Trong nước

Chọn cán bộ dám đương đầu, đột phá

Chiều 28/1, Đại hội Đảng XIII thảo luận, biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên BCH T.Ư Đảng khoá XIII là 200 người, bao gồm 180 Ủy viên Chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Chia sẻ với báo chí, các đại biểu tin tưởng, kỳ vọng vào nhân sự trong nhiệm kỳ mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu ảnh: Như Ý

Lựa chọn cán bộ ưu tú

Trao đổi với báo chí về công tác nhân sự, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, công tác chuẩn bị cho nhân sự trình Đại hội XIII đã được Trung ương Đảng khóa XII triển khai từ rất sớm với cách làm bài bản, thận trọng, dân chủ, khách quan, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân.

“Tôi tin rằng Đại hội XIII sẽ lựa chọn được những đảng viên thực sự ưu tú, đại diện cho trí tuệ, tâm huyết của hơn 5 triệu đảng viên cũng như đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để tham gia vào bộ máy lãnh đạo, đưa đất nước ta phát triển trong giai đoạn tới”, ông Duy bày tỏ.

Đề cập đến việc xây dựng quy chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, ông Duy cho rằng, trong tiến trình đổi mới không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ XII đã đặt vấn đề này và nay đã đưa vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là, Đảng cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về sự phát triển chung của mỗi địa phương và của cả đất nước.

“Chúng tôi là những lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII, để lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”, ông Duy nói.

Chọn được người tài thì nhân dân được nhờ

Cùng trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho hay, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã hết sức chú trọng công tác cán bộ. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định về công tác cán bộ, từ việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh, từ chức danh người cao nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cho đến các chức danh khác.

Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thực hiện quy trình công tác cán bộ làm 5 bước rất chặt chẽ. Lần đầu tiên chúng ta có quy định về chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Có thể nói, những quy định liên quan đến công tác cán bộ đã được triển khai thực hiện hết sức đồng bộ, bài bản. Nhờ đó, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa những quy định này, đồng thời đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nếu chúng ta chọn được người giỏi thì đất nước và nhân dân được nhờ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngoài đánh giá qua hồ sơ, qua quá trình công tác, đạo đức, phẩm chất, Đắk Lắk còn đánh giá bằng giả định “anh vào vị trí ấy thì làm gì và làm như thế nào để ngành, lĩnh vực, địa phương ấy phát triển”.

“Việc này đã tạo ra một hiệu ứng rất là tốt và chúng ta chọn được người thực tài”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định.

Cởi bỏ tâm lý sợ sai

Bày tỏ đồng tình với việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, ông Trần Trung Nhân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai nói: “Trước đây chúng ta thường nghe “3 dám”, là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn tại Báo cáo chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách”.

Theo ông Nhân, dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều. Và quan trọng nói phải đi đôi với làm, đặc biệt là dám đương đầu, dám đột phá. Cái này mới là cái khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết. Như trong dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.

Hơn nữa, theo ông Nhân, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình.

“Dự thảo Báo cáo chính trị đặt ra “6 dám” như đã nêu là “liều thuốc” rất kịp thời giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Nhân nhấn mạnh.

Đại hội thông qua số lượng BCH T.Ư khóa XIII là 200 người

Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng thông tin, chiều 28/1, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) Đảng khóa XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc báo cáo của BCH T.Ư khóa XII về công tác nhân sự BCH T.Ư khóa XIII. Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên BCH T.Ư Đảng khóa XIII là 200 người, bao gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Sau đó, các đại biểu về thảo luận tại Đoàn.

Sáng cùng ngày, Đại hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII. Đã có 13 đại biểu thuộc các đoàn phát biểu ý kiến. Tính đến ngày làm việc thứ ba, đã có 36 ý kiến phát biểu tại hội trường và 788 ý kiến phát biểu tại Đoàn về các văn kiện, với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ.

Tác giả: LUÂN DŨNG - VĂN KIÊN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP