Pháp luật

Chủ công ty vốn ảo 2.000 tỷ đồng chỉ học lớp 4

Trưởng ấp tại nơi công ty Thiên Cổ Tự đóng trụ sở nói rằng đây là doanh nghiệp "ma" vì không có hoạt động kinh doanh và ông chủ chưa học hết tiểu học.

Hai ngày qua, người dân ấp Rạch Sên của xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã không bất ngờ khi hay tin Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư thế giới Thiên Cổ Tự (công ty Thiên Cổ Tự). Theo Trưởng ấp Rạch Sên Sơn Uôi, không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay doanh nghiệp này không có hoạt động kinh doanh.

Ông Sơn Uôi, Trưởng ấp Rạch Sên. Ảnh: Việt Tường.

"Dựng nhiều biển hiệu lên chứ đó là công ty 'ma' vì không hoạt động. Ông Triệu Xuân Đa chồng bà Nga (tên cả hai đã thay đổi, PV) chỉ học lớp 4 trường làng, có nhiều vợ và tôi nghe họ mua bàn, ghế ở Cà Mau 4 tỷ đồng nhưng không có tiền trả. Công an với tòa án ở Cần Thơ gửi giấy tờ về đây nhiều lắm", ông Uôi nói.

"Vẽ" dự án du lịch tâm linh 4.000 ha

Theo Trưởng ấp Rạch Sên, ba năm trước vợ chồng bà Nga xây một ngôi miếu ở cuối làng rồi tự đặt tên là "khu văn hóa tâm linh Thiên Cổ Tự". Gia đình này sau đó mang nhiều tượng Phật đặt vào miếu và bị chính quyền địa phương kiểm tra, yêu cầu đưa tượng vào chùa.

Không xây được "Thiên Cổ Tự", vợ chồng bà Nga mở lò sấy và nhà máy xay xát lúa gạo mang tên Ngọc Kim Thuận. Lò sấy ế khách, gạo xay ra kém chất lượng nên không bao lâu người dân trong vùng không tín nhiệm và ngưng làm ăn với doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp ở quê nhà của vợ chồng chủ công ty Thiên Cổ Tự. Ảnh: Việt Tường.

Sáng 23/12, Zing.vn đến trụ sở công ty Thiên Cổ Tự, cách quốc lộ 1 khoảng 2 km. Doanh nghiệp nằm bên kia chiếc cầu tre khó đi ở cuối con đường bê tông ở ấp Rạch Sên. Khách gọi nhiều lần mới được hai người đàn ông mở cửa nhưng họ nói chỉ là người làm công, còn ông bà chủ đi đâu không rõ.

"Có số điện thoại bà chủ trên bảng nhưng lâu rồi tôi không gọi được. Còn ông chủ nghe nói đã đi công tác ở Sài Gòn", một trong hai người nói rồi đóng cửa không tiếp khách.

Theo cơ quan điều tra, tại ấp Rạch Sên ngoài dự án không có thật là khu tái định cư 630 ha, công ty Thiên Cổ Tự còn vẽ ra dự án ảo là khu du lịch tâm linh Thiên Cổ Tự rộng 4.000 ha.

Hiện, khu xung quanh công ty Thiên Cổ Tự đóng trụ sở là những cánh đồng lúa và rẫy rau màu của người dân trong vùng. Phóng viên hỏi cư dân nơi đây về hoạt động của Thiên Cổ Tự thì mọi người đều cười rồi lắc đầu chứ không nói gì.

Mở tiệm vàng ở khu đô thị 5A

Trưởng ấp Rạch Sên Sơn Uôi nói rằng mặc dù Công an Sóc Trăng đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty Thiên Cổ Tự nhưng người làm công tại đây nói rằng ông bà chủ của họ vừa mở tiệm vàng ở TP Sóc Trăng. Theo tìm hiểu của Zing.vn thì tiệm kim hoàn này được mở tại khu đô thị 5A nhưng chưa khai trương.

Đường vào công ty Thiên Cổ Tự. Ảnh: Việt Tường.

"Ngoài tiệm vàng này, vợ chồng bà Nga còn mở nhiều công ty khác cạnh nhau trong khu đô thị 5A. Tôi nghe nói người dân nào trong khu đô thị này muốn bán nhà thì vợ chồng này lấy sổ đỏ của họ mang thế chấp ngân hàng để lấy tiền", một cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (chủ đầu tư khu 5A) nói.

Ngoài công ty Thiên Cổ Tự, vợ chồng bà Nga còn có Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Thiên Cổ Tự ở Cần Thơ nhưng không đủ vốn như cam kết theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có trụ sở nên bị nhà chức trách phạt hành chính 10 triệu đồng. Công ty này sau đó dời địa điểm về ấp Rạch Sên của xã Thạnh Phú và đến nay vẫn không có hoạt động kinh doanh, không kê khai báo cáo thuế theo quy định.

Để lôi kéo nhiều người góp vốn vào dự án của công ty có vốn điều lệ ảo 2.000 tỷ đồng, ngoài khu du lịch tâm linh và dự án tái dịnh cư ở ấp Rạch Sên, vợ chồng Nga còn "vẽ" ra 5 dự án khác là dự án xây dựng hệ thống điện gió công nghệ của Nga (2.000 ha tại Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu), dự án khu hành chính mới tỉnh Sóc Trăng, dự án xây dựng cảng tổng hợp Trần Đề (28 ha), dự án xây dựng khu công nghiệp Trần Đề (155 ha), dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Thiên Cổ Tự ở TP Sóc Trăng.

Lò sấy lúa của gia đình chủ công ty Thiên Cổ Tự. Ảnh: Việt Tường.

Những người sau khi ký kết hợp đồng đầu tư vào các dự án đã đóng góp nhiều tiền cho vợ chồng Nga (Chủ tịch HĐQT) và Tổng giám đốc Lê Văn Hưng (tên đã thay đổi). Khi các dự án không được thực hiện và vợ chồng Nga được cho là không trả lại tiền đóng góp nên các nạn nhân đến cơ quan điều tra tố cáo.

Trưởng ấp Rạch Sên Sơn Uôi cho biết trước khi vợ chồng bà Nga mở công ty Thiên Cổ Tự thì ông Đa chuyên làm cò sổ đỏ cho dân rồi lấy giấy tờ đưa vào ngân hàng vay vốn. "Ví dụ vay được 30 triệu thì đưa dân chỉ 20 triệu đồng. Khi bị phát hiện thì ông Đa bỏ lên Cần Thơ mở công ty", ông Uôi chia sẻ với Zing.vn.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP