Trong nước

Chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều vấn đề nóng

Hôm nay (6/6), Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiều vấn đề nóng được cử tri, người dân và dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Như Ý

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo đại biểu Quốc hội một số vấn đề về giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Quốc hội.

Các trường tự xác định mức học phí

Về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo ông Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập; Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.

Sau 3 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học thí điểm thành công, có sự phát triển, lan toả, giúp toàn hệ thống giáo dục đại học chuyển biến tích cực theo hướng: nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng hoạt động, tiến tới tự chủ đại học.

Tuy nhiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Số lao động trong độ tuổi lao động có trình độ đại học không có việc làm khoảng 200 ngàn người. Tuy nhiên, theo ông Nhạ, nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ không quá lớn, chủ yếu làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động.

Một trong những giải pháp được ngành hướng tới là đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học, các trường tự xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành, vùng đặc thù để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…

Rà soát, đánh giá đội ngũ giáo viên

Về nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giải pháp được hướng tới là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật.

Thực hiện phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.

Đổi mới phương pháp và hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả theo hướng đánh giá năng lực học sinh, từng bước nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, cung cấp thông tin phản hồi để điều chỉnh hoạt động dạy học.

“Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (các năm 2015, 2016, 2017) được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và được xã hội đồng thuận”, ông Nhạ cho hay.

Cùng với đó là việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn còn đang được đánh đồng với kết quả tiếp thu kiến thức, kỹ năng làm bài của học sinh mà chưa chú trọng đến việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn chưa được quan tâm đúng mức thông qua tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục.

Theo bộ trưởng, tới đây sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, Phần lớn học sinh, sinh viên là những công dân có đạo đức tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; có đạo đức, lối sống văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh. Đồng thời, biết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống như: Đua đòi ích kỷ, thực dụng, thiếu trung thực trong học tập, rèn luyện, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; vô lễ với cha mẹ, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo và người lớn tuổi; có những học sinh vi phạm pháp luật, tham gia cờ bạc, tệ nạn xã hội. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Cụ thể, năm học 2017-2018, tổng số vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức và vụ việc giáo viên bị xúc phạm là 29, trong đó có 23 vụ việc do giáo viên vi phạm và 06 vụ việc giáo viên bị xúc phạm.

Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP