Kinh tế

Chủ tịch Mai Linh chạy xe ôm, sếp Trần Anh lo về tương lai

Tâm điểm tuần qua là xét xử hai đại án lớn Trầm Bê - Phạm Công Danh và Đinh La Thăng cùng các đồng phạm; thông tin về sức khỏe của ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch BIDV; nữ tỷ phú đô la của Việt Nam nhận cổ tức giá trị trên trăm tỷ đồng,...

Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù

Liên quan đến phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, đại diện VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị Trịnh Xuân Thanh từ 13-14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; xử phạt tù chung thân về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.

Dàn sếp lớn dầu khí vướng lao lý

Đối với nhóm 12 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án gồm:

Bị cáo Đinh La Thăng từ 14-15 năm tù; bị cáo Phùng Đình Thực từ 12-13 năm tù; ba bị cáo: Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh cùng bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù; hai bị cáo: Lê Đình Mậu và Nguyễn Mạnh Tiến cùng bị đề nghị từ 7- 8 năm tù.

Bị cáo Vũ Đức Thuận bị Viện kiểm sát đề nghị xử phạt từ 8-9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", 18-19 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là từ 26-28 năm tù.

Bí mật của ông Trầm Bê

Khi nhóm cổ đông mới quản trị, điều hành VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 29 pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; gây thiệt hại cho VNCB 6.123,7 tỷ đồng. Tính riêng thương vụ giữa ông Danh và Trầm Bê về khoản vay 1.800 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835,8 tỷ đồng.

Quan hệ đặc biệt giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh

Tài sản của ông Trầm Bê đã bị kê biên gồm: Quyền sử dụng đất tại một căn nhà mặt tiền đường An Dương Vương (quận Bình Tân) và một căn nhà đường Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM).

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt với số tiền là 33 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã có văn bản phong tỏa 16.000 cổ phần của Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt tại Công ty CP Đất May mắn.

Ông Trần Bắc Hà bệnh hiểm nghèo

Trong phiên tòa đại án Phạm Công Danh và Trầm Bê, ông Trần Bắc Hà và hai cựu lãnh đạo của BIDV bị tòa triệu tập với hai tư cách "người có quyền nghĩa vụ liên quan" và "người làm chứng" do đã cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng trên 2.550 tỷ đồng.

Ông Hà được điều trị ung thư gan tại một bệnh viện ở Singapore và có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa.

Ông Hà mắc bệnh hiểm nghèo

Ông Hà được xem là một ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng đồng thời là người tạo ra bước chuyển mình cho BIDV nhiều năm trước. Ông có 35 năm công tác tại BIDV và hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV (từ 2008 đến tháng 2016). Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016.

Nữ tỷ phú đô la lĩnh trăm tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vietjet Air, là cổ đông cá nhân lớn nhất công ty này. Cá nhân bà Thảo nắm giữ 39,56 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny thêm 128,95 triệu cổ phiếu.

Như vậy, tới đây, ngay thời điểm sát Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ nhận về khoảng 168,51 tỷ đồng tiền cổ tức.

Năm nay 47 tuổi, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới. Bà là một trong hai tỷ phú đô la của Việt Nam được Forbes ghi nhận với khối tài sản trị giá 2,5 tỷ USD, xếp hạng 997 thế giới.

Nữ tỷ phú đô la đầu tiên

Tổng Giám đốc ABBANK bất ngờ từ nhiệm

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc Cù Anh Tuấn và cử ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng Giám đốc, đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc.

Sau gần 3 năm đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc, phụ trách lĩnh vực Quản lý tín dụng; Pháp chế - Tuân thủ; Quản lý rủi ro, ông Quân được giao trọng trách Tổng giám đốc. Ông Quân có hơn 22 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng, từng nắm giữ các vị trí chủ chốt tại ngân hàng.

“Phó tướng” Viettel làm Phó Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng

Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel, đã nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng.

Khi là Phó Tổng giám đốc Viettel, ông Tống Viết Trung được giao phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), an ninh mạng và không gian mạng. Ông Trung gia nhập Viettel từ năm 2004. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Trung giữ vai trò Giám đốc Công ty Thông tin Di động Viettel.

Cựu Chủ tịch Trần Anh lo về tương lai của điện máy

"Lý do chính là tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai. Tôi đi một số nước, ở các thị trường phát triển và những nước quanh khu vực, thông tin mà mình nhận thấy và nhìn thấy, thì mức độ tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa. Và thứ hai là xu thế thương mại điện tử phát triển rất mạnh.

Cựu Chủ tịch Trần Anh

Đối với thị trường Việt Nam, ở thời điểm này có thể mới bắt đầu đi ngang và một hai năm tới thì có thể đi ngang nhiều hơn. Đồng thời, ảnh hưởng của các công ty thương mại hàng đầu trên thế giới vào Việt Nam chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới các cửa hàng truyền thống. Và đó là những lý do tôi rút khỏi thị trường".

Ông Trần Xuân Kiên, cựu CEO hệ thống điện máy Trần Anh, bày tỏ như vậy sau khi Trần Anh "về một nhà" với Thế Giới Di Động. Trước mắt, ông sẽ cùng với những cán bộ chủ chốt của Trần Anh trước đây khởi nghiệp mảng kinh doanh mới là Coworking Space (không gian làm việc chung).

Chủ tịch HĐQT Mai Linh "chạy xe ôm"

“Hễ có thời gian rảnh, tớ lại trong vai tài xế, để xem, để lắng nghe và cảm nhận những vất vả khó nhọc của anh em, của nghề”, chủ tịch HĐQT của taxi Mai Linh nói.

Tháng 09/2017, thông tin hãng taxi Mai Linh mở dịch vụ xe ôm đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Ngay sau đó, hãng cũng công bố bảng giá cước dịch vụ “xe ôm công nghệ” mang tên M.Bike của mình với mức giá tương đương của Uber, Grab - như một cách thông báo sẽ quyết định đấu trực diện.

Tác giả: Bảo Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP