Thế giới

Chấm dứt đồng loã việc lấy nội tạng cấy ghép từ tử tù Trung Quốc

Lần đầu tiên trên thế giới, một nhóm nghiên cứu đã kêu gọi rút lại hơn 400 bài báo khoa học về cấy ghép nội tạng trong bối cảnh lo ngại rằng các nội tạng này đã bị lấy một cách phi pháp từ các tù nhân Trung Quốc.

Tác giả chính của nghiên cứu cho rằng, các tạp chí, các nhà nghiên cứu và bác sĩ đang đồng loã với việc mua bán nội tạng một cách man rợ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cho rằng các tạp chí y khoa tiếng Anh đang không thực hiện các quy tắc đạo đức nghiên cứu quốc tế.

Lần đầu tiên trên thế giới, một nhóm nghiên cứu đã kêu gọi rút lại hơn 400 bài báo khoa học về cấy ghép nội tạng trong bối cảnh lo ngại rằng các nội tạng này đã bị lấy một cách phi pháp từ các tù nhân Trung Quốc.

Nghiên cứu do các nhà khoa học người Úc dẫn đầu này cho thấy hàng loạt của các tạp chí y khoa tiếng Anh không tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế nhằm đảm bảo rằng việc cấy ghép nhận được sự đồng ý của người hiến tặng.

Nghiên cứu được công bố hồi cuối tháng 1/2019 trên tạp chí y khoa BMJ Open. Giáo sư về đạo đức lâm sàng Wendy Rogers – tác giả chính của nghiên cứu cho rằng, các tạp chí, các nhà nghiên cứu và bác sĩ đang đồng loã với việc mua bán nội tạng một cách man rợ.

“Chẳng có áp lực nào đặt ra với những người đứng đầu nghiên cứu để mọi thứ được minh bạch hơn” – giáo sư Rogers tới từ ĐH Macquarie, Sydney cho hay. “Dường như ai cũng nghĩ rằng ‘đó chẳng phải việc của tôi’. Sự im lặng của thế giới với vấn đề man rợ này cần phải dừng lại”.

Một báo cáo vào năm 2016 cho thấy sự khác biệt lớn giữa số ca cấy ghép nội tạng chính thức do chính phủ Trung Quốc báo cáo so với số ca cấy ghép được báo cáo bởi các bệnh viện.

Chính phủ nước này thì cho rằng, 10.000 ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm, trong khi dữ liệu từ các bệnh viện là từ 60.000 đến 100.000 ca. Báo cáo cũng cung cấp các bằng chứng cho thấy sự chênh lệch này là do một số lượng lớn nội tạng được lấy từ các tù nhân đã bị tử hình.

Năm 2017, quốc hội châu Âu đã đưa ra một tuyên bố lên án nạn lấy nội tạng từ các tù nhân, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc phải chấm dứt tình trạng này.

Giáo sư Rogers và nhóm của bà đã tập hợp tất cả các tài liệu nghiên cứu báo cáo về những người nhận nội tạng của Trung Quốc được công bố trên các tạp chí y khoa tiếng Anh từ tháng 1/2000 đến tháng 4/2017. Tuy nhiên, 99% những nghiên cứu này không báo cáo về việc người hiến tặng có đồng ý hay không. 19 nghiên cứu khẳng định rằng không có bộ phận cơ thể nào từ các tù nhân tử hình được sử dụng từ trước năm 2010 khi chưa có chương trình hiến tạng tình nguyện ở Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu theo dõi tiến trình của cộng đồng cấy ghép nội tạng nhằm ngăn chặn hành vi nghiên cứu phi đạo đức.

Năm 2017, tạp chí y khoa uy tín Liver International buộc phải rút lại một bài báo khoa học của các bác sĩ phẫu thuật người Trung Quốc – những người đã kiểm tra kết quả của 564 ca ghép gan trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một bệnh viện không thể nào có nhiều lượng gan có thể sử dụng được đến như vậy dựa trên con số rất ít ỏi người hiến tặng ở Trung Quốc thời điểm đó, đặc biệt là hầu hết những lá gan này lại được lấy từ những người hiến tặng ngừng tim – những đối tượng mà chỉ có 1/3 trong số họ là đủ điều kiện cấy ghép. Điều đó có nghĩa là số gan được đề cập trong nghiên cứu không khớp với số bệnh nhân đã chết và tình nguyện hiến tặng ở Trung Quốc.

Nghiên cứu của giáo sư Rogers phát hiện ra rằng, ngay cả Tạp chí Cấy ghép Mỹ và tạp chí chính thức của Hiệp hội Cấy ghép – nơi có chính sách cấm các nghiên cứu phi đạo đức liên quan tới tù nhân xử tử - cũng từng xuất bản những bài báo đáng nghi ngờ.

Bài báo này kết luận: “Cộng đồng cấy ghép không thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức về việc cấm xuất bản nghiên cứu sử dụng các tư liệu từ các tù nhân tử hình.

“Kết quả là, một phần lớn các nghiên cứu phi đạo đức đã được công bố hiện vẫn đang tồn tại, đặt ra những câu hỏi về sự đồng loã mang tính quy mô”.

“Chúng tôi kêu gọi rút lại ngay lập tức tất cả các bài báo dựa trên việc sử dụng các bộ phận cơ thể từ những người tù bị tử hình và mở một hôị nghị quốc tế nhằm phát triển các chính sách trong tương lai để xử lý các nghiên cứu về cấy ghép của Trung Quốc”.

“Chỉ có những hướng dẫn đạo đức nghiên cứu mà không thực hiện chúng là chưa đủ” – giáo sư Rogers nhận định.

Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ dừng sử dụng nội tạng của các tù nhân xử tử, tuy vậy không có bất cứ quy định hay điều luật mới nào được đưa ra. Các nhóm nhân đạo, trong đó có Amnesty International đã lên tiếng cảnh báo rằng hoạt động này vẫn đang được tiếp tục.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Phiên toà độc lập về việc lấy nội tạng tù nhân Trung Quốc đã đưa ra một báo cáo tạm thời, trong đó viết: “Các thành viên của phiên toà đều nhất trí và chắc chắn rằng việc Trung Quốc thu giữ nội tạng không được phép từ các tù nhân đã được thực hiện trong một thời gian dài và liên quan đến một số lượng lớn các nạn nhân”.

Báo cáo đầy đủ của phiên toà dự kiến sẽ được công bố vào năm 2019.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP