Giáo dục

Chuyện chưa kể về những cô giáo cắm bản vùng biên lao vào tâm dịch cùng trò

Dịch đến, các cô giáo cắm bản ở vùng biên giới Nghệ An gửi con cho ông bà rồi lao vào tâm dịch cùng học trò.

Gửi con vào tâm dịch với trò

Lần lữ mãi, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với những giáo viên cắm bản ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sau những ngày tháng lao vào tâm dịch, góp sức cùng các lực lượng chức năng khác đẩy lùi dịch bệnh ở miền biên ải còn rất khó khăn.

Các cô giáo cắm bản phục vụ công tác hậu cần tại khu giãn cách

Như biết ý, cô Nguyễn Thị Ngọc Hòa, giáo viên Trường Mầm non Chiêu Lưu 2 đi thẳng vào vấn đề. Cô kể, một ngày giữa tháng Bảy, đang vui chơi cùng 2 đứa con ở quê nhà (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) thì lặng người đi khi nghe tin báo địa phương nơi cô đang công tác bùng phát dịch Covid-19.

“Thống kê của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An: Tính từ đầu mùa dịch đến nay (13/6-31/8) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.439 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 21 huyện thành thị. Riêng Kỳ Sơn có 61 ca mắc. Đặc biệt, trong 2 ngày gần đây địa phương này không ghi nhận ca mắc mới.”

Sau đó, hàng loạt “tin nóng”, những lượt “share” dồn dập trên mạng xã hội về ca nghi nhiễm. Các bản làng nâng mức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi 16 của Thủ tướng Chính phủ càng khiến lòng cô giáo trẻ như lửa đốt.

Đêm ấy, cô Hòa chẳng thể nào ngủ được khi nghĩ đến những đứa trẻ nơi bản làng mà cô đang dạy dỗ. Bữa cơm hàng ngày của chúng vốn đã thiếu thốn, nay chẳng ai lên nương lên rẫy được nữa chắc sẽ càng vất vả. Nhìn hai con nằm ngủ ngon lành mà lòng cô thắt lại.

“Cả năm công tác cách nhà hơn 160 km, chỉ được kỳ nghỉ hè để về chăm sóc con. Thời gian sum vầy chưa được bao lâu lại nhận được tin dịch bệnh bùng phát ngay trường mình công tác. Ai ngờ được nơi “thâm sơn cùng cốc” ấy mà Covid-19 lại lan tới được. Thôi đành phải gửi các con lại cho ông bà để về với bản, với làng”, cô Hòa kể.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hòa đang chế biến món ăn phục vụ khu cách ly và lực lượng trực phòng, chống dịch

Sáng hôm sau, cô bàn với gia đình, bày tỏ nguyện vọng lên bản La Ngan (xã Chiêu Lưu) để tham gia vào lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Mọi người đều tỏ ra lo lắng nhưng nhìn thấy sự quyết tâm của cô, chỉ biết động viên cô cẩn thận, giữ gìn sức khỏe.

Hành lý mang theo trên chiếc xe máy của cô Hòa là mấy chục cân gạo để ủng hộ bà con vùng dịch và ít đồ đạc cá nhân gom vội. Ôm 2 con vào lòng, cô giáo Hòa thì thầm “Mẹ đi bắt con Covid, ít hôm mẹ về”, rồi quay lưng bước vội để con không thấy mẹ khóc.

Cô Hòa vừa đặt chân đến trụ sơ UBND xã Chiêu Lưu thì cô giáo Lê Thị Hằng (ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng vừa kịp tới. Năm vừa rồi cô Hằng cắm bản ở điểm trường Tạt Thoong. Nghe tin dịch bệnh lan đến, cô vội vàng gửi đứa con vừa tròn 7 tuổi cho ông bà nội trông nom hộ rồi lên đường. Chồng cô đang xuất khẩu lao động bên Nhật cũng chỉ biết động viên vợ giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày thiếu ngủ, quên ăn và những đêm mưa rừng xối xả

Vào đến chốt phòng, chống dịch ở bản Lan Ngan, xã Chiêu Lưu, cô Nguyễn Thị Ngọc Hòa còn gặp thêm nhiều đồng nghiệp khác cùng trường với mình nữa. Tất cả đều vừa mới chân ướt chân ráo đến đây từ sáng sớm.

Các giáo viên cắm bản đội mưa mang thức ăn đến khu cách ly.

Không giống như những năm trước, đồng nghiệp mấy tháng hè gặp nhau tay bắt mặt mừng, lần này họ chỉ biết nhìn nhau qua bộ đồ bảo hộ kín mít. Ai nấy đều thấu hiểu những nhiệm vụ nặng nề trước mắt của mình và tự nhủ phải cố gắng để hoàn thành.

Công việc hàng ngày của các cô là nấu ăn phục vụ cho điểm cách ly tại bản La Ngan với 33 suất ăn mỗi buổi. “Nói là chỉ thực hiện việc nấu ăn nhưng những lúc nhiều việc anh em lo không xuể mình cũng phải làm giúp. Những ngày đầu lên đây áp lực kinh khủng, ăn cơm trưa vào lúc 3 giờ chiều, xong bữa tối là 12 giờ đêm. Nhịp sinh học thường ngày bị đảo lộn khiến các cô phờ phạc”, cô giáo Vi Thị Huế (ở điểm bản La Ngan) cho biết.

Trong khi đó, cô Kha Thị My (ở điểm bản La Ngan) vẫn chưa hết sợ hãi mỗi khi nhớ lại những trận mưa rừng xối xả xuyên ngày đêm. “Có hôm mưa cả ngày đêm, mưa như trút nước. Tiếng gió rít, tiếng nước dưới khe, suối gầm réo ầm ầm… Ai nấy đều lo lắng.

Khi các giáo viên cắm bản làm “shipper”

Trong chiếc lán nhỏ, mọi người thay nhau đào mương thoát nước, lấy cây chống lại lều bạt. Tất cả chỉ mong chốt được an toàn để còn có chỗ trú ẩn. Gian khổ là thế nhưng cứ mỗi ngày trôi qua không thấy có thêm ca nhiễm Covid-19 nào là ai nấy đều hạnh phúc”, cô My kể.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”, dịch bệnh đang được đẩy lùi ra xa khỏi các bản làng. Năm học mới lại sắp đến, bản làng yên vui, tiếng ê a của cô trò lại vang lên giữa lưng chừng đồi.

“Từ ngày huyện Kỳ Sơn có trường hợp nhiễm Covid-19, chúng tôi đã kêu gọi các giáo viên trên địa bàn tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch. Số lượng giáo viên đăng ký tham gia rất đông nên chúng tôi chỉ có thể ưu tiên cho giáo viên của các trường có thành lập khu cách ly tham gia”, ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Tác giả: Đào Thọ - Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP