Giáo dục

Chống lạm thu, có bỏ được những khoản thu “núp bóng” tự nguyện?

Lạm thu luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm mỗi dịp đầu năm học mới. Dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng lạm thu vẫn diễn ra đâu đó tại địa phương.

Hàng năm, trước khi bắt đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương đã có hướng dẫn chi tiết thu chi, nhưng diễn biến các khoản thu tại nhiều trường vẫn muôn vẻ khác nhau. Liệu năm nay, các khoản thu “núp bóng” tự nguyện có chấm dứt?

Ngay từ tháng 3-2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có nội dung yêu cầu công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo đúng quy định; tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu...

Việc kiên quyết chống lạm thu cũng được thực hiện quyết liệt tại các địa phương. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường công lập trên địa bàn TP chấm dứt việc thu, chi khoản đóng góp tự nguyện từ gia đình học sinh để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị cho nhà trường.

Dù được hướng dẫn chi tiết về thu chi các khoản, nhưng đầu mỗi năm học, vẫn không thiếu các phản ánh về lạm thu được chia sẻ. (Ảnh minh họa)

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học; chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Ngoài các khoản thu theo quy định, các trường không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ gia đình người học dưới bất kỳ hình thức nào; không tùy tiện lập các loại quỹ hoặc để Ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.

Tại Thanh Hóa, Sở GD&ĐT quy định các khoản thu trong năm học 2018 - 2019 theo quy định của Nhà nước, gồm: Bảo hiểm y tế; thu, chi học phí; tiền gửi xe đạp (mức thu tối đa trông giữ xe đạp của 1 học sinh là 15.000 đ/tháng; xe máy là 30.000 đ/tháng); giá dịch vụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia hàng năm, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn riêng.

Theo bà Phạm Thị Hằng, GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa thì năm nào ngành cũng chỉ đạo rất rõ ràng về các khoản được thu đầu năm. Tuy nhiên một số trường vẫn xảy ra sai phạm là do người đứng đầu không tốt, không chịu đọc hướng dẫn của ngành hoặc có đọc nhưng “bỏ ngoài tai”.

Sở GD&ĐT TP HCM nhấn mạnh, các đơn vị trường học phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh, phải nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản theo thỏa thuận và thu hộ - chi hộ, khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh qua bộ phận tài vụ của trường.

Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên thu - chi các khoản tiền. Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định. Ngoài ra, UBND các quận huyện cũng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra này.

Hầu như tất các các địa phương đều có hướng dẫn thu chi đầu năm, nhưng gần đây, theo phản ánh từ nhiều kênh thông tin, vẫn có những hiện tượng thu sai và lập quỹ không đúng. Điển hình như bức thư do hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) ký, gửi tới phụ huynh về kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập, tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, đề nghị phụ huynh phải đóng các khoản tự nguyện.

Tại trường tiểu học đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), theo phản ánh của phụ huynh: Nhà trường đã thu số tiền mua sách giáo khoa, sách bổ trợ và đồ dùng học tập với giá 734.000 đồng/học sinh dài hai trang A4 với 17 mục.

Trong đó, có rất nhiều đồ dùng học tập như vở ô li, bút chì, hồ khô, phấn, bảng học sinh, hộp đựng phấn, giẻ lau bảng, hộp đựng giẻ lau bảng…

Ngoài ra, số tiền đồng phục bao gồm sơ mi cộc tay, sơ mi dài tay, thể thao cộc tay, thể thao dài tay, áo khoác, mũ, ghế nhựa có tổng là 895.000 đồng. Như vậy, khi chưa vào năm học mới, có phụ huynh đã nộp tổng cộng gần 3 triệu đồng, trong đó có một triệu đồng tiền tạm ứng cơ sở vật chất, gần 2 triệu tiền sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho con.

Câu chuyện khác của một phụ huynh trường tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) về việc mỗi phụ huynh có con vào lớp 1 phải đóng 1,3 triệu đồng để mua bàn, ghế và một số đồ dùng phục vụ dạy, học... cũng khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh, thêm phần lo lắng về các khoản thu đầu năm học.

Hay hiện tượng học sinh cứ vào lớp 1 là sẽ phải đóng một khoản quỹ “xã hội hóa” dành cho việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất. Tiền đóng này không có hóa đơn, không có chứng từ, ngoại trừ chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh vào một quyển sổ của nhà trường. Số tiền sẽ được đầu tư vào việc gì, chi như thế nào, phụ huynh hoàn toàn không biết hoặc chỉ biết sơ sơ qua thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Mới đây, hiệu trưởng trường tiểu học Tân Thành A (xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) bị xử lý vi phạm do để xảy ra tình trạng lạm thu. UBND huyện Bù Đốp đã yêu cầu trường này ngưng tất cả các khoản vận động thu đầu năm học 2018 – 2019 (trừ bảo hiểm y tế theo diện bắt buộc), đề nghị trường thông báo trả lại cho phụ huynh học sinh những khoản đã thu.

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh, thanh kiểm tra công tác thu chi trường học, đặc biệt thời điểm đầu năm học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh kiểm tra khó lòng có thể thực hiện được hết, vì thế, phải có quy định gắn trách nhiệm của hiệu trưởng, nếu lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất là thôi chức vụ, chuyển công tác.

Còn giải pháp gắn trách nhiệm hiện nay chưa triệt để. Như trường hợp của trường tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, kết quả thanh tra đã chỉ ra thu sai nhiều khoản, nhưng hiệu trưởng chỉ bị khiển trách, vẫn dự kiến tái bổ nhiệm 5 năm tiếp theo, dẫn đến việc các phụ huynh, thậm chí giáo viên trong trường rất hoang mang. Chống lạm thu, phải đi cùng với đó là chế tài quyết liệt, xử lý nghiêm người đứng đầu, mới có hiệu quả.

Tác giả: Phan Thủy

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: Chống lạm thu ,khoản thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP