Giáo dục

Chuẩn hiệu trưởng đại học Việt Nam "ngáng chân" giáo sư Mỹ?

Không đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý để được công nhận làm hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, GS Việt kiều Trương Nguyện Thành đã quyết định quay lại Mỹ. Câu chuyện nhân sự hiệu trưởng một lần nữa lại được giới giáo dục đại học quan tâm.

Ông Trương Nguyện Thành là GS ĐH Utah (Mỹ), đảm nhận Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen đã 1 năm. Hội đồng quản trị trường này vừa bầu ông Thành giữ chức hiệu trưởng với số phiếu 16/18 và có văn bản gửi UNND TP.HCM, Bộ GD-ĐT xin phê duyệt công nhận.

Tuy nhiên, chiếu theo Điều 20 Luật Giáo dục đại học, ông là người "không đủ tiêu chuẩn".

Điều khoản này quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.

GS rương Nguyện Thành trở về Mỹ do chưa đủ chuẩn theo Luật Giáo dục đại học quy định để làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.

Trong văn bản Sở GD-ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM có đề cập tới việc Bộ GD-ĐT trả lời về hồ sơ công nhận GS Thành:

Ở ĐH Utah, vị trí mà ông Trương Nguyện Thành tham gia là chủ tịch một số hội đồng (committee) của các nhóm công việc chuyên môn, hoặc liên quan hoạt động của ĐH Utah và không phải là các Khoa hoặc Phòng của trường. Việc xác định vị trí quản lý tương đương hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp Phòng, Khoa của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do vậy không đủ cơ sở pháp lý được xác nhận ông Thành làm quản lý Phòng/ Khoa”.

Còn hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng, Luật Giáo dục Đại học quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm là lỗi thời, trong điều kiện thu hút tri thức nước ngoài về.

"Cần tạo điều kiện cho người trẻ bằng cách sửa quy định này ở Luật Giáo dục đại học, hoặc trong trường hợp được Hội đồng trường hay HĐQT thông qua thì được “vượt rào” - vị này chia sẻ.

Theo ông, hiện nay, một số nước đã thực hiện thuê hiệu trưởng từ nước ngoài. Tại Việt Nam, Luật Giáo dục đã đặt ra Hội đồng trường có vai trò lớn nhất vì vậy nên để Hội đồng trường tự quyết định việc bổ nhiệm. Không nên can thiệp vào quá sâu vào việc của các trường bằng cách "ôm" tất cả, trong đó có việc phê duyệt”- ông nói.

Ông S, trưởng phòng đào tạo một trường đại học nhìn nhận: Tiêu chuẩn quy định về hiệu trưởng đề ra cũng nhằm hạn chế quyền lực của Hội đồng quản trị bổ nhiệm người không có kinh nghiệm hay Hội đồng trường "lộng quyền".

Ông phân tích: "Trường hợp nhân sự thực thụ là một nhà nghiên cứu khoa học thì nên phát huy năng lực của bản thân ở nghiên cứu chứ không chỉ có ở lĩnh vực quản lý. Thứ hai, HĐQT Trường ĐH Hoa Sen biết tạo điều kiện thì điều mà GS này cần là quyền để làm việc chứ không phải chức danh".

“Chính sách thu hút nhân tài ở nước ngoài cần theo lĩnh vực, theo nhu cầu và thu hút xong thì cần môi trường để họ làm việc".

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng cần phân biệt rạch ròi việc người có tài năng quản lý và tài năng nghiên cứu sẽ làm quản lý. Đây cũng là sự phân biệt giữa chức vụ quản lý và chức vụ khoa học.

Theo ông Sơn, một nhà nghiên cứu xuất sắc chưa chắc sẽ trở thành một nhà quản lý xuất sắc và ngược lại. Vì vậy, để thu hút một nhà khoa học mà thay đổi tiêu chuẩn chức vụ quản lý không phải là một giải pháp hay. Tuy nhiên, pháp luật quy định muốn làm hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm làm quản lý trưởng các đơn vị khoa, phòng ở cơ sở giáo dục đại học lại đang “ngáng chân” các trường đại học tự chủ.

“Điều quan trọng nhất của một hiệu trưởng là phải thuyết phục được Hội đồng trường (trường công) hoặc HĐQT (trường tư). Năng lực quản lý của hiệu trưởng sẽ do Hội đồng trường hoặc HĐQT chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu. Nếu trường công thì chịu trách nhiệm trước nhà nước, còn trường tư chịu trách nhiệm trước các cổ đông. Việc giữ quan điểm hiệu trưởng phải có 5 năm làm trưởng đơn vị phòng/khoa là tư duy sống lâu năm lên lão làng”- ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các đơn vị sự nghiệp sẽ hướng tới "quản lý như một doanh nghiệp". Như vậy, có thể hiểu hiệu trưởng sẽ như một giám đốc. Có thể thuê hiệu trưởng và lựa chọn như thế nào là do Hội đồng trường (trường công) hoặc Hội đồng quản trị (trường tư) quyết định.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi phải xác định đúng tinh thần đã quy định là Hội đồng trường ở trường công hoặc ĐHQT ở trường tư là cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền quyết định cao nhất. Hiệu trưởng do Hội đồng trường hoặc HĐQT tự quyết định, có thể được thuê (kể cả ở trường công) miễn sao Hội đồng trường đảm bảo hiệu trưởng quản trị hiệu quả.

“Việc đại học tự chủ nửa vời như hiện nay dẫn tới chỉ một vài trường công có hội đồng trường hoạt động hiệu qủa, còn nhiều trường vai trò của hiệu trưởng gần như tuyệt đối. Điều này do hiệu trưởng được cơ quan nào đó phê duyệt, còn hội đồng trường hay HĐQT chỉ để xuất. Bộ GD-ĐT hay chính quyền đã phê duyệt Hội đồng trường thì Hội đồng trường, HĐQT có quyền quyết định những vấn đề của nhà trường”- ông Sơn nói

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP