Trong nước

Chủ tịch Hà Nội: 'Đề nghị bà con thả người và tháo chướng ngại vật'

Gần 19h ngày 20/4, cuộc làm việc giữa lãnh đạo Hà Nội với lãnh đạo chủ chốt xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) bắt đầu mà không có đại diện thôn Hoành tham dự.

Đoàn làm việc khoảng 30 người, gồm Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương (Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội), ông Đào Đức Toàn (Phó bí thư Thành ủy Hà Nội), lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức... chiều nay về làm việc tại xã Đồng Tâm nhằm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, khiến hàng chục công an, cán bộ bị người dân thôn Hoành bắt giữ những ngày qua.

Đây là chuyến đi đầu tiên về Mỹ Đức của Chủ tịch Chung, hai ngày sau khi 18 cảnh sát cơ động trong tổng số 38 người bị một số người dân Mỹ Đức giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành được tự do.

Gần 19h, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết đã mời lãnh đạo chủ chốt xã và đại diện bà con nhân dân xã Đồng Tâm, tuy nhiên lúc này chỉ có đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm mà không có đại diện người dân.

Ông Chung đề nghị lãnh đạo xã Đồng Tâm truyền đạt việc lãnh đạo thành phố mà trực tiếp là ông sẵn sàng đối thoại với người dân trong ngày mai, hoặc ngày kia. "Hôm nay tôi đã mời nhưng mọi người không ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mời người dân vào thời gian sớm nhất, ngắn nhất", ông nói.

Ông Chung cho hay, Thành phố ra quyết định thanh tra toàn diện quá trình xử lý đất đai liên quan đến khu vực xã Đồng Tâm, đề nghị bà con gặp đoàn thanh tra cung cấp tài liệu để cơ quan chức năng có quyết định đúng đắn. Sau 45 ngày, kết quả thanh tra sẽ được công bố.

Ghi nhận việc những người bị giữ ở thôn được ăn uống, vệ sinh đầy đủ, ông Chung kêu gọi "bà con sớm giải tỏa chướng ngại vật và thả người".

"Tôi cam kết là công an ngăn chặn đối tượng hình sự từ nơi khác đến quấy nhiễu", ông Chung khẳng định.

Đại diện Thanh tra Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng diện tích đất sân bay Miếu Môn.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Tập đoàn Viettel dừng thi công và bà con giữ nguyên trạng khu đất để phục vụ thanh tra.

"Bốn năm qua bà con có kiến nghị, cấp cơ sở có những xử lý chưa đúng, tôi cam kết lần này sẽ làm nghiêm túc", ông Chung nói và mong muốn những người dân đã đối thoại với ông thì tiếp tục cộng tác.

Trước băn khoăn của người dân về việc ban đêm công an có thể tấn công vào thôn, ông Chung khẳng định không có chuyện đó.

Khi được VnExpress thông tin về nội dung cuộc làm việc vừa kết thúc tại UBND huyện, ông Bùi Viết Hiểu cho biết, người dân thôn rất chào đón Chủ tịch thành phố. Đồng tình với quyết định thanh tra toàn diện việc sử dụng đất tại Miếu Môn, ông Hiểu cho hay người dân sẵn sàng hợp tác, cung cấp hồ sơ khi đoàn đến làm việc và hy vọng lần này thành phố sẽ làm nghiêm túc để có kết quả thỏa đáng hơn những lần trước.

Ông Nguyễn Đình Tuyển (47 tuổi) chia sẻ, người dân đã nắm sơ bộ nội dung cuộc họp qua các báo điện tử nhờ kết nối lại được 3G vào tối nay sau nhiều ngày mất sóng.

Cam kết "sẽ không có điều gì xảy ra trong thôn khi lãnh đạo thành phố về làm việc" tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng "chúng tôi chưa có câu trả lời về việc thả người và gỡ chướng ngại vật" như yêu cầu của lãnh đạo Hà Nội.

18h45, hội trường chính của Huyện ủy Mỹ Đức sáng đèn, bật điều hòa. Các hàng ghế cho khoảng hơn 200 người vẫn trống, cổng trụ sở mở rộng, ông Nguyễn Đức Chung bước vào hội trường. Đại diện huyện Mỹ Đức thông báo lý do buổi làm việc.

1chutoa 5632 1492689712

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương, đại diện công an và huyện Mỹ Đức chủ trì cuộc họp.

18h30, ông Bùi Viết Hiểu chia sẻ, những người dân ở thôn đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là sai trái nên mong "Chủ tịch thành phố xem xét nương nhẹ, bởi nguyên nhân cũng xuất phát từ những bức xúc kéo dài không được giải quyết".

Về mảnh đất 59 ha tại xã Đồng Tâm, nếu cơ quan chức năng có văn bản, tài liệu chứng minh đó là đất quốc phòng, người dân sẽ đồng thuận.

Người dân muốn mời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về hội trường UBND xã Đồng Tâm để tháo gỡ sự việc. Hội trường này có sức chứa 300 người, nằm trong thôn Hoành. "Chúng tôi đã cử 7-8 cụ đại diện cùng 40 hộ dân sẵn sàng đến hội trường UBND xã tiếp đón", ông Hiểu cho hay.

Tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, đoàn làm việc của Chủ tịch Hà Nội cùng hàng chục phóng viên báo đài vẫn chờ đợi cuộc đối thoại tháo gỡ những vướng mắc kéo dài ở thôn Hoành thời gian qua.

2myduc 2805 1492688642
18h40 tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, hàng chục người chờ đợi cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội và người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Huyền My.

18h, những người dân được mời tham gia đối thoại với Chủ tịch thành phố vẫn chưa đến.

Trong phòng dự kiến diễn ra đối thoại ở trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, bàn chủ tọa đặt biển Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và ông Đỗ Văn Đương. Bàn dành cho đại diện nhân dân xã đồng tâm nằm ngay hàng ghế đầu.

Ông Bùi Viết Hiểu (75 tuổi, một người trong nhóm cao niên đại diện dân thôn Hoành), cho biết hơn 14h ông nhận được điện thoại từ Chủ tịch Chung mời các cụ và 100 người lên huyện để đối thoại, ba chiếc xe được đưa đến đón người dân, tuy nhiên ông từ chối vì "các con không cho đi".

Ông tha thiết mời chủ tịch Chung về gặp trực tiếp người dân. Tổ đối thoại thôn Hoành được người dân cử ra gồm một số cụ cao niên, lão thành cách mạng và bà Nguyễn Thị Lan bí thư xã Đồng Tâm. Ông Hiểu đặc biệt nhấn mạnh người dân sẽ đảm bảo an toàn cho đoàn đối thoại, "mọi chuyện sẽ diễn ra ôn hòa".

"Người dân nếu có điều gì đó sai trái thì mong Chủ tịch nương nhẹ hoặc xem xét giảm tội, ai sai đến đâu, xử đến đấy", ông nói thêm.

Liên quan việc tranh chấp đất đai tại khu vực Đồng Tâm, ông Hiểu cho hay, 59ha mà cơ quan chức năng cho rằng thuộc Quốc phòng quản lý, người dân mong muốn chủ tịch sớm giải quyết. "Nếu là đất quốc phòng, phải có quyết định thu hồi cụ thể rõ ràng, phải có đại diện cơ quan chức năng thông báo để người dân yên tâm, tránh tình trạng mập mờ".

17h, cuộc làm việc chưa diễn ra. Chính quyền đang thuyết phục đại diện người dân tới cuộc đối thoại.

3doithoai 5828 1492687520
Cuộc họp chưa bắt đầu vì đại diện người dân chưa đến. Ảnh: Huyền My.

Cùng thời điểm tại thôn Hoành, cách nơi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung làm việc khoảng 20km, những tiếng kẻng vang lên, loa phát thanh báo tin có lãnh đạo Hà Nội về làm việc. Hàng chục người đổ ra các con ngõ đầu làng, tụ tập ở những chốt canh. Gương mặt họ toát lên vẻ lo lắng xen lẫn hồi hộp. Một số người chia sẻ họ mong sự việc được giải quyết nhanh để sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, các chướng ngại vật tiếp tục được dựng lên, chỉ chừa khoảng trống đủ cho người đi bộ lách qua.

16h25, ông Chung làm việc tại phòng của lãnh đạo Huyện ủy, theo kế hoạch ông sẽ gặp một số người dân Đồng Tâm. Ông Chung đang chờ những người này. Xung quanh trụ sở huyện có nhiều cảnh sát làm nhiệm vụ.

Tiếng loa phát thanh trong thôn thông báo về văn bản có chữ ký của Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt mời đại diện người dân ra huyện làm việc với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Tuy vậy, một số người dân chia sẻ với VnExpress: "Chúng tôi mong ông Chung về làng đối thoại thì sẽ cử người đón tiếp".

4Untitled 2 9403 1492678351
Nhiều băng rôn được treo ở Đồng Tâm. Người dân cho hay họ không chống chính quyền. Ảnh: Huyền My.

Ông Nguyễn Đức Chung được Thành ủy Hà Nội giao chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình tại địa phương này. Những ngày qua, việc đối thoại với người dân mới chỉ thực hiện được "qua các kênh thông tin bằng điện thoại".

Một nguồn tin nói việc đối thoại gặp cản trở do "người dân còn nhiều ý kiến, chưa cử được người đại diện".

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai sẽ được "xem xét một cách thỏa đáng". Ưu tiên số một của Hà Nội là đảm bảo an toàn cho 20 người đang bị giữ và an toàn cho người dân.

Trước đó ngày 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ mục đích quốc phòng, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã phản ứng. 38 người thi hành công vụ, trong đó có nhiều cảnh sát cơ động Hà Nội bị giữ lại thôn.

Giải thích lý do, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, họ muốn chính quyền thả người, đối thoại giải quyết các mâu thuẫn đất đai... "Nguyện vọng của dân muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định". Người dân khẳng định những người bị giữ được đối xử lịch sự, cung cấp đồ ăn và những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do đã "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả".

Phó giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Bạch Thành Định nói với VnExpress: "Việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương".

*Tiếp tục cập nhật

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP