Giáo dục

Chuyển thể tác phẩm văn học sang truyện tranh

Đó là ý tưởng độc đáo và đã được “hiện thực hóa “của em Vũ Trần Quỳnh Trang và Mai Minh Hoàng, học sinh lớp 8B, Trường THCS Hồ Xuân Hương, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

“Chúng em thấy có nhiều bạn không thích đọc các tác phẩm văn học nhưng lại mê đọc truyện tranh, vì vậy em cùng bạn đã nảy ra ý tưởng chuyển thể các tác phẩm trong sách giáo khoa thành truyện tranh”, Quỳnh Trang chia sẻ.

Trang và Hoàng mong muốn, qua đó, giúp các bạn dễ nhớ được cốt truyện, và có hứng thú hơn, yêu thích môn Văn hơn.

Tác phẩm đầu tiên được chuyển thể là đoạn trích Trong lòng mẹ (Truyện ký Thời thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng). Bằng trí tưởng tượng và khả năng cảm thụ văn học của mình, Vũ Trần Quỳnh Trang và Mai Minh Hoàng đã hình dung ra hình ảnh của cậu bé Hồng giàu tình cảm, sống nội tâm và cũng rất cứng cỏi, can đảm; hình ảnh người cô khắc nghiệt, đầy định kiến và một người mẹ đẹp dịu hiền dù cuộc sống nhiều nỗi éo le…

Tất cả được vẽ lên giấy, mỗi sự việc là một phân cảnh và tiếp tục cho đến hết. Đồng thời, cốt truyện được các em tóm tắt ngắn gọn nhưng đầy đủ, kèm theo những lời thoại chính của nhân vật.

Sau đó, Quỳnh Trang và Minh Hoàng mang sản phẩm đến lớp. “Các bạn ồ lên, ai cũng hỏi “Tại răng mà 2 bạn nghĩ ra được cái ni hay quá” làm bọn em rất vui - Hai bạn nhỏ kể lại.



Nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của bạn đọc, Trang và Hoàng tiếp tục bắt tay vào chuyển thể các tác phẩm khác như: đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Ngô Tất Tố), Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), đoạn trích Chiếc lá cuối cùng (O. Henri)…

Cô giáo Lê Thu Trang, giáo viên bộ môn Ngữ văn đồng thời cũng là chủ nhiệm lớp cho biết: Ý tưởng của các em khiến tôi rất vui và khá bất ngờ. Trên thực tế, đây là một hình thức tóm tắt cốt truyện sinh động, lôi cuốn, giúp học sinh dễ nhớ các ý chính, các hoàn cảnh, tình huống nghệ thuật trong đó.

Cô Trang cũng chia sẻ: Dù là truyện tranh, nhưng nguyên thể đều là những tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa. Các em rất tuân thủ “bản gốc” vì vậy ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu chứ không phải là thứ ngôn ngữ cộc lốc, thiên về hành động như các truyện tranh bày bán trên thị trường. Cô giáo chỉ hỗ trợ thêm một chút về ý tưởng hoặc những tình huống đắt giá đặc biệt cần vẽ.

Tính đến thời điểm này, học trò của cô Trang đã chuyển thể được 9 tác phẩm văn học sang truyện tranh, scan và in ra thành nhiều bản để cho các bạn sử dụng. Đồng thời dựng thành slide để trình chiếu trong giờ học văn trên lớp.

Cô và trò lớp cũng đã làm bảng hỏi để thăm dò ý kiến của 300 học sinh của 7 trường THCS khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Đa số ý kiến đều ủng hộ và bày tỏ niềm hứng thú đến dự án của 2 bạn: “Bây giờ có nhiều bạn đã xin làm cộng tác viên, cùng tham gia dự án, nên công việc chuyển thể của bọn em gặp nhiều thuận lợi và tiến bộ hơn. Không khí học văn trong lớp cũng nhờ thế mà sôi động, hào hứng hơn ạ”, em Mai Minh Hoàng phấn khởi nói.
Dự án chuyển thể tác phẩm văn học sang truyện tranh của nhóm bạn cũng đã vượt qua nhiều dự án khác lọt vào vòng thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học năm học 2016 – 2017 của tỉnh Nghệ An diễn ra vào tháng 1 vừa qua và đạt giải Khuyến khích.

1 adgh
Em Vũ Trần Quỳnh Trang mong muốn qua việc chuyển thể tác phẩm văn học sang truyện tranh sẽ giúp giờ học văn sôi nổi, hứng thú hơn, tránh được sự nhàm chán, uể oải và “buồn ngủ” trong lớp.

2 xozp
Sản phẩm của Trang và Hoàng đã được áp dụng vào lớp học có hiệu quả, và giành giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học tỉnh năm học 2016 – 2017

3 tqey
Đoạn trích Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O.Henri được vẽ thành tranh

4 amyu
Một phân cảnh trong tác phẩm Sống chết mặc bay của nhà văn Phạm Duy Tốn

5 kqmz
Đến nay, hai bạn đã chuyển thể được 9 tác phẩm văn học trong sách giáo khoa thành truyện tranh phục vụ trong các giờ học văn của trường.


Tác giả bài viết: Quỳnh Lương
Nguồn tin:
Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP