Du lịch

Chùa Tam Chúc, bồng lai tiên cảnh giữa trần gian

Quần thể chùa Tam Chúc tại Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) toạ lạc trên diện tích 5.100ha, với nhiều báu vật nổi tiếng như 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa, 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn… được ví như tiên cảnh trần gian và vịnh Hạ Long trên cạn.

Bảo Tháp tại quần thể chùa Tam Chúc. Ảnh: Minh Đức

Theo tìm hiểu của phóng viên, chùa Tam Chúc được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc.

Tích xưa kể lại cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”.

Giáo sư Vũ Minh Giang cùng viên thiên thạch Mặt Trăng trị giá 600.000 USD tại Chùa Tam Chúc. Ảnh: Minh Đức

Sau có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.

Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan. Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.

Điện Tam Thế chùa Tam Chúc.

Điều đặc biệt nữa, Chùa Tam Chúc được xây dựng với hàng nghìn bức tranh bằng đá được ghép tỉ mỉ, cẩn thận bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề. 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam.

Ngoài ra, Chùa Tam Chúc còn thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn.

Cột kinh cột cao 12m, nặng 200 tấn. Ảnh: M.Đ

Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn.

Đáng chú ý, Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh đang được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo có thiết kế hết sức công phu. Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc.

Toàn cảnh chùa Tam Chúc, nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Đức

Không những thế, Chùa Tam Chúc còn đang trồng cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam. Cây bồ đề này được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay và được coi là báu vật của quốc đảo này.

Cảnh chùa Tam Chúc nhìn từ điện Tam Thế: Ảnh: M.Đ

Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Ba Sao thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la.

Trước đó, ngày 11/10, tại buổi họp báo thông tin về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Vạc dầu phác hoạ khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam) và chùa Hương (Hà Nội).

Đại lễ dự kiến sẽ đón 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo cũng như các Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90-100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. 10.000 phật tử, người dân Việt Nam cũng sẽ tham gia Đại lễ.

Đình tam chúc nằm trên 1 hòn đảo nổi giữa hồ Tam Chúc. Ảnh: Minh Đức

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức Đại lễ trên. Trước đó, sự kiện được tổ chức ở Hà Nội và Ninh Bình vào năm 2008 và 2014 đều để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn bè thế giới.

Hiện đã hình thành con đường tâm linh từ Bái Đính - Tam Chúc và chùa Hương. Điều đáng nói, những ngày trời quang mây tạnh, du khách đứng ở khu vực Bảo Tháp quan sát được cảnh chàu Hương. Ngoài giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương được kết nối bởi con đường dài 5km rộng 20m, du khách sẽ bị hút hồn bởi cảnh vật chim kêu vượn hót hai bên đường.

Tác giả: MINH ĐỨC

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP