Pháp luật

Chiếc kính mắt đặc biệt vạch mặt 2 tên sát nhân tìm kiếm ý tưởng "phạm tội hoàn hảo"

Bị ám ảnh bởi ý tưởng “phạm tội hoàn hảo”, 2 sinh viên xuất sắc tại trường Đại học Chicago (Mỹ) đã gây án mạng. Vụ án mạng xuất phát từ việc bắt cóc một cậu bé 14 tuổi để tống tiến.

Nathan Leopold (trái) và Richard Loeb (phải)

Toàn bộ vụ án được dựng lên như một trò chơi giải trí, thử thách trí tuệ của 2 sinh viên đang buồn chán, không biết làm việc gì. Họ rất thích thú với ý tưởng phạm tội, đồng thời liên tục thay đổi, chọn lọc kỹ càng hành động để nó trở thành một tội ác hoàn hảo.

Lá thư tống tiền

Thứ tư, ngày 21-5-1924, Bobby Franks (14 tuổi) đang trên đường đi bộ về nhà, bỗng nhiên một chiếc xe ô tô đỗ lại trước mặt, nhìn thấy người quen trên xe, Bobby không chần chừ chui vào và chiếc ô tô tiếp tục lăn bánh.

Đến bữa ăn tối, Bobby vẫn chưa về nhà, cũng không gọi điện cho bố mẹ - ông Jacob và bà Flora Franks. Anh trai và chị gái của Bobby là Jack và Josephine không biết em mình đang ở đâu. Jack đoán rằng có thể Bobby mải chơi tennis ở Loebs. Nhưng khi ông Jacob đến sân tennis Loeb cũng không hề thấy bóng dáng con trai đâu. Trong khi bà Flora gọi điện cho các bạn học của Bobby thì ông Jacob liên lạc với Samuel Ettelson, luật sư gia đình đồng thời cũng là một người bạn, để hỏi xem bây giờ nên làm gì.

Ettelson và Jacob cùng nhau tìm kiếm toàn bộ khu vực ngôi trường nhưng vẫn không thấy Bobby. Cùng lúc đó, bà Flora ở nhà nhận được cuộc điện thoại của người đàn ông tự xưng là Johnson nói rằng: “Con trai bà đã bị bắt cóc. Cậu bé vẫn ổn. Tin tức này sẽ được thông báo vào buổi sáng”. Bà Flora ngất đi cho đến khi chồng và luật sư Samuel trở về. Sáng hôm sau, ông Jacob và Samuel đã báo cảnh sát.

Cặp kính Nathan Leopold rơi tại hiện trường vụ án mạng

Gia đình Franks là cư dân của vùng Kenwood, một khu phố giàu có ở Chicago. Họ sống khá khép kín và ông Jacob kiếm được nhiều tiền từ việc kinh doanh cửa hiệu cầm đồ. Buổi sáng hôm sau, trong tâm trạng rối bời, gia đình Franks nhận được một bức thư với thông điệp đặc biệt:

“Thưa ông,

Chắc đến bây giờ ông đã biết con trai mình bị bắt cóc. Và chúng tôi cam đoan rằng thằng bé vẫn khỏe và an toàn, vì thế ông có thể yên tâm. Nếu ông còn muốn thằng bé trở về lành lặn thì hãy làm theo những chỉ dẫn của chúng tôi. Tất nhiên, nếu ông làm trái lời thì cái chết của con trai sẽ là một hình phạt dành cho ông.

1. Không được báo cho cảnh sát biết hay bất kỳ cá nhân, cơ quan nào. Nếu cảnh sát đã biết việc con trai ông mất tích thì tuyệt đối không được đề cập đến lá thư.

2. Trước buổi chiều gửi 10.000 USD. Số tiền gồm có các tờ giấy bạc được chia nhỏ thành 2.000 USD mệnh giá 20 USD, 8.000 USD mệnh giá 50 USD. Số tiền phải là tiền cũ. Nếu trong đó có lẫn tiền mới thì sẽ được hoàn trả lại…”.

Bức thư được ký tên George Johnson và ngoài ra hắn còn bảo đảm rằng nếu số tiền được gửi đi theo đúng như chỉ dẫn thì Bobby sẽ trở về một cách lành lặn, an toàn. Trong khi Jacob chạy đi chuẩn bị tiền thì Samuel gọi điện cho thanh tra cấp cao ở Văn phòng Cảnh sát Chicago.

Nathan Leopold và Richard Loeb tại tòa

Xác chết bên hồ

Trong lúc gia đình Frank đang lo lắng tột cùng thì họ nhận được tin từ một nhà báo địa phương có thâm niên điều tra về các vụ mất tích cho biết, người dân phát hiện xác một bé trai chết ở cống nước gần hồ Wolf. Nhà báo này đã gửi bản mô tả hình dạng của nạn nhân cho ông Jacob Frank vì nghĩ rằng đó có thể là Bobby. Không chần chừ, em rể nhà Frank lập tức đến hiện trường để kiểm tra.

Trong khi gia đình Frank cử người đi nhận dạng đứa trẻ, ở nhà chuông điện thoại vang lên. Luật sư Samuel nhấc máy và nghe thấy giọng nói: “Tôi là George Johnson. Tôi đã gọi một chiếc taxi của Hãng Yellow cho ông. Hãy đến cửa hàng thuốc ở 1465 phố East Sixty-third”. Vị luật sư tường thuật lại cuộc nói chuyện điện thoại cho Jacob cùng lời nhắn. Nhưng vì trong lúc hoảng loạn, cả 2 người đàn ông bỗng dưng quên mất địa chỉ chính xác mà tên bắt cóc thông báo.

Tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Nhưng lần này là cậu em rể, một tin buồn mà không ai muốn đón nhận song cuối cùng cũng xảy ra, đứa trẻ bị chết đó không ai khác chính là Bobby Franks.

Xác chết đứa trẻ được tìm thấy tại cống nước gần hồ Wolf và đường ray xe lửa. Một số nhân viên đường sắt đã phát hiện và đưa một cậu bé không mảnh vải che thân từ dưới nước lên. Không tìm thấy quần áo của Bobby ở khu vực xung quanh, nhưng cảnh sát khám nghiệm hiện trường tìm thấy một chiếc kính mắt hình dáng khá đặc biệt. Tổ khám nghiệm còn phát hiện vết thương nhỏ ở bên trái và phải đầu nạn nhân, cùng với vết thương bị chảy máu và thâm tím, có thể do một vật dụng cùn lưỡi gây ra. Một số hóa chất được tìm thấy trên mặt và dương vật của nạn nhân, trong khi trực tràng bị giãn nở.

Manh mối từ chiếc kính

Sở Cảnh sát Chicago giao vụ án cho Thanh tra Robert E. Crowe (45 tuổi). Ông này được biết đến là một người kiên quyết không chịu nhượng bộ. Có thể nói đây là một người có thể giải quyết tốt nhất trường hợp của gia đình Frank đang vướng phải.

Thứ sáu, ngày 23-5, hai ngày sau vụ án mạng, Richard Loeb, một sinh viên đẹp trai (19 tuổi) của một trường đại học ở Chicago đồng thời là hàng xóm của gia đình Franks đề xuất gia đình cố gắng xác định lại địa chỉ hiệu thuốc mà tên bắt cóc đã hướng dẫn đồng thời mang theo số tiền chuộc. Cuối cùng, họ tìm thấy hiệu thuốc Van de Bogert & Ross và xác nhận rằng đã có hai cuộc gọi tới hỏi ông Jacob. “Đúng là nơi này rồi!”, câu nói đầy hứng khởi của Richard khi tìm được ra.

Phóng viên Mulroy hỏi Richard liệu anh ta có biết ai ra tay giết hại thằng bé. Cậu sinh viên 19 tuổi trả lời có, sau đó cười và nói rằng: “Nếu có ý định giết ai, tôi cũng sẽ tìm những đứa vênh váo, đáng ghét như Bobby Franks”.

Thế nhưng, việc tìm ra hiệu thuốc Van de Bogert & Ross cũng không giúp tìm được thủ phạm. Thanh tra Robert E. Crowe lục lại toàn bộ hồ sơ vụ án và chú ý đến ngay cặp kính tìm thấy tại hiện trường. Nó là cặp kính dành cho những người chuyên làm công tác nghiên cứu, mắt kính tròn to, dày và khớp nối của gọng kính rất đặc biệt, hiếm gặp ở các chiếc kính thông thường.

Ngay khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát hỏi thăm người quản lý khu vui chơi săn bắn quanh hồ Wolf, họ phát hiện một người khách thường xuyên đến khu vực này đó là Nathan Leopold (19 tuổi), chuyên nghiên cứu về các loài chim. Lập tức Nathan được triệu tập về văn phòng cảnh sát để điều tra. Nhưng không hề có chứng cứ nào kết luận Nathan dính líu đến vụ án.

8 ngày sau vụ giết người xảy ra, cảnh sát có một phát hiện cực kỳ quan trọng. Khớp nối của chiếc kính tìm được ở hiện trường không được bán với số lượng nhiều, chỉ có 3 chiếc trong khu vực Chicago. Một trong những người sở hữu chiếc kính đó không ai khác chính là anh chàng nghiên cứu các loại chim, Nathan Leopold. Cảnh sát tập trung tìm hiểu về Nathan Leopold được biết, Nathan đã tốt nghiệp trường đại học ở Chicago và đang có ước mơ trở thành luật sư. Theo kế hoạch đã vạch ra, năm sau anh ta sẽ thi vào trường luật Harvard.

Theo đánh giá của cảnh sát, Nathan hội tụ tất cả những yếu tố mà họ nghi ngờ về hung thủ, là một con người có học thức để viết được một tờ tống tiền có nội dung sắc sảo và Nathan Leopold là bạn thân của Richard Loeb. Bằng kinh nghiệm trong nghề, thanh tra Crowe đã triệu tập và hỏi cung một cách gay gắt, buộc Richard nói ra sự thật.

Trong khi đó, không để Richard biết rằng cảnh sát cũng đang thẩm vấn Richard Loeb. Lúc đầu, chàng thanh niên vẫn nói dối quanh theo đúng như “kịch bản” đã vạch sẵn. Sau khoảng hơn 2 tiếng đấu tranh, cuối cùng Richard cũng chịu khai nhận sự thật. Nathan Leopold cùng với Richard Loeb lên kế hoạch bắt cóc và giết chết Bobby Franks hết sức tỉ mỉ. Chúng dùng tên giả thuê xe rồi bắt Bobby đưa đến gần hồ Wolf dìm chết, rồi sau đó vẫn bày mưu lấy tiền chuộc của gia đình Franks.

Hai năm sau, Nathan Leopold và Richard Loeb đã bị kết án tù chung thân. Trong thời gian ở tù, Richard bị một người bạn tù giết hại vào năm 1936. May mắn hơn, Nathan được trả tự do vào năm 1958. Sau khi ra tù, người đàn ông này chuyển tới Puerto Rico sinh sống và bị chết sau một cơn đau tim vào năm 1971.

Tác giả: Hoàng Tiến

Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP