Cuộc sống

Chuyện kể từ “thế giới ngầm” (1): Cả cuộc đời bi kịch của những chàng “gay” lấy vợ, sinh con

Họ là một phần đặc biệt của “thế giới ngầm”. Họ là gay nhưng vẫn lấy vợ, sinh con. Họ đã phải sống trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, hạnh phúc và sự thấu hiểu. Ở nửa cuối của cuộc đời, khi muốn được “sống là chính mình” thì cái giá nhận được lại là sự bẽ bàng, tủi nhục đến tột độ.

Những năm 2000 trở về trước, khái niệm về cộng đồng LGBT tại Việt Nam vẫn là một trong những dấu chấm hỏi lớn. Họ coi những người thuộc "thế giới ngầm" là những kẻ bệnh hoạn, quái dị. Ba nhân vật của chúng tôi đã phải sống trong những trải nghiệm như thế. Họ đã phải trải qua những tháng ngày tuổi thơ trong đau khổ, tuyệt vọng.

Những nhân vật của chúng tôi đã nhận ra những điều bi kịch đến "thấu tận tâm can" khi biết giới tính thật của mình. Sau gần 10 ngày đặt lịch phỏng vấn, chúng tôi nhận được câu hồi đáp từ tin nhắn của ông Nguyễn Kim Thành với nội dung: "Con trai tôi có lịch đi kiến tập nên có thể trả lời phỏng vấn tại nhà riêng".

Khác với hai nhân vật còn lại, ông Nguyễn Văn Phong (64 tuổi), quê ở Phú Thọ lại trải qua những ngày vô cùng kinh khủng khi phút giây nhận ra mình cũng là lúc ông bị xâm hại tình dục bởi người hàng xóm của mình: "Tôi đến với "thế giới ngầm" cũng là lúc bị xâm hại tình dục bởi người anh hàng xóm. Đó là ký ức đau thương mà tôi không bao giờ dám thổ lộ. Ngay cả đến tận bây giờ, khi người đó đã không còn trên đời".

Những nhân vật của chúng tôi đến với "thế giới ngầm" bằng những trải nghiệm khác nhau nhưng có một mẫu số chung là họ đều chôn giấu những gì thật nhất của mình trong một thế giới đầy khổ đau và tột cùng bất hạnh. Và họ đã chọn một lối đi chung.

Đó chính là cách mà những nhân vật của chúng tôi trốn tránh "trò đùa của tạo hóa", để được xã hội công nhận là trai thẳng, là… không "bị bê đê". Nhưng tất cả họ đều không biết được rằng, họ đã chọn lựa một trường kỳ của những bi kịch trong đời.

Tâm sự về quyết định lấy vợ, ông Nguyễn Kim Thành nghẹn ngào: "Ngày đó, chẳng biết tán gái cũng chẳng có nổi một tình yêu nên tôi đến với hôn nhân hoàn toàn do sự sắp đặt của người mai mối trong gia đình. Với tôi, đó chính là cách duy nhất để tôi thoát khỏi những sự dị nghị, dèm pha của mọi người. Tôi còn nhớ ngày lên xe hoa là ngày mà tôi như gỡ bỏ được một gánh nặng lớn. Tôi tưởng tượng như mình vừa trải qua điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời".

Nhưng chắc hẳn trong tất cả sự mường tượng, ông Thành cũng không thể hiểu được những gì mà mình phải đối mặt. Hơn 20 năm, ông đã phải diễn tròn một vai mà ông không có quyền chọn kịch bản. Thấy chồng yếu đuối nên người vợ của ông Toàn đã luôn dùng những lời lẽ mỉa mai, xúc phạm. Trong mọi cuộc cãi vã, tranh luận, ông luôn là kẻ đuối lý vì sợ phải đổ vỡ, chia tay".

Với ông Giang, sau lời "thức tỉnh" của người thầy, ông đã coi việc lấy vợ "là một lẽ tự nhiên" phải làm trong đời. Ông tâm sự: "Thời điểm đó, trời thương, tôi là một diễn viên được nhiều ông bầu săn đón. Thu nhập của tôi có những tháng đến cả trăm triệu đồng nên tôi không quá khó khăn để có được sự quan tâm của những người khác giới. Tôi thoải mái lựa chọn và coi mình như một gã "trai chơi" đúng hiệu. Có tiền, có danh vọng và có luôn cả sự tử tế. Tôi đã bắt đầu cuộc hôn nhân của cuộc đời mình mà không có bất kỳ mảy may nghi ngờ nào từ người vợ lẫn bạn bè, người thân của tôi".

Khác với ông Thành, ông Giang đã có một cuộc hôn nhân hoàn hảo theo cảm nhận của những người ngoài cuộc. Có một điều ông Giang đã làm rất tốt là chưa từng để xảy ra cãi vã, xung đột trong cuộc hôn nhân của mình. Ông đã đắm mình trong những chuyến lưu diễn để có thể quên đi tiếng nói sâu thẳm nhất của tâm hồn.

Ông Phong - người đàn ông bị xâm hại cũng lựa chọn như hai người cùng cảnh của mình. Ông vào Sài Gòn lập nghiệp, lấy vợ. Ở đây, ông bắt gặp được nhiều người "cùng dấu" với mình. Ông chủ động chơi thân để tìm hiểu về thế giới ngầm mà ông còn nhiều mơ hồ. Ông Phong tâm sự, từng dòng ký ức buồn về những ngày mời cà phê cả gánh hát cải lương để "gỡ rối tâm trạng" ùa về: "Có khi tôi mời cà phê mấy anh gay trong gánh hát cả tháng trời chỉ để được nghe họ kể về thế giới ngầm. Kể về chuyện hai thằng đàn ông yêu nhau sẽ tặng nhau cái gì trong ngày tình nhân, sẽ làm sao để qua mắt thiên hạ. Rồi để họ cho tôi biết tôi không phải là người duy nhất bị xâm hại mà không dám nói ra".

Vậy là, những chàng gay đã lấy vợ và sinh con!

Cả ba nhân vật của chúng tôi đều đã bắt đầu đời sống hôn nhân của mình nhưng để hợp thức hóa chuyện là trai thẳng và thực hiện nghĩa vụ gia đình thì họ cần phải… có con.

Nghe ông Phong tâm sự về "chuyện chăn gối" với vợ, chúng tôi cảm giác đến gai người: "Bạn hãy thử tượng tượng nếu bạn phải quan hệ với một người cùng giới sẽ ra sao thì cảm giác của tôi với vợ là như vậy. Để chứng tỏ mình "chuẩn men" nhiều đêm tôi cũng đã phải cố gắng gồng mình rồi vờ như thỏa mãn nhưng thực ra với tôi đó là sự tra tấn lớn nhất trong cuộc đời".

Ông Phong thở dài, nặng nề như chính số phận đeo bám ông: "Nhiều lần, tôi cũng đã có ý định thử ngoại tình với những người đàn ông trong thế giới ngầm nhưng chứng kiến cảnh một người bạn bị vợ đánh ghen khi đang ngoại tình với một người đàn ông khác tại chính phòng ngủ của vợ chồng mà tôi đã suy nghĩ lại. Hình ảnh bạn tôi quỳ rụp xuống trong đau khổ, rồi người vợ đổ gục xuống sàn nhà với sự bẽ bàng đến bây giờ vẫn khiến tôi ám ảnh".

Còn với ông Thành thì không chỉ không có được tiếng nói chung trong đời sống hôn nhân mà mỗi lần quan hệ với vợ còn chính là một ký ức đau khổ: "Mỗi lần quan hệ xong với vợ là tôi cảm giác như bị "giời đày" mà cũng chẳng hiểu mình mắc lỗi gì nữa. Cảm giác hạnh phúc nhất của tôi là những ngày vợ đến tháng vì lúc đó tôi sẽ được "hợp pháp" để từ chối chuyện chăn gối".

Có vẻ "hạnh phúc" hơn cả trong 3 nhân vật của chúng tôi là ông Giang. Vì phải đi công tác liên miên nên ông gần như được miễn trách nhiệm làm chồng. Ông Giang tâm sự với chúng tôi: "Những ngày đó, tôi thương vợ ở nhà tần tảo nhưng cứ nghĩ đến việc quay về nhà phải đối diện với việc chăn gối vợ chồng là lại có một thứ áp lực ngầm nào đó lại thúc đẩy tôi phải ra đi. Đã có những lúc dù không có show diễn nhưng tôi phải nói với vợ để tránh gặp mặt. Có những tháng 30 ngày tôi chỉ trở về nhà trọn vẹn 3 ngày nhưng vợ tôi vẫn chẳng mảy may nghi ngờ. Mà đúng thế thật, khi chồng cô ấy là một nghệ sĩ nổi tiếng mà nghệ sĩ nổi tiếng thì có quyền được làm như thế. Điều hạnh phúc nhất là tôi được yêu trong cuộc hôn nhân của chính mình. Cũng có những lúc tôi đã muốn thổ lộ thật với cô ấy vì cảm giác tội lỗi bủa vây nhưng chính tình cảm cô ấy dành cho tôi đã khiến tôi không thể mở lời".

Ông Giang nhớ lại: "Có lần tôi nói, "Anh bị gay đấy, anh thích con trai đấy" với vợ, vợ tôi cười rồi đáp lại "Đẹp trai, tài giỏi như chồng em thì trai gái nào chẳng mê". Nghe được câu nói ấy, cổ họng tôi nghẹn ứ lại. Tôi biết rằng, tôi đã làm khổ một người đàn bà".

Tưởng như cuộc sống sẽ "bình yên" trong vỏ bọc của những vai diễn do chính những nhân vật của chúng tôi làm đạo diễn vì cơ bản họ đã có vợ con, sự nghiệp, tài sản. Nhưng họ đã có một cuộc tranh đấu mới. Cả ba nhân vật của chúng tôi đều chọn "chia xa" người vợ của mình để bắt đầu một hành trình mới. Họ cũng có những đau khổ, dằn vặt, lúng liếng như thủa đầu mới yêu của các cặp tình nhân. Có khi họ còn chấp nhận dùng tiền để mua... sự yếu đuối.

(Tên thật của các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

(còn tiếp)

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP