Xã hội

Chuyện chưa kể về công trình nghiên cứu nạn đói 1945 ở Việt Nam

Cho tới nay, nhiều công trình nghiên cứu về nạn đói năm Ất Dậu đã được thực hiện, song có một công trình công phu, khoa học được làm từ di nguyện của một người Nhật.

Những ngày đầu hè của 73 năm trước là lúc nạn đói tại Việt Nam lên tới đỉnh điểm. Thảm họa cướp đi 2 triệu sinh mạng, trở thành một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên của người Việt.

Tới nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nạn đói. Một vài công trình được in thành sách, số ít trong đó được phát hành rộng rãi. Nhưng có một công trình thực hiện tỉ mỉ, công phu, là những khảo cứu chân thực được thực hiện từ sự trợ giúp của một người Nhật Bản.

Đó là công trình nghiên cứu Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử đã được in thành sách và đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2012.

Hai phiên bản sách in công trình nghiên cứu Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử. Di nguyện từ người cha của giáo sư Furuta Moto

Ông Nguyễn Quang Ân - nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Sử học Việt Nam - là một trong những người tham gia nghiên cứu trong công trình nạn đói 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử (giáo sư Văn Tạo, giáo sư Furuta Moto chủ biên). Ông sinh đầu năm 1945, năm nạn đói hoành hành, tại Thái Bình - nơi nạn đói diễn ra thảm khốc nhất.

Giờ đây, ở tuổi 73, khi được hỏi về quá trình nghiên cứu nạn đói, ông Ân vẫn nhớ rành rọt từng mốc nghiên cứu, câu chuyện nghiên cứu khoa học về thảm họa này.

Năm 1990, ông Nguyễn Quang Ân được giao thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp Bộ, do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, về nạn đói năm 1945. Cho đến thời điểm đó, những nghiên cứu về nạn đói thường dựa trên các nguồn tư liệu đã được viết như sách, báo, các nghiên cứu của những nhà khoa học. Báo chí giai đoạn 1945 đưa tin bài rất nhiều về nạn đói. Đây là nguồn tư liệu lớn khi tìm hiểu đề tài này.

Nhưng một công trình phản ánh toàn diện từ chính những nhân chứng của nạn đói thì lại thiếu trong giới nghiên cứu. Chưa cá nhân, đơn vị nào làm, bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kinh phí.

Đúng lúc đó, một nhà khoa học người Nhật tìm tới và trao một khoản tiền giúp các nhà sử học áp dụng phương pháp nghiên cứu mới. Người trao khoản tiền đó là Furuta Moto - một nhà nghiên cứu lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Sau nhiều năm gắn bó, ông Furuta Moto hiện là hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS Furuta Moto - người trao khoản tiền theo di nguyện của cha để thực hiện dự án nghiên cứu.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, khoản tiền này được Giáo sư Furuta Moto trao theo di nguyện của bố ông.

“Ông cụ thân sinh của giáo sư Furuta Moto không phải là người đi lính tại Việt Nam, nhưng khi biết về thảm họa nạn đói, ông đã mong muốn vấn đề được tìm hiểu thấu đáo. Trước khi mất, ông cụ trao lại cho con trai một số tài sản, dặn con phải dùng vào việc nghiên cứu nạn đói. Số tiền ấy được giáo sư Furuta Moto trao lại cho nhóm nghiên cứu Viện Sử học”, ông Nguyễn Quang Ân kể.

Khoản tiền mà giáo sư Furuta Moto dùng để nghiên cứu về nạn đói tại Việt Nam theo di nguyện của cha là 100 triệu đồng. Vào thời điểm những năm 1990, 100 triệu đồng là một khoản tiền có giá trị khá lớn.

Khoản tiền đủ chi phí cho nhóm nghiên cứu đi thực địa tại các địa phương xảy ra nạn đói. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân nhận định: “Tuy không phải sung túc, xa hoa, nhưng khoản tiền ấy đủ đáp ứng cho chúng tôi thực hiện dự án nghiên cứu”.

Nghiên cứu xã hội học lịch sử từ những nhân chứng nạn đói

Dự án nghiên cứu nạn đói năm 1945 từ các nhân chứng do giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Moto chủ nhiệm, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học thực hiện. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân được cử đi tiền trạm tại các điểm từng diễn ra nạn đói.

Trên chiếc xe máy cũ mua lại, ông Ân đi về Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng... tìm hiểu. Sau đó, các nhà nghiên cứu đi tới nhiều địa điểm đã diễn ra nạn đói.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện 3 đợt điều tra xã hội học lịch sử, tại 23 điểm. Đợt một họ tiến hành nghiên cứu trong vòng vài tháng ở xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) vào mùa hè năm 1992 .

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân - người tham gia dự án nghiên cứu về nạn đói từ các nhân chứng lịch sử. Ảnh: Tần Tần

Đợt 2, các nhà nghiên cứu điều tra ở 7 điểm: Cổ Bi (Gia Lâm), Do Nhân Hạ (Mê Linh), Quần Mục (Đồ Sơn, Hải Phòng), Chi Lai (Kiến An, Hải Phòng), Đồng Côi (Nam Ninh, Nam Định), Tây Yên (Gia Khánh, Ninh Bình), Làng Trung (thành phố Vinh, Nghệ An).

Đợt 3 có 15 địa điểm từ Quảng Trị trở ra được nghiên cứu, gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Đông, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Thái Nguyên, Cao Bằng.

Tại mỗi điểm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm gặp những nhân chứng lịch sử để hỏi chuyện, ghi âm, chụp ảnh lưu lại tư liệu. Nhân chứng là những người cao tuổi sống sót qua nạn đói, người thân của các nạn nhân chết đói năm 1945.

Qua ký ức của họ, những câu chuyện kể lại lột tả chân thực nhất sự thảm khốc, những câu chuyện tang thương, tấn thảm kịch, sự giày xéo của cái đói, cái chết...

Công trình nghiên cứu của họ được in thành sách và công bố năm 1995 tạo dư luận trong xã hội. Trước đó, khi nói về nạn đói năm 1945, nhiều người chỉ biết tới qua lời kể một vài người thân cận, hoặc một vài hình ảnh trong bộ phim Sao Tháng Tám.

Cuốn sách ra đời giúp công chúng nhận thức sâu hơn sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Công trình nghiên cứu giúp hậu thế có cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, sâu sắc và chân xác về sự kiện này.

Khối tư liệu từ nghiên cứu thực địa được xử lý nghiêm túc, khoa học, dựng lại thảm trạng nạn đói, đồng thời đưa ra những lý giải về nguyên nhân gây ra nạn đói, các bước mà Việt Nam thực hiện để bước qua nạn đói.

Cuốn sách sau đó còn thêm những lần tái bản, chỉnh sửa. 23 năm trôi qua, công trình nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP