Trong nước

Chặn đứng chuyện luân chuyển 'ngược đời'

Ngày 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, trong đó có nội dung quan trọng được đặc biệt chú ý: “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”.

Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ sẽ chấn chỉnh công tác cán bộ trong Đảng. Ảnh minh hoạ: Internet

Có thể nói, thông tin này ngay lập tức đã tạo ra làn sóng dư luận đồng tình ủng hộ rộng rãi. Trên các trang mạng xã hội, không chỉ cán bộ, đảng viên, mà đông đảo quần chúng nhân dân, người Việt trong nước và ở nước ngoài, đều thể hiện sự phấn khởi, tán thành.

Có thể ví, “Quy định số 98-QĐ/TW” lập tức được chờ đón như thể chờ đón cánh cửa rất cần thiết để đóng lại một “lối đi” trong công tác tổ chức cán bộ gây nên nhiều bức xúc, trái nghịch, trớ trêu lâu nay. Đó là tình trạng một số cán bộ địa phương bị xử lý kỷ luật thường được điều động lên làm việc ở Trung ương.

Tương tự, công tác ở cấp xã bị kỷ luật lại điều động lên làm ở cấp huyện, cán bộ cấp huyện bị kỷ luật lại tìm cách chuyển về cấp tỉnh. Tức là một người làm việc ở cấp dưới nếu bị kỷ luật, năng lực yếu, bằng cách nào đó, một thời gian sau họ được điều động, luân chuyển lên làm việc ở cấp trên. Rõ ràng, đây là chuyện trái nghịch, ngược đời, vì một số lý do thường rất dễ nhận thấy như sau:

Trước hết, đã gọi là “cấp trên” tức đã xác nhận đó là cấp cao hơn. Mà đã là cán bộ làm việc ở cấp cao hơn thì đương nhiên là cả trên trực tế công việc lẫn trong cái nhìn, trong yêu cầu đòi hỏi của đảng viên và của người dân thì cán bộ đó bao giờ cũng phải ở tầm cao hơn cán bộ cấp dưới.

Yêu cầu cao hơn ở đây không chỉ là về cấp bậc, chức vụ, địa vị, mà còn là cao hơn về uy tín, về năng lực, về kiến thức, trình độ, nhân cách, đạo đức…

Một người đang công tác bình thường, năng lực bình thường ở cấp dưới nếu được điều chuyển lên cấp trên đã là sự không bình thường. Ấy vậy mà, chẳng những làm việc ở cấp dưới, mà lại còn “bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”, vẫn cứ điều lên cấp trên thì rõ ràng là chuyện ngược đời.

Chuyện ngược đời do điều động cán bộ bị kỷ luật ở cấp dưới lên cấp trên còn gây ra nhiều chuyện ngược đời khác. Đó là khi đã lên làm ở cấp trên, theo chức năng nhiệm vụ, lại phải đi chỉ đạo cấp dưới.

Lúc này không chỉ khó cho chính ông cán bộ ở cấp trên từng bị kỷ luật, mà còn khổ cho cấp dưới. Ông cán bộ cấp trên vì từng bị kỷ luật nên về uy tín, về danh dự, chắc chắn không thể nói là không bị ảnh hưởng. Khi tiếp xúc với cấp dưới, làm việc với cấp dưới, nhất là chính đơn vị cấp dưới nơi cán bộ đó từng “dính” phải kỷ luật, thì thật là khó ăn khó nói vô cùng.

Rồi với cấp dưới cũng vậy, lẽ ra họ phải được một người cao hơn, giỏi hơn, thành công hơn hoặc có nhiều kinh nghiệm thành công, thì lại phải nghe, phải tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ một người từng bị kỷ luật, từng “làm không tròn vai” ở cấp dưới. Cứ như ông cha từng nói thì “dù có nói hay, nói giỏi bằng trời thì cũng chẳng ai nghe”.

Trong thực tế, có những chuyện cười ra nước mắt. Ấy là việc một số cơ quan khi bị yêu cầu phải tiếp nhận người bị kỷ luật ở cấp dưới về nhận việc, cả cơ quan đều phản đối. Ấy vậy mà, phản đối mặc phản đối, vẫn cứ phải nhận. Để rồi, cảnh “bằng mặt mà không bằng lòng” chắc hẳn khó tránh. Trong công việc, trong cuộc sống, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”.

Rồi nữa, có những vị, sau khi bị kỷ luật ở cấp dưới chuyển lên cấp trên, chẳng khác gì trở thành người tự kỷ. Ít giao lưu, ít quan hệ, sống quảng đời còn lại ở cơ quan mới mà chẳng khác gì chỉ là chỗ để/bị “thu dung”, để chờ hưu.

Trong bối cảnh bộ máy cồng kềnh, nhiều cơ quan vốn đã ít việc sẵn, nay lại sinh thừa người. Chẳng thế mà đây đó tình trạng thừa cán bộ lãnh đạo, thiếu chuyên viên, nhân viên làm việc. Nhiều nơi không đủ chức danh chính thức để bố trí thì bố trí “hàm”, như “hàm thứ trưởng”, “hàm vụ trưởng”…

Trong khi yêu cầu cải cách hành chính ngày càng cao, đòi hỏi của công việc hàng ngày trong thời kỳ hội nhập toàn diện và sâu rộng ngày bức bách, vậy mà trong cơ quan đơn vị vẫn có những người “đủng đà đủng đỉnh”.

Trong khi công việc hàng ngày đòi hỏi mỗi vị trí phải thức sự năng nỗ, tả đột hữu xung như “quân xe, quân pháo”, thì lại có người luôn ở vị trí như thể “bánh xe số 5” - bánh xe sơ cua, cho đến hết đời.

Chẳng may mà người cán bộ từng bị kỷ luật lại có tính cách ương ách, ẩm ương, thì thực là trong cơ quan hết khổ, tình trạng này có người ví là “đó rách ngáng trộ”.

Ở khía cạnh khác, việc điều chuyển cán bộ “bị kỷ luật” từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác… đều cho thấy thiếu tính răn đe, thiếu sự nghiêm khắc. Bởi như thế có nghĩa là dù bị kỷ luật vẫn cứ có việc làm, thậm chí bị kỷ luật nhưng lại có cảm giác như thể “được lên chức”, “được lên cao”.

Do đó, dễ tạo ra những tiền lệ xấu là tình trạng làm ẩu, làm sai ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng. Một tâm lý rất dễ nảy sinh đó là “có gì mà phải sợ, cùng lắm là bị kỷ luật”. Mà bị kỷ luật thì lại được… “đi lên”.

Vậy cho nên, thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân, thật chẳng khác gì “nắng hạn gặp mưa rào”.

Quy định 98-QĐ/TW có nhiều nội dung quan trọng, trong đó nội dung “không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển” thực sự là một nội dung mà “ý đảng” rất hợp với “lòng dân”.

Quy định này đưa vào cuộc sống thành công sẽ chặn đứng được tình trạng “ngược đời”, gây ra bao “nghịch cảnh”, trì trệ, gây ra nhiều bức xúc, phân tâm, không chỉ làm xói mòn niềm tin giữa dân với Đảng, mà làm ảnh hưởng đến niềm tin ngay trong nội bộ Đảng.

Do đó, có thể tin tưởng rằng Quy định 98-QĐ/TW, sẽ là một trong những biện pháp, giải pháp quan trọng về công tác tổ chức để góp phần tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tác giả: Ngô Kiên

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP