Trong nước

'Chúng tôi hứa là 10 ngày dập dịch, chiều 29-1 còn 8 ngày, vẫn khẳng định vậy'

'Làm sao đến ngày 'tiễn ông Công, ông Táo' thì cơ bản việc dập dịch gần ổn. Số ca bệnh có thể tăng thêm nhưng Thủ tướng và người dân yên tâm là chúng ta đang kiểm soát tốt' - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về tình hình chống dịch tại cuộc họp ngày 29-1 - Ảnh: VIỄN SỰ

Chúng tôi tự hứa là 10 ngày dập dịch, đến chiều 29-1 là còn 8 ngày, vẫn khẳng định như vậy. - Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Chiều 29-1, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Chính phủ về phòng chống COVID-19 bên trong Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nơi diễn ra đại hội.

Báo cáo với Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đến thời điểm này khẳng định đã điểm trúng "huyệt" để dập dịch.

"Cách đây 2 ngày, chúng tôi tự hứa là 10 ngày dập dịch. Đến chiều nay là còn 8 ngày, vẫn khẳng định như vậy. Làm sao đến ngày "tiễn ông Công, ông Táo" thì cơ bản việc dập dịch gần ổn. Số ca bệnh có thể tăng thêm nhưng Thủ tướng và người dân yên tâm là chúng ta đang kiểm soát tốt" - Phó thủ tướng khẳng định.

Đang kiểm soát tốt tình hình

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết "có thể khẳng định đã khoanh trúng ổ dịch".

Theo ông Long, dù còn có thể xuất hiện ca mắc rải rác nhưng khẳng định sẽ dập được dịch. Ông cho biết tất cả các hoạt động Bộ Y tế thực hiện đều được kích hoạt rất nhanh, đã khoanh vùng dập dịch sớm nhất có thể đối với Hải Dương. Hiện huy động 1.200 người đến Hải Dương dập dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết Hải Dương đã phản ứng nhanh khi có dịch và cách ly 3.000 ca F1. Hiện ngoài ổ dịch Chí Linh còn có rất nhiều F1 tại ba huyện Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành và có thể thêm địa điểm khác.

Ông Thăng đề nghị Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ xét nghiệm. Hải Dương cũng thiếu địa điểm cách ly, do đó đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ một số địa điểm quân đội để cách ly. Trước đề nghị này, Thủ tướng quyết ngay: "Đồng ý! Các cơ sở quân đội sẽ nhường chỗ cho người cần cách ly".

Trả lời đề nghị của Hải Dương và yêu cầu của Thủ tướng, trung tướng Vũ Hải Sản - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cũng khẳng định quân đội sẽ chuẩn bị đủ chỗ cách ly khi cần. Nếu bà con phải đón tết trong doanh trại quân đội thì quân đội sẽ đảm bảo cho bà con có cái tết đầm ấm.

Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết ổ dịch Vân Đồn đến nay hoàn toàn yên tâm sẽ dập được. Hiện đã truy vết được 10.000 người, đang tích cực lấy mẫu và sẽ có kết quả toàn bộ vào ngày 30-1.

Quảng Ninh kiến nghị các địa phương thông suốt thông tin với nhau để vừa chống dịch vừa đảm bảo các vấn đề khác, trong đó có hàng hóa. Cũng theo ông Ký, có thể tỉnh sẽ phải cách ly thêm vài xã nữa ở thị xã Đông Triều tùy tình hình.

Đối với TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết sẽ tiếp thu đề nghị của Bộ Y tế, xét nghiệm toàn bộ nhân viên tại sân bay Nội Bài. Ông Dũng kiến nghị Bộ Y tế tính đến tình huống dự phòng là nếu Hà Nội có nhiều ca dương tính thì hỗ trợ Hà Nội về mặt chuyên môn, xét nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh chiều 29-1 - Ảnh: TTXVN

"Phải có một tinh thần Việt Nam mạnh mẽ, kịp thời chống dịch, dập dịch hiệu quả trước tết. - Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

"Còn biện pháp nào mạnh hơn không?"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tinh thần "thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện" và đặt yêu cầu: "Chúng ta kiểm điểm xem còn biện pháp nào mạnh hơn không?".

Thủ tướng cho biết lãnh đạo một số tỉnh, TP đang tham dự Đại hội Đảng đã xin ý kiến và được Đoàn chủ tịch cho phép rời đại hội về trực tiếp chỉ đạo chống dịch như bí thư, chủ tịch tỉnh Hải Dương.

Ngành y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn của các bệnh viện, trường đại học để hỗ trợ địa phương. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng kết nối họp trực tuyến từ Hà Nội về địa phương để chỉ đạo chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước diễn biến mới này, khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc" còn nguyên giá trị. Virus chủng mới lây lan nhanh thì cần phải nhanh hơn, thần tốc truy vết. Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 05. Cần chuẩn bị tất cả các tình huống đối phó với COVID-19, không để xảy ra như Myanmar, Thái Lan.

Thủ tướng đồng ý việc kích hoạt lại hệ thống bệnh viện dã chiến, đào tạo cho cán bộ y tế về kỹ năng chống dịch.

"Việc khoanh vùng bao nhiêu là vừa phải giao cho lãnh đạo địa phương nắm tình hình, trao đổi với Bộ Y tế và các bộ ngành quyết định. Tinh thần không làm quá rộng nhưng không chủ quan làm quá hẹp" - Thủ tướng yêu cầu.

Với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt biên giới, xuất nhập cảnh. Tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát từng người lạ đến địa phương. Đồng thời yêu cầu hạn chế tập trung các hoạt động đông người.

Thủ tướng nhấn mạnh cuộc họp này không phải chỉ để trao đổi với các tỉnh đang có dịch, mà với tất cả các tỉnh thành.

"Phải có một tinh thần Việt Nam mạnh mẽ, kịp thời chống dịch, dập dịch hiệu quả trước tết. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của chúng ta với nhân dân" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Phải có vắcxin trong quý 1

Trao đổi về vắcxin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay đã có công ty nước ngoài cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều. Phía Nga cũng đã có thiện chí cung cấp vắcxin cho Việt Nam và đang xúc tiến.

Với vắcxin Việt Nam, theo ông Long, hiện đang thử nghiệm hai loại. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tự nghiên cứu, thử nghiệm vắcxin trên người.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong quý 1 dự kiến có những liều vắcxin đầu tiên để tiêm. Tuy nhiên 30 triệu liều phải chia từng đợt đưa về. Trước thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm trình phương án để trong quý 1 phải có vắcxin đợt đầu cho người dân.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, Hội đồng tư vấn cấp giấy phép đăng ký lưu hành vắcxin và sinh phẩm y tế đã họp và thống nhất đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế cho phép nhập khẩu vắcxin của Công ty dược AstraZeneca.

Trước mắt sẽ sử dụng cho những người có nguy cơ cao, y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19, những lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch... Vắcxin của AstraZeneca (theo hồ sơ) tương đối an toàn với người dưới 60 tuổi, tỉ lệ sinh kháng thể bảo vệ để ngừa bệnh COVID-19 sau tiêm đạt yêu cầu.

V.S. - T.L. - L.ANH

Tác giả: VIỄN SỰ - TIẾN LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP