Xã hội

Cô gái 19 tuổi hiến tạng của mẹ quyết định ở lại Hà Tĩnh

Cô gái hiến tạng người mẹ chết não do tai nạn giao thông quyết định ở lại quê hương Hà Tĩnh.

Câu chuyện về em Nguyễn Thị Sáng 19 tuổi quê Hà Tĩnh hiến tạng của người mẹ chết não do tai nạn giao thông cuối tháng 3 vừa qua, giúp cứu sống 4 người khác, được xã hội ghi nhận và được Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư khen. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp này của em, một số cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đã gọi điện thăm hỏi hoặc hỗ trợ vật chất, giúp 3 chị em Sáng bước đầu ổn định cuộc sống. Hiện, chị em Sáng đã quyết định ở lại quê hương Hà Tĩnh.
1 em sang xcgw
Ba chị em Sáng ở lại quê hương Hà Tĩnh.

Sau khi báo chí đưa tin về hoàn cảnh khó khăn của Sáng, nhiều cơ quan, đoàn thể đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài số tiền hỗ trợ hàng chục triệu đồng của các nhà hảo tâm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có phương án hỗ trợ việc làm cho Sáng và gửi 2 em của Sáng vào trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung ở tỉnh Bình Dương theo nguyện vọng ban đầu của em vì Bình Dương là nơi em từng làm công nhân xưởng may và ở trọ cùng mẹ.
Nhưng nay, em Sáng đã lựa chọn phương án ở lại quê hương Hà Tĩnh nên sẽ được chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ xây nhà. Em của Sáng là Nguyễn Thị Lương được tiếp tục đi học.

Em Nguyễn Thị Sáng nói: "Bây giờ mẹ em mất rồi, bố thì có cuộc sống riêng. Trách nhiệm của em là sẽ thay cha mẹ chăm lo cho các em, em sẽ cố gắng hết khả năng của mình để nuôi dạy các em, như mong muốn của Chủ tịch nước và tâm nguyện của mẹ em".

Hơn 1 tháng kể từ khi mồ côi mẹ, Sáng cùng em gái thứ 2 chăm lo chu đáo cho em gái út cùng mẹ khác cha, mới 1 tuổi rưỡi. Giọng nói ngây thơ, chưa sõi, em út giờ cứ gọi 2 chị là mẹ. Bố đẻ và dượng bỏ rơi 3 chị em Sáng nên hiện nay, ông Nguyễn Tiến Đường, anh ruột của mẹ Sáng đang cưu mang các cháu trong ngôi nhà chật hẹp.

2 ha tinh qnpt
Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Tiến Đường (nơi 3 chị em Sáng đang ở nhờ).

Nhường cho các cháu ngủ trên chiếc giường duy nhất, ông Đường trải chiếu nằm đất. Đã bao đêm mất ngủ, ông Đường nặng trĩu nỗi niềm khi em gái đã mất, các cháu còn thơ dại. Ông đang lo lắng cho công việc lâu dài của Sáng: "Tôi rất cảm ơn Chủ tịch nước, các ngành các cấp và những nhà hảo tâm đã chia sẻ với gia đình 3 cháu. Nguyện vọng của cháu Sáng là được học nghề và làm nấu ăn ở trường mầm non xã Cẩm Nhượng để cháu vừa có việc làm, thu nhập và trông được em bé".

Vượt qua mất mát, khó khăn và định kiến xã hội, nghĩa cử hiến tạng của em Nguyễn Thị Sáng đang truyền đi trong cộng đồng một thông điệp về tình yêu thương, sự cho đi và lòng trắc ẩn trong mỗi người, viết nên câu chuyện cảm động, đầy nhân văn và thấm đậm tình người./.

Tác giả bài viết: Văn Hải

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP