Xã hội

Chuyện "khó tin" về người mẹ xin quả bóng hỏng cho con

Chứng kiến cảnh đói, rách thiếu thốn của những đứa trẻ con em đồng bào dân tộc, chị tìm mọi cách để xin quần áo, giày dép cho các em. Thấy các em không có bóng đá chị cũng mạnh dạn đi xin…

>>Cảm động chuyện người mẹ xin quả bóng hỏng cho… con
Chị Lan tranh thủ đêm hôm vào bản trao áo cho trẻ

Người dân trong xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) khi nhắc đến chị đều thể hiện những lời lẽ trìu mến, thân thương. Chị là Bùi Thị Lan (SN 1982) cán bộ xã Mai Sơn – người mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài “Cảm động chuyện người mẹ xin quả bóng hỏng cho… con”.

Giúp các em không dính vào tệ nạn

Qua điện thoại, biết Câu lạc bộ Liên quân báo chí Nghệ An (Rclub Nghệ An) hứa sẽ trao những quả bóng đá cho trẻ em xã Mai Sơn, chị Lan như reo: “Cám ơn các chú rất nhiều. Ngay khi nhận được tin, tui đã báo cho lãnh đạo xã, mọi người vui lắm”.

Chưa gặp trực tiếp nhưng tôi biết, chị Lan đang vui lắm. “Bọn trẻ sẽ vui lắm đây. Bởi đó là ước mơ, là khát khao của chúng mà”, chị Lan nói. Mai Sơn là xã vùng biên giáp nước bạn Lào. Là một trong 2 xã duy nhất của huyện Tương Dương không phải di dời khỏi vùng lòng hồ để nhường chỗ cho dự án thủy điện Bản Vẽ.

“Xã có hàng trăm trẻ đủ các đổ tuổi. Ngoài giờ học trên lớp, trò chơi với các em là đi bắt cá, lên rừng kiếm củi. Họa may thì có trò chơi ném dép (lấy dép ném cho nhau bắt) hay trò búng nắp (lấy nắp nhựa của các chai nước chơi như chơi bi” - chị Lan kể.

Ngoài ra không có trò gì khác à chị?

“Tiền đâu chú. May lắm thì các cháu lặt được quả bóng hỏng đem đá với nhau thôi. Nên có quả bóng mới không chỉ là ao ước mà còn là khát khao khó lòng có đối với các em” - chị Lan trả lời.

Không có trò chơi nên thực tế nhiều em khi mới lên lớp 8 đã bỏ học. Nhiều em đã dính vào các tệ nạn. “Bóng đá và các trò chơi lành mạnh khác sẽ giúp các em không dính vào tệ nạn” - chị Lan chia sẻ.
Niềm vui của trẻ em Mai Sơn khi nhận quần áo từ các nhà hảo tâm thông qua chị Lan

Rủ các em về nhà mình đọc sách

Trong câu chuyện, chúng tôi rất bất ngờ khi biết chị Lan là người Kinh, quê chị ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 2003 tốt nghiệp ở một trường Trung cấp ở Hà Nội. Năm 2004, theo tiếng gọi thu hút lực lượng trẻ, chị Lan đã tình nguyện lên với Mai Sơn.

Lúc đó, từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) vào đến xã Mai Sơn chỉ có con đường độc đạo là đi xuồng. Ấy vậy mà cũng mất đến 1 ngày mới đến nơi. Bấy giờ Mai Sơn hết sức khó khăn, điện không có, sóng điện thoại cũng không.

“Tôi cũng định bỏ về nhà mấy lần rồi. Thân gái dặm trường ở nơi không điện sáng, không sóng điện thoại, chẳng người quen nên buồn lắm. Nhưng sau đi vào bản cứ nhìn những đứa trẻ con em đồng bào chẳng đủ ăn, đủ mặc tôi lại thương chúng” - chị Lan nhớ lại.

Nhiều hôm thấy các em đói, rét quá, chị Lan đã trích tiền ra mua bánh kẹo làm quà cho những đứa trẻ nghèo. Thậm chí, thấy các em rách rưới, mỗi khi về quê chị Lan lại vận động người thân, bạn bè xin quần áo ấm cho các em. Xin được về, chị lại phân loại, chiếc áo, quần nào quá lớn chị lại cắt may vá lại cho vừa vặn.

“Trước đây, sóng điện thoại không có, điện thoại cũng chẳng có chức năng chụp được ảnh nên tôi chẳng biết xin đồ cho các em. Quê tôi cũng nghèo nên vận động cũng không được mấy. Nên sau này khi có mạng xã hội và có điện thoại chụp được ảnh. Tôi cứ chụp lại ảnh những đứa trẻ khó khăn và chia sẻ lên trang Facebook cá nhân nên đã được mọi người quyên góp quần áo gửi lên” - chị Lan kể

Giữa năm, 2016, được một nhóm từ thiện ủng hộ sách truyện chị Lan đã lập thành một “thư viện” nhỏ miễn phí ngay tại nhà mình ở bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn.

“Tui cũng tận dụng giá sách của chồng làm chỗ bỏ sách cho các em đọc thôi. Phần trẻ em nơi đây còn bận nhiều việc, phần vì các em không ham đọc nên hễ ra đường gặp các em tui lại rủ về nhà đọc sách. Dần già các em quen nên đến đây đọc sách nhiều hơn” - chị Lan vui vẻ nói.
Niềm vui của chị Lan mỗi khi xin được quần áo, giày dép cho trẻ em nghèo vùng lòng hồ

Làm dâu người Khơ Mú

Cũng từ những lần vào bản thăm những đứa trẻ nghèo, chị Lan đem lòng yêu mến thầy giáo Lữ Văn Thịnh (SN 1977) dạy trường THCS bán trú Mai Sơn. Anh Thịnh là người con đồng bào Khơ Mú.

Năm 2007, anh và chị đám cưới và sinh sống cùng gia đình chồng tại xã Mai Sơn đến nay. Giờ đây gia đình chị Lan đã có hai mặt con, cuộc sống cũng đang còn thiếu thốn nhưng chị Lan vẫn luôn mong: Mình làm được gì cho các cháu thì cứ làm. Các cháu ở đây còn khổ lắm.

Giờ đây, Mai Sơn đã có điện. Đường vào Mai Sơn cũng đã thuận tiện hơn. Nhờ sự thuận lợi của điện lưới, điện thoại mà những nghĩa cử đầy nhân văn của người con dâu đồng bào Khơ Mú đã tiếp lửa cho nhiều nhà hảo tâm.
Người dân Mai Sơn mỗi khi nhắc đến chị Lan đều thể hiện sự trìu mến, than thương

Những thiếu thốn của trẻ vùng lòng hồ Mai Sơn đã được đông đảo mọi người trên mạng xã hội chia sẻ thông qua sự kết nối của chị Lan. Nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân hảo tâm đã đến trực tiếp và liên lạc với chị Lan để gửi áo quần, giày dép cho các em.

Dầu vậy, Mai Sơn vẫn nghèo. Những đứa trẻ ở Mai Sơn vẫn nghèo. Ở đó quả bóng đá, quả cầu lông, quả bóng chuyền đối với em là cái gì đó xa vời chứ chưa nói đến những thứ gì đó lớn lao nhất mà các em cần.

Tôi day dứt và muốn làm một điều gì đó khi nghe chị Lan nói: “Tôi muốn các em có những trò chơi lành mạnh. Để các em không phải dính vào tệ nạn nữa…”.

>>Cảm động chuyện người mẹ xin quả bóng hỏng cho… con

Tác giả bài viết: Trọng Đức (Theo Tinnhanhonline.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP