Kinh tế

Cổ đông “bí ẩn” nào đứng sau hãng xe Grab bị tài xế phản đối tăng cước?

Công ty TNHH Grab vào năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt Nam lần lượt là ông Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Phú Sinh và Trần Anh Đức.

Thông tin về việc hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ tắt app, tập trung nhau biểu tình trước trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân và diễu hành trên các tuyến phố Thủ đô nhằm phản đối việc tăng cước của doanh nghiệp này vẫn đang là chủ đề “nóng” gây xôn xao dư luận.

Các tài xế diễu hành trên các tuyến phố của Hà Nội nhằm phản đối việc tăng cước của Grab. (Ảnh: Zing.vn).

Theo tìm hiểu của PV, Grab xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, tiền thân của Công ty TNHH Grab sau này. Đến tháng 10/2014, Công ty tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike.

Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Tháng 3/2018, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á - thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Đến tháng 8/2019, Grab công bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.

Năm 2016, Công ty TNHH Grab có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt Nam lần lượt là ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%).

Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1982) đóng vai trò quan trọng đặc biệt tại Grab vì là người “mở đường” triển khai thành công ứng dụng đặt xe, đặc biệt là GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Mặt khác, ông Tuấn Anh cũng là người đem đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca.

Tại Grab Việt Nam, ông Tuấn Anh từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam.

Từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, ông Tuấn Anh vẫn luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Grab là 51%. Trong khi đó, Grab INC - pháp nhân đến từ quần đảo Cayman, chỉ nắm 41% vốn.

Tuy nhiên, ngày 1/2/2020 ông Tuấn Anh đã chính thức nghỉ việc ở Grab. Lô 1,02 triệu cổ phần, tức 51% vốn này sau đó đã có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền (ngày 27/3/2020).

Theo Nhadautu.vn, ngoài vai trò cổ đông, bà Huyền còn giữ là lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH Grab.

Tuy nhiên, ở thời điểm ngày 27/3/2020 bà Huyền đã đem toàn lô cổ phần nói trên thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam. Đến tháng 11/9/2020, bà tiếp tục thế chấp 100% vốn Công Ty TNHH G-Trees cũng vẫn tại GPay Network Việt Nam.

Ngạc nhiên là 100% vốn GPay Network Việt Nam lại thuộc sở hữu của chính Công ty TNHH Grab. Hay nói cách khác, bà Huyền đã đem 51% vốn Grab thế chấp tại chính Công ty con của Grab.

Tác giả: Khánh Hoài

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP