Trong nước

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2

Đại học phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, cấm cán bộ bớt xén quà của người bị tạm giữ... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2.

Phạt đến 40 triệu đồng nếu lập hồ sơ giả mạo để chi ngân sách nhà nước

Thông tư 87/2019 của Bộ Tài Chính có hiệu lực từ 1/2 quy định: Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt tiền thấp nhất là 12,5 triệu và cao nhất 40 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ, sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị xử phạt từ 1,5 triệu đến 4,5 triệu đồng...

Cấm cán bộ, chiến sĩ nhận tiền, bớt xén quà của người bị tạm giữ

Thông tư 81/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 12/2.

Theo đó, thông tư nêu rõ cán bộ, chiến sĩ tại các cơ sở tạm giam, tạm giữ không tự ý tiếp xúc để lợi dụng vay, mượn, xin, mua, bán hoặc nhận tiền, quà biếu hoặc bớt xén quà của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào thông tư.

Thông tư này thay thế cho quy định đang áp dụng và được Bộ Công an ban hành từ 22 năm trước.

Đại học buộc phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp

Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hành trong xưởng của trường. Ảnh: Dương Tâm

Nghị định 99/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/2 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nêu rõ, các trường Đại học phải chịu trách nhiệm trước người học về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trường đại học còn phải công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử các nội dung: Sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học; các quy chế, quy định nội bộ; quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp...

Lương lái xe, công nhân xây dựng cao nhất 280.000 đồng một ngày

Công nhân xây dựng tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long. Ảnh: Bá Đô

Thông tư 15/2019 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 15/2 đã quy định mức lương của công nhân xây dựng, lái xe, vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát xây dựng.

Theo đó, với vùng I: Mức lương cao nhất là 280.000 đồng một ngày; vùng II cao nhất 260.000 đồng; vùng III cao nhất 246.000 đồng và vùng IV là 237.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, với bậc Kỹ sư cao cấp, chủ nhiệm dự án ở khu đô thị, thành phố lớn lương cao nhất 800.000 đồng một ngày.

Đưa vật thể nhiễm sinh vật làm lây lan dịch bị phạt đến 30 triệu đồng

Nghị định 04/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 18/2 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ, kiểm dịch thực vật.

Về lĩnh vực thú y, nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối hành vi: Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại từ vùng công bố dịch sang vùng khác làm lây lan dịch, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên nhưng không đến mức khởi tố. Quy định hiện hành người vi phạm chỉ bị phạt từ 6 đến 12 triệu đồng.

Tác giả: Bá Đô

Nguồn tin: Báo Vnepress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP