Xã hội

Chàng trai Nghệ An tìm được cha sau hơn 30 năm đi lạc

Việc ly tán năm xưa khiến Lâm trở thành đứa trẻ bụi đời, còn người cha cũng đổ vỡ hôn nhân.

Bao nhiêu năm qua, gia đình chỉ tồn tại trong ký ức của Lâm. Đó là một người bố tên Phương đi buôn gỗ, người mẹ tên Thuận ở nhà trồng bắp, một chị gái tên Hoài và một đứa em nhỏ. Nhà cậu ở trên một ngọn đồi, gần đó có một con sông, bên sông là một con đường. Trước ngày đi lạc, Lâm hay được nghe bài hát chế "Quỳ Châu đá đỏ", nhưng cậu không biết địa danh đó có liên quan gì đến khu vực mà mình đã sống hay không.

Vào khoảng năm 1987, lúc mới 6 tuổi, một hôm cha đi bè, cậu ra nhà một người cô. Rồi thấy một chiếc ôtô đậu ngoài đường, cậu leo lên xe chơi, không ngờ xe nổ máy, chở cậu đi luôn. Lâm ra đến Vinh, lang thang một thời gian ngắn ở đây. Nghe mọi người khuyên vào Nam dễ kiếm sống hơn, Lâm lên tàu rồi bắt đầu cuộc đời trên sân ga Sài Gòn.

Được người này người khác cưu mang, nhưng chưa lần nào Lâm có một gia đình nuôi cả, tên của cậu bị thay đổi liên tục và giấy tờ tùy thân không có. Khi mới lớn lên, vì giao du với đám bạn không tốt, Lâm dính vào một vụ đánh nhau lớn trên sân ga và phải cùng chịu án tù.

Lâm kể: "Em lúc nào cũng nhớ cha. Vào tù càng nhớ hơn. Nhưng thế cũng là may mắn cho em, vì vào tù nên em mới được xem ti vi, mới được biết đến chương trình tìm người thân".

Lâm luôn nhớ đến cha kể từ khi lạc nhà. Ảnh: NCHCCCL.

Năm 2014, ra tù, Lâm đi bộ từ Vũng Tàu vào TP HCM, nhờ một người bạn đưa đưa đến văn phòng của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đăng ký tìm người thân. Lúc đó, cậu chưa biết tên thật của mình là Lâm, chỉ nhớ ngày bé, mình được gọi là Tài Thiên. Cuộc tìm kiếm cha của cậu tưởng như vô vọng khi đội tìm kiếm của chương trình đã rà soát địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An), thậm chí mở rộng ra mấy xã huyện Quỳ Hợp có sông đi ngang, sang cả vùng núi Thanh Hóa đều không thấy gia đình ông Phương bà Thuận.

Trong khi đó, việc đi lạc của con trai đã khiến cuộc sống của ông Phương bị xáo trộn. Ông đã chia tay bà Thuận (thực ra là mẹ kế của Lâm) vì nghĩ bà ruồng rẫy con trai riêng của chồng khi ông đi làm xa. Ông đi tìm con khắp nơi, đâu có tin là đến, nhưng không lần nào gặp đúng con cả.

Sau vài năm, không chịu được cảnh mất con, ông bỏ vào Đà Nẵng làm thuê. Lập gia đình mới, có thêm hai con nữa, ông vẫn đau đáu: "Từ giờ đến khi chết, nhất định tôi phải tìm ra tin tức về Lâm. Nhưng mò kim đáy bể, tôi hết cách rồi! Không biết con tôi có còn sống không!", ông Lâm tâm sự với ekip Như chưa hề có cuộc chia ly đầu năm 2018. Đến với chương trình này là cách cuối cùng của ông sau 30 năm tự một mình tìm con.

Hai bố con vô tình cùng tìm đến một đầu mối. Khi mọi bằng chứng cho thấy ông Phương chính là bố của Lâm: gia đình cùng ở vùng núi Nghệ An, người bố cùng đi bè buôn gỗ, Tài Thiên là một tên gọi của người Thái, ông Phương cũng là người Thái... thì một vấn đề xuất hiện: Lâm đã đổi số điện thoại và địa chỉ mà cậu dùng từ 2014.

Mãi đến tháng 8/2018, qua một tấm hình của Lâm được đăng trên facebook, chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ ở quận 3, TPHCM chợt thấy quen quen và nhớ ra đó chính là người đàn ông làm nghề kẻ biển quảng cáo, thường xuyên đến uống cà phê buổi sáng ở quán gần nhà mình. Theo nhận xét của chị Thanh, Lâm là một chàng trai tính tình hiền lành, nhưng do có thời gian sống lang thang tụ tâp cùng bạn xấu nên cũng bị ảnh hưởng. Chị thông báo đến đội tìm kiếm.

Ngày nhận được thông báo: "Cha em cũng đang tìm em đấy!", Lâm khóc nghẹn. Sau 4 năm đăng ký tìm cha, tháng 9/2018, Lâm đã được gặp ông. Lúc này cậu cũng vừa mới lập gia đình. Trước ngày cha vào Sài Gòn, Lâm đi vay 150 nghìn đồng để mua quần áo mới cho vợ.

Cha con ông Phương và Lâm lần đầu gặp nhau sau hơn 30 năm thất lạc. Ảnh: NCHCCCL.

Lâm đã dẫn cha đi từng góc phố quanh quán cà phê, là nơi mà suốt tuổi thơ và tuổi thanh niên, Lâm đã nằm hiên, kiếm sống, nhờ cậy mọi người để sống, và đã nên hư, phạm tội. Ông Phương nhất định đưa con trai và con dâu về sống với mình để chăm sóc.

Khi vợ chồng Lâm về quê, ông Phương cho họ một ngôi nhà cũ, sống gần họ hàng. Giữa tháng 12, vợ Lâm sinh con trai, mang họ ông nội. Lâm đã xin gà giống về nuôi. Có điều cuộc sống này quá khác biệt so với cuộc sống gần 30 năm trên sân ga, Lâm lại vừa đưa vợ con rời quê, dù cha và mẹ kế vô cùng yêu thương ba thành viên trong gia đình nhỏ của Lâm.

Từng kết nối cho nhiều gia đình lạc nhau, nhà báo Thu Uyên chia sẻ chị thấy buồn vì hậu đoàn tụ, không hẳn gia đình nào cũng hạnh phúc, dù cả hai bên đều thiết tha gặp nhau. Bởi việc thất lạc lâu ngày khiến người trong cuộc thường mang nhiều cảm giác chông chênh, nhiều số phận bị rẽ theo hướng khó khăn hơn rất nhiều.

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP