Xã hội

Chuyện tình xưa ở ‘Trạm chín cô’

Họ gồm chín cô gái tuổi xuân phơi phới làm nhiệm vụ đưa đón những đoàn quân, chuyển công văn liên lạc, trở thành mạch nối trên cung đường Trường Sơn Đông thời đánh Mỹ.

Trong mưa bom, bão đạn vẫn có những cuộc tình nảy nở bất chấp bao khắc nghiệt của chiến tranh.

“Trạm chín cô” là cách gọi của anh em bộ đội vì trạm có chín cô giao liên ở Quảng Ngãi. Còn tên đầy đủ là trạm giao liên quân bưu, thuộc Tiểu đoàn D 860, Trung đoàn E 240, Cục Hậu cần Quân khu 5.

Chín cô giao liên chưa từng biết yêu

Cô Nguyễn Thị Diệp có mặt từ hồi mới thành lập trạm năm 1967 đến ngày thống nhất cho hay: Hồi mới lập trạm, người nhỏ nhất chỉ mới 17 tuổi còn lớn nhất chỉ mới 23 tuổi. Tất cả chưa từng qua mối tình nào.

Những năm đó, địch phát hiện ra cung đường Trường Sơn Đông nên ngày ngày máy bay gầm rú, rồi bom B52 rải thảm. “Trạm chín cô” phải di dời nhiều lần, hết ở vùng Bãi Màu, xã Sơn Tân lại chuyển lên Sơn Bao, Sơn Dung. Cả trạm chín cô gái mặc áo bà ba, cổ quấn khăn, đầu đội mũ tai bèo, tay quàng súng cạc bin, lưng gùi túi công văn chuyển đến trạm kế tiếp. Hết chuyển công văn, họ lại dẫn đường cho bộ đội hành quân vào Nam, đưa cán bộ từ miền Nam ra Bắc, sống chết cận kề.

Những đoàn quân qua Quảng Ngãi được các cô đưa đón đến trạm. Họ mắc võng dưới tán lá rừng. Có anh cao hứng còn viết những bức thư trích đoạn trong bài hát Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao: “Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường” để ngợi ca, để tán tỉnh các cô. “Con người chứ có phải gỗ đá gì đâu mà không rung động. Nhưng kỷ luật chiến trường nghiêm lắm nên chẳng ai dám nói lời yêu thương” - cô Diệp bộc bạch.

Cô Phan Thị Tuyết cùng người con gái Nguyễn Thị Sương, kết quả của mối tình giữa cô và liệt sĩ Nguyễn Chí Hiếu. Ảnh: VÕ QUÝ
Chị em “Trạm chín cô” trong một lần tham quan miền Bắc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tình yêu bên bến sông Rin

Cô Phan Thị Tuyết hiện ở thôn Thanh Lâm, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ là một thành viên của trạm, giờ đã 70 tuổi. Nhắc chuyện xưa, cô bảo: “Hồi đó gọi là “Trạm chín cô” nhưng đúng hơn là “Trạm chín cô một cậu”. Cậu duy nhất đó là anh Nguyễn Chí Hiếu, quê huyện Bình Sơn.

Anh Nguyễn Chí Hiếu chẳng biết từ bao giờ đã để ý đến cô Tuyết. Cứ mỗi lần sau khi cô Tuyết đưa cán bộ, bộ đội qua sông trở về trên chuyến đò của anh, anh luôn hỏi thăm về người cha đi tập kết cũng như người mẹ đi công tác, người em gái đi du kích ở chiến trường Đức Phổ của cô. Nhiều lần anh bảo mơ một ngày chiến thắng, anh dứt khoát sẽ vào Phổ Ninh thăm nhà cô.

Khi biết mình đã mang giọt máu của anh Hiếu, cô Tuyết lo lắm, cùng anh báo cáo vụ việc với trưởng trạm Lê Thị Bích Ngà: “Làm thân con gái, khôn ba năm dại một giờ. Cấp trên kỷ luật thế nào thì em xin chịu!”. Nghe cô Tuyết bộc bạch, cô Ngà thương lắm. “Ừ, thì cũng do chiến tranh. Nhưng đã vi phạm kỷ luật thì phải làm kiểm điểm để gửi lên tiểu đoàn thôi”.

Nhưng tình yêu thời chiến, sự mất còn ai nào đoán định được. Cô Tuyết kể mà nước mắt rưng rưng: “Đó là cái đêm 13-8-1971, anh Hiếu đưa đoàn cán bộ qua sông. Khi thuyền vừa cập bờ, một toán biệt kích đã phát hiện nên anh vội cầm súng mở đường để bảo vệ cán bộ. Anh bị thương nặng ở đầu. Vết thương quá nặng, anh đã hy sinh”.

Chị Nguyễn Thị Sương, con gái của cô và anh Hiếu giờ đã 45 tuổi, lập gia đình và ở cách nhà mẹ chừng 3 km nên sớm hôm về chăm sóc mẹ. Chị Sương bộc bạch: “Sau chiến tranh mẹ đưa tôi về thăm quê nội để ông bà nhận dâu, nhận cháu. Chỉ thương cha tôi nằm lại bên sông Rin…”.

Đám cưới đơn sơ thời chiến

Chính trị viên đại đội quân bưu, trực tiếp chỉ huy “Trạm chín cô” là ông Lê Trọng Oánh, nhà nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP Quảng Ngãi, giờ đã 75 tuổi.

Ông cho hay vợ ông - cô Lê Thị Bích Ngà mắt kém nên con đưa đi TP.HCM để mổ mắt. Hỏi chuyện tình yêu thời chiến, ông cười và kể: “Năm 1969, khi tôi ở trạm giao liên Ba Điền, có cậu lính trẻ trong đại đội mách: “Em có quen với cô Lê Thị Bích Ngà, trưởng “Trạm chín cô”. Cô ấy đẹp người, đẹp nết, lại nhanh nhẹn nên có dịp sẽ giới thiệu cho anh”. Ai dè sau đó ông Oánh được phân công về phụ trách trực tiếp “Trạm chín cô”, làm việc với cô Ngà.

Lời cậu lính trẻ ấy không ngờ đã trở thành sự thật. Có nhiều lần đi đón cán bộ cấp cao của Khu ủy khu 5 kiểm tra chiến trường, những đơn vị chính quy từ ngoài Bắc vào, chính trị viên và trưởng trạm cùng đi. Họ mến nhau, quyết định báo cáo với cấp trên.

Ông Nguyễn Mười, chính trị viên Tiểu đoàn 8, nghe báo cáo rồi nói chắc nịch: “Trai chưa vợ, gái chưa chồng yêu nhau là đúng. Nếu ngăn cản tụi bây là vô đạo đức. Nhưng chú mày là cán bộ đại đội, con Ngà là trưởng trạm làm như thế sao có thể là cái gương cho anh chị em?”. Ông Mười gay gắt trong cuộc họp là vậy nhưng lại báo cáo trung đoàn cho đôi lứa cưới nhau.

Một đám cưới thời chiến được tổ chức ngay ở trạm, không bà con họ hàng mà chỉ có các đồng đội. Chú rể vẫn mặc quần áo bằng vải xi ta màu mốc, cô dâu mặc áo bà ba đen, chân mang dép cao su. Phòng hạnh phúc làm bằng tre, xung quanh có bao những tấm vải dù.

Ông Oánh và cô Ngà năm xưa giờ có sáu mặt con. Ông Oánh bộc bạch: “Chiến tranh khốc liệt nhưng qua chuyện của mình, mình càng thấm thía hơn cái tình trong chiến tranh. Tình yêu thời chiến nếu không có sự thông cảm, bao dung của cấp trên, của đồng đội thì làm sao có thể đơm hoa kết trái đến bây giờ!”.

Sắp kỷ niệm 50 năm lập “Trạm chín cô”

Cô Nguyễn Thị Diệp, thành viên của “Trạm chín cô”, cho hay tháng 6 năm nay, trạm sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Biên chế của trạm trong chiến tranh lúc nào cũng có chín cô nhưng theo thời gian, nhiều cô được cấp trên điều động đi thành lập trạm mới ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum nên tính ra số người từng công tác ở trạm lên đến 30. Hiện nay có một số chị em ở xa hoặc qua đời, chỉ còn lại 20 chị em trên địa bàn Quảng Ngãi. Tất cả đều là thương binh hoặc bệnh binh. Nhiều người trong số họ bây giờ có cuộc sống rất khó khăn.

Tác giả bài viết: VÕ QUÝ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP