Kinh tế

Chứng khoán trong cảnh 'nghi ngờ'

Giai đoạn hiện tại, cầm tiền khó chọn cổ phiếu để mua khi mặt bằng giá đã lên cao, nhưng cầm cổ phiếu cũng khó chốt lời vì sợ hớ.

Đà hưng phấn hai phiên giao dịch trước Tết và phiên đầu tiên của năm mới đã giúp thị trường lấy lại hơn 70% số điểm đã mất trong tuần giao dịch "đen tối" ngay trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, sau phiên gần nhất, đà giảm đã thu hẹp VN-Index về dưới ngưỡng 1.080 điểm.

Diễn biến tăng giảm là vận động thông thường của thị trường nhưng khác với giai đoạn trước, thanh khoản ở hiện tại chỉ duy trì ở mức thấp, bằng 60 - 70% trung bình giai đoạn đầu năm. Dù chỉ số tăng mạnh hay giảm mạnh, dòng tiền vào thị trường vẫn khá cầm chừng.

Chi tiết này có thể được giải thích bằng giả thuyết, hoặc bên mua còn thận trọng và không dám xuống tiền, hoặc bên bán chưa quyết định chốt lời. Tuy nhiên, diễn biến ở giai đoạn hiện tại đang cho thấy, có thể cả hai lý do này đều cùng xuất hiện.

"Người cầm tiền không dám đặt lệnh mua, người cầm cổ phiếu không dám đặt lệnh bán. Mỗi quyết định giờ luôn trong sự nghi ngờ về tính chính xác, khiến thị trường mỗi phiên giao dịch như đứng trước ngã ba đường", Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán nhận xét.

Thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp so với trung bình phần nào thể hiện tình cảnh "lưỡng lự" trong tâm lý của nhà đầu tư. Ảnh: Reuters

Thực tế đà tăng quá nhanh của thị trường gần đây, theo các chuyên gia, là nguyên nhân chính cho vấn đề này.

Ở phía người cầm tiền, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quen với mặt bằng giá hiện tại, khiến việc "xuống tiền" trong giai đoạn này trở thành thách thức. Nhiều cổ phiếu đã tăng từ 20 - 50%, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giai đoạn trước đã phần nào khiến tâm lý "chọn mặt gửi vàng" trở nên khó khăn.

Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một năm về trước cổ phiếu VCB của Vietcombank là cái tên đứng đầu cũng chỉ loanh quanh ngưỡng 38.000 - 40.000 đồng, hầu hết những cổ phiếu được đánh giá tốt cũng chỉ ở khoảng 2x, còn đa phần chỉ nhỉnh hơn mệnh giá. Nhưng nay, VCB đã vượt 60.000 đồng, thậm chí mức đỉnh còn tiến sát mốc 7x, phần lớn những cái tên đừng đầu đều đã đạt trên 30.000, 40.000 đồng. Ngay cả những tân binh mới lên sàn như VPBank hay HDBank còn trong cuộc rượt đuổi ở khoảng giá từ 50.000 đến dưới 60.000 đồng. Chưa kể những ngân hàng trên thị trường không chính thức (OTC), mức giá còn "khủng khiếp" hơn nhiều.

Thách thức của câu chuyện "chọn mặt gửi vàng" cũng được thể hiện khá rõ trong phiên giao dịch hôm 23/2, khi chỉ số sụt mạnh vào cuối phiên nhưng dòng tiền dường như vẫn "án binh bất động".

Lần giảm mạnh gần nhất, thanh khoản thị trường đã được đẩy lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, thì nay chỉ loanh quanh ngưỡng 6.000 - 7.000 tỷ mỗi phiên. Mặc dù bên bán ở nhiều cổ phiếu đã chấp nhận hạ giá để đẩy thanh khoản nhưng dòng tiền vẫn "lì lợm" đứng ngoài quan sát.

Nhưng kể cả với những nhà đầu tư cầm cổ phiếu, diễn biến tâm lý cũng không khả quan hơn. Quyết định bán hay tiếp tục nắm giữ ở giai đoạn hiện giờ giống như cảnh đứng trước "ngã ba đường", khi thị trường chưa cho thấy một phương án nào có thể chắc chắn là tốt nhất.

"Mua thì sợ giá cao, nhưng bán thì sợ hớ là tâm lý chung hiện tại", một nhà đầu tư nhận xét.

Nhiều phiên giao dịch mà những cổ phiếu được đẩy lên mức giá trần trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Nhiều người không hiểu thông tin nào, yếu tố nào đã kích hoạt đà tăng mạnh như vậy, nhưng nếu quan sát kỹ thì lý do chỉ đơn giản là không có cung. Tuy nhiên, sau một phiên thăng hoa như vậy thì ngay phiên sau đó cổ phiếu đã có thể đảo chiều giảm giá.

Mặc dù nhiều chuyên gia vẫn đánh giá thị trường thường sẽ đi lên trong sự nghi ngờ, theo như chu kỳ tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bản thân sự nghi ngờ cũng đem lại những rủi ro nhất định. Trong đó, tâm lý không ổn định có thể khiến những đợt sụt giảm trở thành hiệu ứng domino trên diện rộng.

Ngay trước kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xác lập kỷ lục "đáng quên" với hai phiên giảm điểm và vốn hóa bốc hơi đạt kỷ lục. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố tâm lý là nguyên nhân chi phối chính.

"Tâm lý chốt lời thường trực khi thị trường đã tăng khá mạnh từ đầu năm 2018 đến nay, khiến chỉ một biến động nhỏ của thị trường có thể tạo ra hiệu ứng domino trên diện rộng", ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trả lời VnExpress sau phiên giảm điểm kỷ lục.

Còn một chuyên gia khác thì đánh giá "thị trường càng tăng mạnh thì tâm lý nhà đầu tư càng mong manh hơn. Họ dễ bị kích động khi thị trường bất ngờ giảm điểm mạnh, từ đó kéo đến khả năng bán tháo diện rộng".

Thị trường trong dài hạn là tích cực, vẫn là tư tưởng chủ đạo trong khuyến nghị từ các công ty chứng khoán gửi tới các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, câu chuyện tâm lý sẽ vẫn là rào cản lớn khiến thị trường trở nên rủi ro. Mỗi nhà đầu tư thường có những khẩu vị khác nhau, nhưng trong bối cảnh hiện tại của thị trường, lời truyền tai vẫn là "nằm im quan sát".

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Chứng khoán ,đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP