Xã hội

Chuyện người góa phụ khóc hai chồng liệt sĩ

“Tôi một lòng đợi anh. Đợi từ khi nghe tin anh mất đến 3 năm sau, nhận giấy báo tử anh tôi vẫn đợi. Tôi đợi anh ấy hơn 10 năm trời, nhưng anh chẳng bao giờ về nữa", bà Nguyệt nói.

Nước mắt những người vợ liệt sĩ góa chồng ở tuổi 20 Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bên cạnh sự hy sinh của hàng nghìn người lính trẻ, những người vợ của họ cũng trở thành góa phụ ở tuổi 20.

Những cuộc chiến tranh giày xéo đất nước trải dài suốt thế kỷ XX đã khiến hàng triệu người lính Việt Nam ngã xuống. Họ ra đi khi chiến đấu cho lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự an toàn và tương lai gia đình ở quê nhà.

“Anh đi một là xanh cỏ, hai là đỏ lồng ngực. Em ở nhà cố gắng thay anh nuôi con, chăm sóc bố mẹ già” là lời dặn dò mà người sĩ quan Trần Đức Hiệp (Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) nói với vợ trước lúc lên đường đến mặt trận Vị Xuyên năm 1984.

Câu nói ấy không ngờ cũng là lời nhắn nhủ cuối cùng của người lính trận. Chưa đầy một năm sau, anh hy sinh khi cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trải qua giai đoạn ác liệt nhất. Nhận tin chồng mất, người vợ Vũ Thị Minh Nguyệt ngã quỵ. Đó là lần thứ 2, chị nhận giấy báo tử của chồng.

10 năm khóc chồng

Người vợ năm xưa nay đã gần 70 tuổi (Bảo Thắng, Lào Cai), sức khỏe bà suy yếu, chưa hồi phục sau 2 lần phẫu thuật vì bạo bệnh. Tuy vậy, bà vẫn nhớ như in kỷ niệm về 2 người chồng bà yêu thương và ký ức buồn khi 2 lần trở thành góa phụ.

Nằm trên giường bệnh, bà Nguyệt kể về cuộc đời mình trong tiếng nấc, mỗi ký ức trở về trong tâm trí đều khiến đôi mắt bà nhòa lệ. Lau vội nước mắt bằng chiếc khăn mùi xoa in hình hoa tím, bà Nguyệt tâm sự bà lấy chồng từ năm 19 tuổi.

Ngày ấy, bà Nguyệt và ông Mai Xuân Huỳnh (sinh năm 1947) là hàng xóm ở Nam Định, hai người yêu nhau tròn 2 năm thì cưới.

Đám cưới diễn ra nhanh chóng trong một tuần ông Huỳnh về phép từ chiến trường miền Nam (kháng chiến chống Mỹ). Đôi vợ chồng trẻ bên nhau được 4 ngày, ông Huỳnh hết phép trở vào chiến đấu, bà Nguyệt ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng.

Bà Nguyệt nhớ lại: “Anh ấy dặn tôi ở nhà thay anh chăm sóc bố mẹ. Khi nào đất nước hòa bình, anh trở về, chúng tôi lại hạnh phúc. Anh nói dù có thế nào đi chăng nữa tôi hãy cố gắng đợi anh”.

“Tôi một lòng đợi anh. Đợi từ khi nghe tin anh mất đến 3 năm sau, nhận giấy báo tử anh tôi vẫn đợi. Tôi đợi đến 7 năm sau nữa và chẳng nghĩ gì đến chuyện xây dựng lại với ai. Tôi đợi anh ấy hơn 10 năm trời… nhưng anh chẳng bao giờ về nữa cả”, bà Nguyệt nức nở.

Những người đồng đội của ông Huỳnh trở về kể với bà Nguyệt rằng ông hy sinh khi ôm mìn vào đồn địch. Khi ấy, ông bà cưới nhau mới hơn 9 tháng, hai người chưa kịp có con.

Bà Nguyệt bộc bạch suốt 10 năm sau khi chồng mất, sống không con cái, bà buồn tủi rất nhiều. Nghĩ bản thân sẽ không tái giá, bà nhận 2 người con nuôi. Một thời gian sau, bà theo bố mẹ ruột chuyển từ Nam Định lên Lào Cai sinh sống. Tại đây, bà dạy mầm non và phụ bố mẹ bán hàng tạp hóa.

Hàng chục năm đã qua, bà Nguyệt vẫn nhớ như in ký ức về hai người chồng liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Như.

Nỗi đau lặp lại

Năm 1979, đơn vị của ông Trần Đức Hiệp (sinh năm 1952, quê Ninh Bình) từ Hà Tĩnh chuyển ra, đóng quân cách nhà bà Nguyệt 50 m nên ông thường đến nhà bà mua hàng. Thấy bà Nguyệt hiền lành, ông Hiệp ngỏ lời tìm hiểu và đặt vấn đề kết hôn.

Người phụ nữ tâm sự ngày đó, bà mặc cảm vì ông Hiệp là trai chưa vợ, còn bà đã một đời chồng và lớn hơn vài tuổi. Bà sợ người đời xì xào, sợ lấy chồng là bộ đội thời chiến, không biết được tương lai.

Tuy nhiên, trước sự chân thành của ông Hiệp, bà Nguyệt đã thuận lòng làm vợ. Đám cưới hai người được đơn vị ông đứng ra tổ chức vào năm 1980. Không lâu sau, bà Nguyệt lần lượt sinh 2 người con trai, giấc mơ làm mẹ trở thành hiện thực khi bà ngoài 30 tuổi.

Năm 1984, ông Hiệp cùng đơn vị chuyển lên đóng quân ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang - Tuyên Quang) khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bước vào giai đoạn ác liệt nhất ở mặt trận này.

Bà Nguyệt bày tỏ hơn 30 năm đã trôi qua, hình ảnh ông Hiệp bước lên xe, một tay chống gậy, một tay lau nước mắt vẫn còn khắc sâu trong tâm trí bà. Khi ấy, hai cậu con trai cùng theo mẹ tiễn bố, những đôi tay nhỏ vẫy tạm biệt đến khi xe đi khuất.

Đó là những hồi ức cuối cùng mà bà Nguyệt có với người chồng thứ hai. Đến tháng Giêng năm 1985, đồng đội ông Hiệp trở về báo tin ông hy sinh.

Bà Nguyệt xúc động khi nhớ về quá khứ. Ảnh: Hoàng Như.

Người góa phụ kể từ ngày chồng mất, cuộc sống của mẹ con bà càng trở nên khó khăn, buồn tủi.

“Ngày 28 tháng Chạp vài năm sau khi chồng mất, cậu con trai bé hỏi tôi tại sao Tết nhà người ta gói bánh chưng mà nhà mình không có, sao người ta có bố mà con không có bố hả mẹ. Nghe con hỏi vậy, tôi đau lòng lắm. Tôi thương con mà thương cả phận mình”, bà khóc nấc.

Người vợ liệt sĩ giãi bày những nỗi buồn đã đeo đuổi bà suốt thời tuổi trẻ, cuộc đời buồn tủi ấy của bà còn dài lắm, không thể nào kể hết ra được. Bà bảo sẽ mãi lưu giữ, trân trọng ký ức về hai người chồng liệt sĩ, dù họ chỉ bên bà 4 ngày hay 4 năm.

Hy sinh hạnh phúc

Cùng ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai, với bà Nguyệt, cuộc đời bà Vũ Thị Tho (62 tuổi) có nhiều điểm tương đồng, lấy chồng năm 19 tuổi và trở thành góa phụ khi mới ngoài 20. 10 năm sau, bà Tho xây dựng lại với một người lính trận, nhưng lần đò thứ hai dang dở khi người thương binh mất sớm vì bạo bệnh, di chứng của chiến tranh.

Bà Tho cho biết cuối năm 1975, bà kết hôn với ông Đào Đức Thủy (cùng quê gốc Hải Phòng). Hơn một năm sau, ông Thủy đi bộ đội lúc bà Tho đang mang thai đứa con thứ hai. Đến tháng 2/1979, ông Thủy hy sinh ở chiến trường Lai Châu trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

Người vợ liệt sĩ tâm sự từ ngày đi bộ đội, ông Thủy chưa về nhà lần nào nên bà chưa bao giờ được nhìn chồng mặc quân phục. Ở chiến trường, ông Thủy viết thư về bảo muốn được thấy mặt người con thứ hai mà khi ông đi còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy, bà nhờ người chụp ảnh con rồi gửi cho chồng. Nhưng cũng từ đó, bà bặt tin ông.

Suốt một thời gian dài không nhận được thư chồng trong khi những đồng đội công tác cùng ông vẫn đều đặn gửi thư về cho gia đình họ, bà Tho lo lắng, gặng hỏi khắp nơi. Về sau, đồng đội ông Thủy mới dám nói thật cho bà rằng ông đã hy sinh.

Bức ảnh chụp con mà bà Tho gửi, ông chưa kịp nhận, đến khi ngã xuống, ông vẫn chưa biết mặt người con thứ hai của mình. Bức ảnh đó về sau được đồng đội ông mang về gửi lại bà Tho.

Nhớ lại những ngày tháng cơ cực sau khi chồng mất, nước mắt giàn giụa, bà Tho kể ngày đó, một mình bà chăm 2 con nhỏ, ít khi nhận được sự giúp đỡ từ gia đình. Đi làm đồng, vun ngô, bà phải tranh thủ khi trời mát, mang theo manh chiếu cho 2 con ngồi chơi với nhau trên bờ, bà vừa làm vừa trông...

Bà Tho không kìm được nước mắt khi kể về đời mình. Hiện, bà mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục nhận chế độ vợ liệt sĩ bị gián đoạn nhiều năm. Ảnh: Hoàng Như.

Thời gian đó, bà không có ý định đi bước nữa vì đã có 2 con, trai gái đủ rồi. Tuy nhiên, khi gặp ông Lê Công Cẩn (quê Nghệ An), bà thay đổi suy nghĩ, quyết định sống cùng người lính Vị Xuyên. Năm 1998, gần 10 năm sau, ông Cẩn qua đời vì bệnh khi 2 người con chung với bà Tho còn bé.

Người góa phụ bày tỏ: “Cuộc sống độc thân, nuôi con nhỏ một mình vất vả lắm. Nhiều đêm, tôi nghĩ về số phận mình mà rơi nước mắt, không có ai bên cạnh sẻ chia…”.

“Tuy vậy, cuộc đời vẫn để lại cho tôi một tia hy vọng khi các con đều ngoan ngoãn, trưởng thành không vướng vào tệ nạn xã hội. Hạnh phúc của tôi hay những người vợ liệt sĩ khác được hy sinh để đất nước độc lập, nhiều người khác có hạnh phúc hôm nay”, bà Tho bộc bạch.

Cựu binh Vị Xuyên kể chuyện tìm thi thể đồng đội trong đêm Những cựu binh Sư đoàn 356 không cầm được nước mắt khi kể về hành trình tìm và vận chuyển thương binh, thi thể đồng đội sau các trận đánh trên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Tác giả: Hoàng Như - Nguyên Phương

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP