngành giáo dục và đào tạo phân công lên công tác tại Trường THCS Hiền Chung (Quan Hóa).

Năm 2004, cô Tuyết được điều động về giảng dạy tại Trường PTDTNT Quan Hóa. So với các ngôi trường khác ở vùng cao, Trường PTDTNT Quan Hóa có điều kiện thuận lợi hơn, song đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc, đường sá đi lại khó khăn nên hầu hết các em tập trung về đây sống, học tập và rèn luyện dưới một mái nhà chung. Do vậy, cô cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn xác định mình vừa là thầy, cô giáo dạy văn hóa, đồng thời còn là người cha, người mẹ dạy và uốn nắn để hình thành nhân cách sống cho các em, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ.

Ngoài ra, việc truyền thụ văn hóa, tiếp cận nhận thức với các em học sinh cũng rất khó khăn, vì vậy cô cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn tìm hiểu, lựa chọn nhiều hình thức tổ chức giảng dạy phù hợp với năng lực từng học sinh.

Cô giáo Mai Thị Tuyết hướng dẫn các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường ôn tập bài. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Bản thân cô tự tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất.

Trong năm học 2017-2018, cô được nhà trường phân công phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn khối 7, Giáo dục công dân khối 6, 9.

Kết quả, có hai học sinh đạt giải cấp tỉnh môn Giáo dục công dân lớp 9; 4 học sinh đạt giải cấp huyện; 1 học sinh lớp 7 đạt giải môn Ngữ văn cấp huyện. Bản thân cô Tuyết còn hướng dẫn 3 học sinh, với 2 đề tài tham gia cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên mô để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh THCS” cấp huyện và có 2 học sinh đạt giải nhì; đồng thời, bài thi được gửi tham gia giải cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục cô giáo Mai Thị Tuyết đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen.

Một trường hợp điển hình khác là cô Nông Thị Huyền - giáo viên điểm trường thôn Lũng, Trường tiểu học Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)

Nhân dân cho hay, 27 năm trong nghề cũng là ngần ấy năm cô giáo Nông Thị Huyền bám các điểm trường, mang con chữ đến từng học sinh, từng bản làng vùng cao. Sự nỗ lực của cô Huyền cùng các thầy giáo, cô giáo gắn bó với điểm trường đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Suốt những năm trong nghề, cô Huyền không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Rồi không ít câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp, mùa đông giá rét, chỉ mặc chiếc áo mỏng vừa học vừa run.

Trong công tác chuyên môn, cô Huyền luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc kiến thức. Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo, coi như con mình. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, bản thân cô Huyền luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ giáo viên, luôn tích cực tham gia mọi phong trào và hoạt động của nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô Huyền cùng các thầy giáo, cô giáo không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo tài liệu, sách báo. Với sự cố gắng và sự nhiệt huyết với nghề, hằng năm, số học sinh đi học chuyên cần ở các điểm trường đều tăng.

Tác giả: Vũ Đậu

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP