Pháp luật

Chồng bị khép tội hiếp cô hàng xóm, vợ kêu oan

Trong lá đơn dài 4 trang viết tay gửi đi tất cả các cơ quan tố tụng trung ương, chị Lê Thị Hảo (trú tại Tiểu khu 67, Nông trường Mộc Châu, Sơn La) một mực kêu oan cho chồng mình là bị cáo Nguyễn Văn Thắng, bị TAND huyện Mộc Châu tuyên án 7 năm 6 tháng tù vì tội hiếp dâm.

1 CGBE jpg
Nội dung kết luận giám định đầy hoài nghi của Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát).

Người vợ kêu oan cho chồng

Trong đơn chị cho rằng, chồng chị đã bị vu oan hiếp dâm một phụ nữ hàng xóm 25 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Nội dung vụ việc như sau: Tháng 3, năm 2016 gia đình ông Thanh, bà Linh là hàng xóm nghi cho chồng chị quan hệ với con gái họ là Nguyễn Thị Anh dẫn đến có thai. Vợ chồng ông bà Thanh gọi vợ chồng chị Hảo sang nói chuyện và yêu cầu bồi thường nhưng chồng chị kiên quyết từ chối vì khẳng định không quan hệ với con của họ.

Do đó, vợ chồng ông Thanh đã làm đơn gửi đến Công an huyện Mộc Châu tố cáo. Tiếp nhận đơn, Công an huyện Mộc Châu đã tiến hành các bước điều tra. Cụ thể, kết luận giám định pháp y khẳng định, bị hại có thai trên 1 tháng tuổi nhưng đã bị chết lưu. Sau đó, có kết quả giám định kết luận Nguyễn Văn Thắng là cha của thai nhi đã chết lưu.

Tháng 11/2016, Công an huyện Mộc Châu ra quyết định bắt tạm giam Nguyễn Văn Thắng. Ngày 7/3/2017, TAND huyện Mộc Châu tiến hành xét xử công khai (trong thông báo đưa vụ án ra xét xử) nhưng thực chất là xử kín theo đề nghị của phía gia đình bị hại.

Tuy nhiên, theo lời chị trình bày, trong cả quá trình điều tra chồng chị đều không nhận tội. Chị cũng cho biết, chị xác định, nếu đúng chồng chị có tội, chị chấp nhận đền bù nhưng trước sau chồng chị đều không chấp nhận và khẳng định không có quan hệ tình dục với bị hại. Do đó, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc chị đã làm đơn gửi khắp nơi để kêu oan cho chồng mình.

Không những làm đơn kêu oan, gia đình chị đã quyết định đưa con trai đi phân tích ADN để so sánh kết quả gen với dữ liệu gen có trong kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Kết quả, trong số các dữ liệu gen đưa ra để so sánh có tới 4 mẫu gen không trùng khớp.

Trong khi đó, theo nhiều ý kiến của các chuyên gia về di truyền học (gia đình đã tham khảo) thì nếu mẫu ADN của hai người không khớp với nhau từ hai gen trở lên, thì người đàn ông này không phải là cha đẻ của đứa trẻ với độ chính xác 100%. Chưa hết, chị còn khẳng định, các cơ quan tố tụng của Mộc Châu còn cố tình “khép án” để kết tội bằng được chồng chị. Từ đó niềm tin chồng chị bị oan ngày càng tăng lên.

Nhiều điểm mờ trong vụ án…

Theo hồ sơ vụ án, ngày 13/2/2017 Công an huyện Mộc Châu ra kết luận điều tra thì ngày 14/2/2017, VKSND huyện Mộc Châu công bố bản cáo trạng, truy tố Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1972) tội “Hiếp dâm”. Và ngày 21/2/2017, TAND huyện Mộc Châu có quyết định đưa ra xét xử vụ án. Một quá trình điều tra, xét xử thật sự… thần tốc.

Luật sư Lê Văn Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đặt nghi vấn, tại sao một vụ án nghiêm trọng lại được diễn biến nhanh đến thế. Tại sao VKSND huyện Mộc Châu lại không tham gia đúng trình tự và thẩm quyền tố tụng trong vụ án này như không tham gia hỏi cung, không nghiên cứu hồ sơ để tìm ra sự thật khách quan mà vội vàng ra cáo trạng truy tố chỉ sau 1 ngày có kết luận điều tra?

Những nghi vấn về việc cố tình khép án, kết tội càng được dư luận hoài nghi khi chỉ 1 tuần sau khi có cáo trạng, TAND huyện đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. “Phải chăng đây là biện pháp chèn ép gia đình bị can, để họ không có thời gian xoay xở cũng như tìm mọi cách để minh oan cho người thân của mình khi hồ sơ vụ án còn nhiều điều khuất tất”? - Luật sư Nghĩa đặt câu hỏi.

Cụ thể, Luật sư Nghĩa cho biết, trong Kết luận giám định số 1727/C54-TT3 của Viện Khoa học hình sự chứa đựng rất nhiều nghi vấn. Tại sao trong bản kết luận lại chỉ có một tổ hợp gen? Tổ hợp gen này là của ai? Nếu chỉ từ một tổ hợp gen này, không thể kết luận Nguyễn Văn Thắng là cha của thai nhi đã chết lưu được. Đây cũng là ý kiến của một chuyên gia hàng đầu Việt Nam (xin giấu tên) về xét nghiệm, phân tích, giám định ADN.

Theo ông, nếu chỉ có một bảng dữ liệu gen (như trong kết luận giám định - PV) thì không thể kết luận quan hệ huyết thống của họ. Bởi muốn kết luận thì phải có bảng dữ liệu để so sánh, đối chiếu, ít nhất phải có dữ liệu gen của thai nhi và người cha nghi vấn mới có thể đưa ra kết luận chính xác.

Đây cũng chính là mong mỏi của gia đình bị can, cần phải tiến hành giám định lại, phải có bảng biểu cụ thể về dữ liệu gen của bị can để họ và các cơ quan tố tụng có thể so sánh, đối chiếu và tìm ra sự thật vụ án. Chị Hảo khẳng định: “Nếu đúng là chồng tôi phạm tội, cả gia đình tôi chấp nhận gom góp đền bù, bồi thường cho phía gia đình bị hại”.

Ngoài kết luận đầy nghi vấn trên, bản Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự còn khiến nhiều người hoài nghi khi công bố chỉ lưu kiểu gen của người mẹ và người cha nghi vấn mà không lưu kiểu gen của thai nhi? Vậy nếu các cơ quan tố tụng của tỉnh Sơn La có quyết định giám định lại thì có thể so sánh kiểu gen của người cha nghi vấn với mẫu gen nào?.

Tác giả bài viết: Hoàng Tú

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP