Kinh tế

Chân dung ứng viên Tổng giám đốc Tập đoàn PVN Lê Mạnh Hùng

Ông Lê Mạnh Hùng vừa được giới thiệu giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thay thế ông Nguyễn Vũ Trường Sơn là người từng có 12 năm kinh nghiệm công tác tại vị trí quản lý trong ngành dầu khí.

Ông Lê Mạnh Hùng được giới thiệu làm Tổng giám đốc PVN

Ngày 18/4, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự chức danh thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN, thay thế ông Nguyễn Vũ Trường Sơn vừa từ chức.

Theo một số thông tin, người được giới thiệu để bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc PVN là ông Lê Mạnh Hùng, hiện đảm nhận chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN.

Sau khi hoàn thiện xong quy trình giới thiệu nhân sự và được thông qua tại hội nghị này, Hội đồng thành viên PVN sẽ có tờ trình nhân sự chức danh Tổng giám đốc lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để thực hiện các quy trình tiếp theo, trước khi PVN công bố chính thức quyết định bổ nhiệm.

Ông Lê Mạnh Hùng sinh ngày 24/10/1973, quê Hưng Yên. Ông có trình độ chuyên môn là kỹ sư công nghệ tổng hợp hóa dầu và hữu cơ, tiến sĩ chuyên ngành hóa dầu và xúc tác hữu cơ.

Ông Hùng có nhiều năm công tác trong ngành dầu khí. Từ năm 2000, ông làm kỹ sư công nghệ tại Công ty liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt Nga; Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC); Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Năm 2006, ông được điều động sang Văn phòng Chính phủ làm cán bộ Vụ Dầu khí. Sau đó một năm, ông trở lại PVN làm phó trưởng ban chế biến dầu khí.

Đến năm 2009, ông được bầu làm phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh hóa dầu Long Sơn, trưởng Ban QLDA Cụm khí điện đạm Cà Mau. sau đấy, vào năm 2011 ông được bầu làm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC).

Ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ năm 2013 đến nay.

Trong quá khứ, ông Lê Mạnh Hùng từng được biết tới với vai trò người chỉ huy thực hiện Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau và quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Kết quả, sau hơn một năm kể từ khi đi vào vận hành, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiến tới đạt mốc sản xuất, kinh doanh 1 triệu tấn phân urê hạt đục vào cuối tháng 7/2013.

Ngày 19/4, trao đổi với Nhadautu.vn, một lãnh đạo PVN cho biết, khi có quyết định đối với chức danh Tổng giám đốc, Tập đoàn PVN sẽ công bố chính thức.

Tác giả: KHÁNH AN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP