Kinh tế

Chủ xoay xở với hàng quán ngày 8/3 khi nhân viên đều là F0

Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, nhiều người kinh doanh gặp không ít khó khăn vào ngày lễ 8/3 do nhân viên lần lượt dương tính với Covid-19, không thể đi làm.

Sát ngày 8/3, Đinh Ngọc Hân, florist (thợ cắm hoa) tại một cửa hàng hoa trên phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, bận rộn vừa điều phối nhân viên, vừa xử lý đơn hàng khách đặt cho dịp Quốc tế Phụ nữ.

“Thông thường, tiệm có 3-4 thợ cắm hoa làm việc trong các dịp đông người đặt hàng như này. Tuy nhiên, giờ hầu hết đang mắc Covid-19, không thể đi làm nên chỉ có mỗi mình là thợ chính xoay xở”, Hân nói với Zing.

Chàng trai 22 tuổi cho hay để kịp thời phục vụ, cửa hàng tuyển thêm 4-5 bạn trẻ sinh viên, làm thời vụ trong khoảng 3 ngày.

Ngọc Hân làm thay phần việc của 3-4 thợ cắm hoa khác trong dịp Quốc tế Phụ nữ.

Tuy nhiên, nhóm này chỉ là thợ phụ, phụ trách sơ chế hoa. Việc tạo hình, bó hoa theo yêu cầu của người đặt vẫn do mình Hân đảm nhận.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay diễn ra trong lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở Hà Nội. Nhiều cửa hàng phải giảm công suất hoạt động hoặc thuê người làm ngắn hạn vì nhân viên mắc Covid-19.

Nhân viên thành F0, F1 đúng dịp lễ

Thiếu người làm, khối lượng công việc của Hân cũng vì thế nhân lên. Cận ngày lễ, anh làm việc từ 7h sáng đến nửa đêm cho kịp chuyển hoa tới tay khách.

Ngoài các bó hoa tặng chị em phái đẹp, cửa hàng nơi Hân làm việc vẫn nhận các đơn đặt hoa cho sinh nhật, sự kiện.

“Sau Tết, bên mình đăng thông tin tuyển thợ cắm hoa ở nhiều nơi nhưng hiện vẫn chưa tìm được người. Việc tuyển người cũng khó vì công việc đòi hỏi kinh nghiệm”, anh cho hay.

Theo quan sát của Hân, nhu cầu tặng hoa dịp 8/3 năm nay giảm nhiều so với năm ngoái.

Nữ sinh viên tranh thủ kiếm thêm thu nhập nhờ công việc sơ chế hoa.

Thông thường, cách ngày lễ chính 2 ngày, cửa hàng đã nhận khoảng 20-30 đơn. Con số năm nay chỉ bằng một phần nhỏ.

Ngồi sơ chế hoa theo hướng dẫn, Dung (sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội) cho biết cô biết đến công việc này nhờ bạn bè giới thiệu.

Quay trở lại Hà Nội để đến trường học trực tiếp, Dung dành buổi sáng đi học, chiều đi làm, tranh thủ có thêm thu nhập.

Mỗi buổi, trung bình cô làm việc trong khoảng 5-6 tiếng, từ 13h đến 19h. Nữ sinh viên cho biết trước từng nhận công việc tương tự nên đã quen tay. Phần việc của cô là phân loại, cắt ngắn cành, bỏ bớt lá xấu, lá hỏng.

Trong khi đó, chị Trang - chủ một tiệm hoa trên cùng tuyến phố - chia sẻ cửa hàng của mình cũng trải qua chuyện nhân viên trở thành F0 đúng dịp 8/3.

“Cửa hàng có khoảng 6 nhân viên, có 1-2 bạn đang là F0, F1. Với vị trí thợ cắm hoa chính gồm 2 người, người còn lại sẽ làm thay phần việc người đang nghỉ”, chị Trang cho hay.

Dự tính lượng khách giảm, cửa hàng chủ động nhập số lượng hoa ít đi 20%.

Chị Trang cho hay bản thân đã dự tính trước nhu cầu khách giảm so với các dịp lễ trước nên việc vận hành không bị ảnh hưởng nhiều khi có nhân viên dương tính với Covid-19.

Thông thường, khách hàng thích tặng đúng ngày và có xu hướng sát ngày mới đặt hoa nên 8/3 sẽ là ngày đông nhất. Trước đó, cửa hàng sẽ chuẩn bị, bó sẵn một số mẫu để không bị dồn ứ đơn hàng.

"Lần này, mình chủ động nhập ít hoa hơn, bằng khoảng 70-80% so với các năm trước, bán hết mới nhập tiếp do tính chất hoa tươi không thể để quá lâu.

Số lượng ca mắc Covid-19 đang tăng cao, các văn phòng thưa người nên đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, công ty năm nay giảm nhiều. Lượng khách chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân có nhu cầu tặng hoa cho mẹ, bạn gái. Họ chọn đặt online, ship đến tận nơi, thay vì đến tận nơi như mọi khi vì e ngại dịch bệnh".

“Mình không muốn tuyển thêm nhân viên thời vụ vào lúc này để đảm bảo an toàn, chẳng may các bạn đang mắc Covid-19 sẽ lây cho những người còn lại, ảnh hưởng đến hoạt động của cửa hàng”, chị Trang nói thêm.

Kinh doanh hoa online đến năm thứ sáu, Mai Hương (24 tuổi) cho biết cô không thuê thêm người làm bởi dịch bệnh.

“Mọi năm, mình sẽ tuyển khoảng 2-3 bạn phụ giúp mình bó hoa, ship hàng. Song, những dịp lễ gần đây như Noel, 14/2 và 8/3, mình tận dụng người nhà phụ giúp làm các khâu như sơ chế, trả lời tư vấn, chuẩn bị giấy gói.

Vì không tuyển thêm người nên bản thân cũng sẽ vất vả hơn. Người nhà không có nhiều kinh nghiệm, mình mất thêm thời gian hơn cho việc hướng dẫn”, Hương nói.

Đông nhân viên trở thành F0, F1, các cửa hàng phải thuê thêm người làm thời vụ hoặc đẩy số lượng giờ làm của những người còn lại.

Khó tuyển người

Thiếu nhân viên, nhân viên đang dương tính với Covid-19 là tình trạng chung ở các bên kinh doanh tại Hà Nội vào thời điểm đầu năm, sau Tết Nguyên đán.

Nguyễn Thị Phương, chủ của 3 cơ sở cà phê tại khu vực Hà Đông, cho biết vào khoảng 2 tuần trở lại, nhân viên liên tục báo nghỉ vì trở thành F0. Có thời điểm, 5 người mắc Covid-19 ở cùng một cơ sở.

"Tại cơ sở chính, 2 trong số 4 bạn phụ trách pha chế phải ở nhà điều trị. Để tránh cảnh kinh doanh gián đoạn, phải tạm đóng cửa, mình sắp xếp, điều động linh hoạt giữa các bên. Các bạn phục vụ đa số là sinh viên, chưa trở lại trường nên có thể làm thêm giờ, đẩy số ca lên", chị Phương nói.

Theo chị Phương, ra Tết là khoảng thời gian nhân sự thay đổi liên tục. Công việc nhân viên phục vụ quán cà phê đa số do các bạn trẻ còn đi học đăng ký làm thêm, không gắn bó lâu dài.

Do đó, cửa hàng của chị luôn phải tuyển "sơ cua", tránh cảnh thiếu hụt người. Tuy nhiên, do sinh viên ngoại tỉnh e dè việc trở lại Hà Nội nên cửa hàng khó tuyển được người.

Sau Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu người làm, khó tuyển dụng được ghi nhận ở rất nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ.

Tương tự, Vũ (22 tuổi, nhân viên tại shop bán đồ skincare trên phố Khâm Thiên) cho biết các bạn trẻ chủ yếu vẫn học online, chưa lên thành phố nên số lượng xin việc ở mức ít ỏi.

“Tuyển người xong, bọn mình còn mất thời gian đào tạo, từ vài tháng cho đến nửa năm cho vị trí bán hàng kiêm tư vấn nên tìm người gắn bó lâu dài tốn khá nhiều công sức".

Cũng đăng thông báo tuyển người từ sau Tết, Linh (thu ngân tại một tiệm làm nail trên phố Đặng Văn Ngữ) cho biết việc tuyển người vốn khó vì cửa hàng chủ trương tìm thợ có tay nghề cứng, lại càng khó hơn trong thời buổi dịch bệnh.

"Hiện tại, số lượng nhân viên vẫn đủ phục vụ khách hàng. Một người thường biết làm nhiều dịch vụ, từ uốn mi đến làm móng nên nếu có nhân viên thành F0, sẽ có người khác thay thế vị trí bị khuyết hoặc điều người từ cơ sở khác đáp ứng", Linh chia sẻ.

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP