Cộng đồng mạng

Chôm ảnh Facebook bán son 3CE kiếm tiền tỷ ở VN

Đa phần chủ nhân bị ăn cắp ảnh chỉ biết nhắm mắt làm ngơ, đến khi bị ảnh hưởng danh dự và nguy hiểm cho bản thân thì họ mới lên tiếng cầu cứu.

"Được một người bạn thông báo tôi mới biết hình ảnh của tôi xuất hiện trên một fanpage chuyên môi giới mại dâm các phụ nữ lớn tuổi. Tôi thật sự hoảng loạn và cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề", chị Trang ngụ Đồng Nai bức xúc khi hình ảnh của mình bị sử dụng với mục đích xấu.

Chỉ với vài cú click chuột, bất cứ ai cũng có thể tải và sử dụng ngay ảnh của người khác trên Facebook, tùy vào mục đích sử dụng nhưng đa phần là mục đích xấu, trong đó lợi dụng uy tín của cá nhân và ăn cắp sản phẩm sáng tạo để sử dụng cho các trang bán hàng là thông dụng nhất.

Trường hợp anh Trần Hùng, một người chuyên nhập khẩu hàng từ Hàn Quốc gặp phải là một ví dụ cụ thể và đáng báo động cho việc thông tin cá nhân đang bị sử dụng thiếu kiểm soát tại Việt Nam.

Cả nước biết mặt

"Bạn học cũ đã suýt từ mặt tôi sau khi mua phải một bộ son giả trên trang bán hàng Facebook. Lý do là trang này sử dụng trái phép hình ảnh của tôi để chạy quảng cáo, và bạn tôi nghĩ tôi đã lừa cô ấy", anh Hùng bức xúc.

Khoảng tháng 4 năm nay, một fanpage có tên Nguyễn Vũ Minh Tuấn đã trắng trợn ăn cắp hình ảnh cá nhân của anh Hùng chụp cạnh lô mỹ phẩm tại Hàn Quốc và đăng tải chúng.

"Mình đang sinh sống tại Hàn Quốc, thường chuyển hàng bên này về bán, lâu lâu cũng hay chụp hình nhưng không ngờ lại bị ăn cắp thẳng tay như vậy", anh Hùng trình bày về nguồn gốc những tấm ảnh này.

Những tấm hình này được đăng kèm nội dung sặc mùi lừa đảo "bị một người bạn nhờ đặt giúp lô hàng nhưng chỉ mới nhận được 30 triệu tiền cọc trong khi giá trị của nó lên đến 140 triệu đồng".

Hình ảnh anh Hùng được trang này ngang nhiên quảng cáo cho sản phẩm "son 2 tệ".

Trang này có ý bán "thu hồi vốn" với giá chỉ 300.000 đồng cho một bộ 5 cây son. Giới kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến gọi đây là loại "son 2 tệ" (tương đương 7.000 đồng). Theo lời anh Hùng, mức giá này chỉ bằng 1/20 so với hàng chính hãng. Chất lượng của loại son trôi nổi được nhập từ Trung Quốc này cũng tỉ lệ thuận với mức giá của nó.

Theo xác minh của Zing.vn, fanpage này hoạt động từ đầu tháng 4 năm nay, với gần 80.000 lượt tương tác, 15.000 lượt bình luận, 3.200 lượt chia sẻ. Có thể thấy mức độ phủ sóng của nó đã nằm ở phạm vi toàn quốc.

"Theo kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định fanpage này có khả năng bán được 1.000 đơn hàng/ngày. Doanh thu tổng dễ dàng đạt vài tỷ đồng"- anh Lê Minh Hiệp, một người kinh doanh trên Facebook.

Trong một khoảng thời gian dài, mặt hàng son 3CE giả này được rao bán công khai nhiều đến mức nhiều trang thông tin phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng. Cùng với nó là hình ảnh khổ chủ xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo, diễn đàn, hội nhóm mà chính họ cũng bất lực không thể kiểm soát được.

Với từ khóa "son 3CE lừa đảo" trên công cụ tìm kiếm hình ảnh Google, người dùng sẽ ngay lập tức nhìn thấy gương mặt anh Hùng hiện ra trong 10 kết quả đầu tiên.

Nghiêm trọng hơn, "có trang đã đăng tải hình ảnh của tôi và kêu gọi mọi người 'đấm vỡ mặt' nếu bắt gặp tôi ngoài đời", anh Hùng kể về việc tính mạng của mình bị đe dọa. Anh Hùng đã lên tiếng thanh minh, thậm chí là kêu cứu trên các diễn đàn, trang, nhóm bán hàng nhưng vẫn không thể phủ sóng thông tin mạnh mẽ bằng những đối tượng "vung tiền chạy quảng cáo".

Tệ hại hơn, trang này có cách hành xử vô cùng côn đồ. "Một người bạn khác của tôi sau khi mua sản phẩm nhái kém chất lượng này đã khiếu nại với trang bán hàng. Ngay sau đó, trang này đăng tải hình ảnh của cô ấy cùng số điện thoại lên một nhóm chuyên môi giới mại dâm, khiến bạn tôi liên tục nhận được những cuộc gọi khiếm nhã", anh Hùng kể kèm theo tâm trạng bất an.

Ăn cắp ảnh và diễn rất 'sâu'

"Việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác được thực hiện vô cùng chuyên nghiệp. Với tài khoản cá nhân giả mạo, những kẻ lừa đảo sẽ tải ảnh và đăng lên trang với thời gian được cài về quá khứ. Để tăng thêm tính xác thực, những kẻ này không ngại bơm vài trăm like vào", anh Mai Thanh Phú ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM), một người làm dịch vụ Facebook cho biết.

Những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của anh Hùng cũng bị ăn cắp trắng trợn. Dòng mô tả hình cũng không kém phần "diễn sâu". Những kẻ này đặt mình vào đúng tâm trạng của khổ chủ nhằm tăng độ chân thật cho bài viết.

Ngoài ra, "họ sử dụng ứng dụng tự động ẩn bình luận, địa chỉ giả, thường xuyên thay đổi số điện thoại, cho thấy trang này hoạt động có tổ chức và rất chuyên nghiệp", anh Nguyễn Nhân ngụ Đồng Nai phân tích về tính bài bản của trang này.

Các bài đăng có số lượt tiếp cận, tương tác trên phạm vi cả nước.

Không giống trường hợp của anh Hùng nhưng có mức độ phổ biến rộng hơn là tình trạng ăn cắp ảnh sản phẩm mà chị H.Anh ngụ Hà Nội, chủ shop thời trang bikini gặp phải.

"Ảnh do shop đầu tư chụp và rất hài lòng. Vì vậy, shop ngại chèn logo vào vì sẽ mất thẩm mỹ. Lợi dụng sự thoải mái này, các shop khác thản nhiên lưu về và sử dụng", chị Anh kể với tâm trạng bất lực trước tình trạng "sai nhiều thành đúng" hiện nay.

Để có được một bộ ảnh sản phẩm chất lượng, chị H.Anh phải đầu tư trang phục, người mẫu, trang điểm, nhiếp ảnh gia, bối cảnh, hậu kỳ, với chi phí ngót nghét vài chục triệu cho một bộ ảnh. Chứng kiến sản phẩm sáng tạo của mình bị sử dụng trái phép một cách công khai, chị không khỏi chạnh lòng.

Với trang cá nhân, việc báo cáo vi phạm hình ảnh có vẻ khả thi hơn, nhưng với fanpage, mọi chuyện hoàn toàn khác. Các trang này chuyên "bán rác", các mặt hàng giá trị thấp, hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy khi bị báo cáo, họ sẵn sàng bỏ luôn trang đó và tạo một cái mới.

Cách hành xử "Chí Phèo" này ngày càng trở nên thông dụng, đến mức nó được xem là một chuyện bình thường. Hình ảnh trên Facebook cá nhân được xem là "của chung", bất cứ ai cũng có thể sử dụng tùy thích khiến cho chủ nhân của chúng buộc phải nhắm mắt làm ngơ khi đã quá bất lực trước thực trạng đáng buồn này.

Tác giả: Xuân Tiến

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP