Pháp luật

Chế giễu người sinh con một bề, bạn sẽ bị phạt

Xin hỏi theo quy định của pháp luật, những hành vi nào bị cấm trong chính sách về dân số? (Độc giả: Đặng Hùng Tân)

Nghiêm cấm xúc phạm người sinh con một bề

Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh dân số 2003 (sửa đổi, bổ sung 2008), các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm:

- Cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình;

- Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;

- Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành;

- Di cư và cư trú trái pháp luật;

- Tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội;

- Nhân bản vô tính người.

Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 như sau:

“Điều 9: Nghiêm cấm các hành vi cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình, bao gồm:

1. Đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc toàn con gái.

2. Ép buộc, áp đặt sử dụng biện pháp tránh thai, mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái.

3. Gây khó khăn cho người tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai.

Điều 10: Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm:

1. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi.

2. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, ....

3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Điều 11: Nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp một số phương tiện tránh thai, bao gồm:

1. Phương tiện tránh thai không đúng tiêu chuẩn chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Phương tiện tránh thai kém chất lượng đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng, kiểm định và kết luận bằng văn bản.

3. Phương tiện tránh thai quá hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc tuy chưa quá hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, nhưng đã có thông báo không được tiếp tục sử dụng của cơ quan có thẩm quyền.

4. Phương tiện tránh thai chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành ở Việt Nam.

Điều 12: Nghiêm cấm một số hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số, bao gồm:

1. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số trái đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số không chính xác, sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện công tác dân số, đời sống xã hội và các lĩnh vực khác.

3. Lợi dụng tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình để phát tán tài liệu, vật phẩm hoặc có các hành vi khác trái với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.”

Nếu phạm vào những hành vi nghiêm cấm nói trên có thể bị xử lý vi phạm theo điều 34 Nghị định này:

Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP