Thể thao

Chuyện cầu thủ "bẻ ghế" HLV: Chẳng riêng Trần Minh Chiến, bóng đá Việt Nam còn chứng kiến những vụ việc ‘kinh hoàng’ hơn gấp bội lần

“Không HLV nào ở Việt Nam chưa từng bị cầu thủ “đá”. Tôi khẳng định chắc chắn!”. HLV Trần Minh Xương chua chát tuyên bố hồi năm 2010. Có thể coi chuyện “bẻ ghế, phản thầy” ở bóng đá Việt Nam không phải chuyện mới. Thậm chí có người bị “bẻ ghế” vài lần ở cùng một CLB.

HLV Trần Minh Xương từng chua chát khẳng định như trên vào thời điểm năm 2010, khi V.League trở thành “lò xay HLV” với hàng loạt cái tên bị “cho ra đường” trong suốt mùa giải. Suy rộng ra từ câu nói trên, có thể coi chuyện “bẻ ghế, phản thầy” với bóng đá Việt Nam vốn không phải là chuyện mới. Thậm chí có người còn bị “bẻ ghế” tới vài lần ở cùng một CLB.

Dư luận bất ngờ nóng lên trong những ngày qua, khi HLV Trần Minh Chiến thẳng thừng tuyên bố xin nghỉ ở Bình Dương vì “cầu thủ nghĩ mình là nhất”. Với những người ngoài cuộc, chuyện ông Chiến ra đi là điều hết sức bất ngờ. Bởi sau hơn 1 năm nhậm chức, Bình Dương dưới tay ông chơi không đến nỗi tệ, thậm chí còn vô địch cúp quốc gia.

Ông Chiến không chỉ đích danh cái tên cụ thể nào, nhưng dư luận đồn thổi và chĩa mũi dùi vào Anh Đức. Chưa cần biết những tin đồn này đáng tin được bao nhiêu phần, nhưng chuyện nội bộ lục đục vì những ngôi sao, lâu nay vốn chẳng hiếm ở Bình Dương. Và tất nhiên, ở cả những đội bóng khác.

“Ghế HLV có 4 chân cầu thủ giữ đến 3 chân”

Câu nói đầy cay đắng trên được thốt ra cách đây cũng ngót nghét 12 năm bởi HLV Đặng Trần Chỉnh, khi ông cáo bệnh xin nghỉ ở Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn. Nói là cáo bệnh, nhưng ai cũng biết ông bị các cầu thủ đá văng ra khỏi đội bóng. Không thế thì làm sao có chuyện ông phải thốt ra một câu đau đớn như vậy. Và cay đắng thay, câu nói đó còn vận vào cái nghiệp cầm quân của ông đến vài lần nữa.

Quãng thời gian từ 2009-2016, ông “đi đi về về” giữa Becamex Bình Dương và TDC Bình Dương (đội trẻ), lúc thì làm HLV, khi đóng vai GĐKT và có đến vài lên bị cho nghỉ việc.

Năm 2010, khi lên thay HLV Mai Đức Chung ở giữa mùa giải, HLV Đặng Trần Chỉnh đã tạo nên diện mạo mới cho B.Bình Dương. Đội bóng chơi tấn công đẹp mắt và liên tiếp thắng trận. Ông Chỉnh vốn luôn được đánh giá có chuyên môn tốt, nay uy tín lại càng lên.

Nhưng sau đó, khi V-League trở lại sau quãng nghỉ World Cup, B.Bình Dương bắt đầu tuột dốc không phanh với những trận thua khó hiểu. Chuỗi trận thua của B.Bình Dương cũng xảy ra đồng thời với những mâu thuẫn giữa HLV này với một số trụ cột trong đội. Hậu vệ Quang Thanh đã thể hiện sự bất mãn ra mặt trên sân tập cũng như khi thi đấu, sau khi bị HLV Đặng Trần Chỉnh tước băng đội trưởng. Những đồng đội khác của Quang Thanh như Anh Đức hay Lee Nguyễn cũng không hài lòng với HLV Đặng Trần Chỉnh. Một số cầu thủ trong đội còn công khai chê HLV Đặng Trần Chỉnh “chuyên môn kém”.

HLV Đặng Trần Chỉnh không được lòng các ngôi sao tại Becamex Bình Dương.

Dần dần, đội bóng trở nên mất kiểm soát. Đầu tiên, B.Bình Dương thua ngược một cách khó hiểu trên sân Long An khi đang dẫn trước 2-1 và đội chủ nhà không quá xuất sắc. Tiếp đó, họ thua ê chề Hòa Phát Hà Nội 2-4 trên sân Hàng Đẫy, khiến HLV Đặng Trần Chỉnh phải lập tức xin nghỉ trước trận gặp SLNA vì biết có ở lại cũng chẳng thay đổi được tình hình.

Ông Chỉnh sau đó còn có thêm hai lần quay lại cầm quân ở B.Bình Dương, nhưng rồi cũng lần lượt “bay ghế” vào các năm 2012 và 2016. Câu nói bất hủ “Ghế HLV có 4 chân cầu thủ giữ đến 3 chân”, ai ngờ đâu lại vận vào ông nhiều đến thế.

Thịnh “đen” - HLV bị quân “đâm sau lưng” nhiều nhất của bóng đá Việt Nam

Thịnh “đen” là biệt danh của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Ban đầu người ta gọi thế chỉ bởi cái nước da. Ngờ đâu cái số cầm quân của ông nó cũng “đen”, cũng long đong lận đận đến ngao ngán.

HLV Nguyễn Văn Thịnh, người từng dẫn dắt tuyển U16 VN với nòng cốt là lứa SLNA gồm: Văn Quyến, Minh Đức, Lâm Tấn... vào đến bán kết giải U16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng. Sau những thành công bước đầu, ông được tin tưởng giao ghế HLV trưởng của SLNA vào năm 2004. Nhưng rồi chỉ một năm sau, xảy ra câu chuyện xưa nay chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà. Hàng loạt cầu thủ của SLNA ký vào một lá đơn kêu gọi HLV Nguyễn Văn Thịnh từ chức, mà dư luận cho rằng người cầm đầu là đội trưởng Huy Hoàng. Kết quả, ông Thịnh phải ra đi rồi bị biệt phái đến đội hạng Nhất Đồng Nai.

HLV Nguyễn Văn Thịnh từng bị các học trò đẩy khỏi SLNA.

Đến năm 2007, ông được SLNA triệu hồi thay HLV Nguyễn Quang Hải. Lần trở lại này cũng chẳng mấy êm đẹp. 4 trận dưới thời ông Thịnh “đen” ở V.League 2007, SLNA có 6 điểm nhưng đến vòng 11, đội bóng này bỗng dưng lại có vấn đề, khi thất bại 1-2 trước Hòa Phát Hà Nội.

Đó là một trận đấu các cầu thủ SLNA đá bóng như “diễn tuồng” trên sân. Các cầu thủ thi đấu với tinh thần yếu kém hơn hẳn so với 4 trận trước đó, sai lầm cá nhân quá nhiều, phối hợp rời rạc, thường xuyên mất bóng một cách ngớ ngẩn, kể cả cầu thủ ngoại.

Ngay sau trận đấu kết thúc, rất nhiều khán giả đã ào xuống sân chỉ trích các cầu thủ. Thậm chí có người đã đến hỏi thẳng đội trưởng kiêm HLV phó Huy Hoàng là: “Làm trận này bao nhiêu tiền?”.

Ông Thịnh chỉ còn biết thốt lên một cách chua chát: “Đó là một trận thua tức tưởi không thể chấp nhận được” và nộp đơn xin nghỉ chỉ một ngày sau đó. Và chuyện các học trò “đâm sau lưng” chẳng còn là tấm màn bí mật, bởi sau đó một số học trò đã ra mặt cho rằng việc ông Thịnh “đi” là đúng đắn. Chỉ có điều lần này Ban lãnh đạo SLNA không đồng ý cho ông Thịnh nghỉ. Ba yêu cầu được vị HLV này đưa ra, bao gồm: được toàn quyền đưa ra quyết định kỉ luật nếu đội bóng có biểu hiện tiêu cực; điều chỉnh bảng lương để khuyến khích các cầu thủ trẻ; được quyết định việc tuyển ngoại binh cho giai đoạn hai.

Mọi chuyện êm đẹp đến tháng 5/2009, ông lại làm đơn từ chức với lí do các học trò lại có biểu hiện kiêu binh, nhưng không được lãnh đạo SLNA chấp nhận. Sau đó ông dẫn SLNA đến hết mùa và đưa đội bóng lọt top 3 rồi ra đi để nhường chỗ cho HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Mùa giải 2010, HLV Nguyễn Văn Thịnh về dẫn đội Tiền Giang đá giải hạng Nhất. Nhưng chỉ sau 5 vòng, ông Thịnh từ chức vì nghi án bán độ của các học trò.

Tổ đội “nước cam” ở Thanh Hóa

Vụ việc tai tiếng này xảy ra ở FLC Thanh Hóa cách đây 1 năm, khi HLV Marian Mihail “tố” một nhóm cầu thủ hợp sức “đá” ông khỏi CLB. Nhậm chức vào đầu mùa giải 2018 với kì vọng giúp FLC Thanh Hóa giành được chức vô địch, ông Mihail đã phải rời đội chỉ sau 4 tháng làm việc. Có điều, HLV người Romania này khẳng định ông không bị sa thải mà chủ động xin từ chức, bởi đã cảm thấy những vấn đề trong nội bộ đội bóng.

Một nhóm cầu thủ 5 người, bao gồm Hoàng Văn Bình, Nguyễn Trọng Hoàng, Đinh Tiến Thành, Nguyễn Xuân Thành và Van Bakel tự ý bỏ ra ngoài ăn uống trước một buổi tập mà không hề xin phép. Mai Tiến Thành sau đó có giải thích trên một tờ báo rằng “anh em ngồi điều hòa nhiều khô người nên ra ngoài uống chút nước cam”. HLV Mihail khẳng định ông không khó khăn gì việc đó, nhưng đó là vấn đề về ý thức. Cầu thủ không tôn trọng quy định của ông, không coi trọng vấn đề dinh dưỡng trong tập luyện, không có ý thức của kẻ nhà nghề, đặc biệt khi trong nhóm này, Omar và Mai Tiến Thành còn là đội trưởng và đội phó của đội.

Thực tế mọi việc xuất phát từ trước đó, khi Omar tỏ ra bất mãn khi phải chơi 4-3-3, trong khi cầu thủ này thích sơ đồ 4-1-4-1 hơn. Đinh Tiến Thành cũng bị HLV Mihail cho rằng lười tập luyện, cố tình không tuân thủ chiến thuật và chỉ đạo, lại gây sức ép đòi đá chính lên HLV vì “hai năm trước từng lên tuyển quốc gia”. Thậm chí ông Mihail còn thẳng thừng tuyên bố trợ lý HLV Hoàng Thanh Tùng là nhân vật nguy hiểm nhất ở Thanh Hóa, là người cấu kết với Omar, Mai Tiến Thành và Đinh Tiến Thành để ông phải nghỉ.

Không có HLV nào ở Việt Nam chưa từng bị cầu thủ “đá”

“Tôi khẳng định chắc chắn điều đó. Bản thân tôi cũng từng nhiều lần bất lực trước cầu thủ. Tình trạng đó thậm chí ngày càng lan rộng ở nhiều đội bóng và là mối đe dọa lớn cho nghiệp cầm quân của các HLV.” Đó là những gì HLV Đoàn Minh Xương từng khẳng định với truyền thông, khi nói về chuyện cầu thủ cùng nhau “bẻ ghế” của HLV.

Năm 2006, ông Xương cầm đội B.Bình Dương dự V-League. Nhưng chỉ sau 6 vòng đấu, ông phải nhận trát sa thải. Đây là kết cục đã được nhiều người dự đoán trước vì cầu thủ không nghe lời ông.

Sau đó, ông lại nhận công việc ở đội Quân khu 7. Nhưng đến cuối mùa giải 2007, ông lại một lần nữa phải rút lui khi đội bóng này trên bờ vực xuống hạng, đồng thời có nhiều lời đồn thổi rằng không ít cầu thủ trụ cột của QK7 thời điểm đó nhiều lần “làm độ”.

Và những nốt trầm khác: Từ Mai Đức Chung, Vương Tiến Dũng rồi đến Lê Thụy Hải cũng “không thoát”

Lại nói đến B.Bình Dương, HLV Mai Đức Chung cũng từng có hai lần nắm quyền tại đây, với nhiệm kì 2009 -2010 và 2015. Thời điểm nhận lời dẫn dắt B.Bình Dương vào năm 2015, ông Chung bảo “Bình Dương của mùa giải này đoàn kết hơn”. Câu nói này khiến người ta không thể không nghĩ tới những ẩn ý, khi đoán rằng thời điểm cuối năm 2009, B.Bình Dương có quá nhiều vấn đề nội bộ và một mình ông Chung đã không thể giải quyết được vấn đề.

Hay như HLV Vương Tiến Dũng khi cầm quân ở Hải Phòng, có lần suýt phải lên xe đi cấp cứu vì quá ức chế trong một trận đấu trên sân nhà Lạch Tray. Trận đó Hải Phòng đã ép TĐCS Đồng Tháp toàn diện, nhưng các ngôi sao “đứng bên kia chiến tuyến” với ông Dũng, từ Leandro đến Lazaro, Aniekan cứ lần lượt đưa bóng lên trời sau những cơ hội ngon ăn. Ông Dũng đứng nhìn, bất lực rồi khuỵu xuống và suýt chút nữa đã phải đi cấp cứu ngay sau trận đấu. Hết mùa đó, ông vẫn xuất sắc lèo lái Hải Phòng giành ngôi á quân và được CLB ngỏ ý muốn giữ lại. Nhưng ông Dũng đã từ chối lời mời gia hạn hợp đồng. Nguyên nhân vì sao chắc không khó để hiểu được.

HLV Vương Tiến Dũng cũng từng không thể làm chủ phòng thay đồ tại Hải Phòng.

Nhưng “kinh hoàng” nhất chắc phải kể đến chuyện V.Ninh Bình dùng đến 5 HLV ở mùa giải 2010. Một con số đầy ấn tượng!

Người dẫn dắt V.Ninh Bình khi đội này dự giải tứ hùng tại Campuchia chuẩn bị cho mùa giải 2010 là Nguyễn Văn Sỹ. Nhưng ngay ở thời điểm đội còn đang ở nơi đất khách, thượng tầng đội bóng đã gấp rút đưa HLV người Brazil Tavares về thế chỗ. Có điều cũng chỉ được hơn 1 tháng, Tavares đã bị sa thải với lý do không phù hợp với đội bóng, không được lòng cầu thủ. Một HLV người Singapore là Robert Lim được đưa lên thay cũng phải ra đi khi mùa giải 2010 bắt đầu không lâu cũng vì lý do tương tự. Nhiều buổi tập của V.Ninh Bình, tiền đạo ngôi sao Việt Thắng của đội công khai than phiền về phương pháp huấn luyện của Robert Lim. Nhiều ngôi sao khác như thủ môn Hoàng La và trợ lý HLV Như Thuần cũng không thích vị HLV trưởng ra mặt.

Lâm vào thế bí, GĐĐH Trần Tiến Đại lên làm HLV tạm quyền thay Robert Lim. Cầu thủ cũng “sợ” cái uy của một “cò” cầu thủ như ông Đại nên V.Ninh Bình thắng liền hai trận. Có điều do sự bận rộn của dân làm ăn, nên chỉ sau hai trận cầm quân, ông Đại tư vấn với bầu Trường đưa ông Lê Thụy Hải về làm HLV, với mức lương kỷ lục: 100 triệu đồng/tháng. Đáng tiếc, tiếng tăm cũng chẳng giúp ông Hải để lại được điều gì ở đây.

Những phát ngôn của ông khiến bầu Trường và “cò” Đại không hài lòng. Tiêu biểu trong số đó là việc ông Hải nói nhận lời về Ninh Bình để chứng minh cho một nhà báo thấy rằng ông xứng đáng với mức lương 100 triệu/tháng, bởi trước đó anh này đã có một bài viết đặt nghi vấn về số tiền trên.

Mất lòng hai “sếp lớn” khiến ông Hải cũng không được các cầu thủ ngôi sao ở V.Ninh Bình nể sợ. Việc ông được giữ lại đến hết mùa được cho là bởi đội bóng cũng chẳng biết biết tìm ai mà thay nữa. V.Ninh Bình mùa đó suýt phải đá play-off, dù cho đội bóng chẳng thiếu gì tiền và sở hữu rất nhiều sao số trong đội hình.

Nghe thì thấy hài hước, nhưng nghiệp cầm binh trong bóng đá vốn là vậy. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, đâu ai biết được những chuyện gì đang xảy ra bên trong một CLB với rất nhiều cái tôi, cá tính chẳng giống nhau. Và nếu chuyện “ghế HLV có 4 chân cầu thủ giữ đến 3 chân” vẫn cứ tiếp tục, nên chăng cần coi HLV bóng đá là một nghề nghiệp đầy rủi ro, bởi người ta có thể trở thành kẻ thất nghiệp bất cứ lúc nào !?!

Tác giả: Song Nhi

Nguồn tin: webthethao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP