Giáo dục

Cha mẹ ở đâu khi con bị xâm hại?

“Giả sử đứa trẻ có cha, mẹ đi cùng thì việc đó đã không xảy ra với em ấy. Như vậy rất cần nêu đến vai trò của gia đình, rõ hơn chính là cha mẹ trong việc bảo vệ con em mình” - bà Trần Thị Kim Thanh.

Sáng 5-4, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) đã tổ chức hội thảo về chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường trên địa bàn TP.HCM với sự tham dự của giáo viên, ban lãnh đạo từ 50 trường tiểu học, THCS, phòng GD&ĐT, phòng LĐ-TB&XH thuộc 24 xã/phường tại bốn quận của TP.

Bắt trẻ học giỏi cũng là xâm hại

Trao đổi tại hội thảo, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, thuộc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng đứng trước hầu hết vụ việc xâm hại trẻ em, dư luận xã hội dường như quên vai trò quan trọng của cha mẹ, của gia đình trong cuộc chiến bảo vệ con trẻ.

Theo bà, chỉ đơn cử trong những vụ việc bé gái bị xâm hại gây xôn xao dư luận gần đây, đã thấy rõ sự thiếu vắng của người làm cha, làm mẹ và những người thân khác trong việc bảo vệ con mình.

“Giả sử đứa trẻ có cha, mẹ đi cùng thì việc đó đã không xảy ra với em ấy. Như vậy, rất cần nêu đến vai trò của gia đình, rõ hơn chính là cha mẹ trong việc bảo vệ con em mình” - bà Thanh nói.

Thêm vào đó, bà cho rằng nhà trường đang thật sự thiếu sự giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh (HS). Cho nên trong những tình huống bị xâm hại hầu như các em chỉ biết đứng im chịu đựng. Và các HS càng không biết phương pháp tự vệ, chống trả hay tố giác hành vi xâm hại. Mặt khác, ngay cả các bậc cha mẹ cũng đã làm hạn chế việc học hỏi kỹ năng sống của chính con em khi bắt các em phải học thêm quá nhiều, làm các em không còn thời gian để tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân. Thậm chí việc bắt con trẻ chạy đua theo thành tích “HS giỏi” đã khiến nhiều cha mẹ áp dụng các hình thức “kỷ luật trừng phạt” với trẻ. Đây là một hình thức xâm hại về cả tinh thần và thân thể trẻ, có thể để lại những hậu quả nặng nề.

Nữ sinh Đào Thị Yến Nhi bày tỏ sự hài lòng tại hội thảo khi em được nhà trường lắng nghe và giải tỏa áp lực tâm lý. Ảnh: T.PHƯƠNG

Học sinh được bảo vệ ngay từ việc không đi nhà vệ sinh dơ

Cũng trong cuộc khảo sát của SCI ở góc độ bạo lực học đường, có đến gần 30% HS trả lời đã từng bị hình thức kỷ luật từ giáo viên, cán bộ nhà trường. Nhưng cũng có gần 47% HS trả lời đã báo cáo lại thầy cô, ban giám hiệu về những hành vi bạo lực đã xảy ra với bản thân. Đây được coi là một dấu hiệu đáng mừng khi các em đã chủ động lên tiếng bảo vệ chính bản thân và bạn bè.

Tuy nhiên, trước tỉ lệ cao HS bị kỷ luật từ phía thầy cô, đặc biệt khoảng thời gian gần đây, các vụ việc thầy cô lạm dụng roi đòn như một phương pháp kỷ luật chủ yếu, nặng nề với HS thì biện pháp “kỷ luật tích cực” do SCI kêu gọi áp dụng tại các trường thí điểm được xem là làn gió mới để xây dựng môi trường bảo vệ HS khỏi hành vi xâm hại cho dù các em có phạm lỗi.

Trước phương pháp giáo dục mới, thầy Bùi Thanh Phú, Trường Tiểu học An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), nêu quan điểm trong biện pháp kỷ luật tích cực, điều cần nhất là cái tâm của các thầy cô, cần phải đủ kiên nhẫn để cảm hóa HS bằng tình thương, phân tích những điều đúng sai để HS hiểu và làm theo chứ không phải là sự trừng phạt hay cấm đoán.

“Kỷ luật HS để giáo dục và trừng phạt bằng bạo lực có ranh giới rất mong manh, nếu không cẩn thận người dạy rất dễ xâm hại đến HS. Giáo viên nên giáo dục HS bằng phương pháp để lại những ấn tượng đẹp nhất cho các em sau này” - thầy Phú chia sẻ.

Theo em Đào Thị Yến Nhi, HS lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp), nữ sinh này hài lòng khi những phản ánh của em và các bạn lên ban giám hiệu nhà trường được lắng nghe và giải quyết ổn thỏa. “Từ đó, chúng em không còn phải bịt mũi đi trong nhà vệ sinh rất dơ hay không còn bị giáo viên kiểm tra 15 phút đột xuất khiến chúng em bị điểm kém. Chúng em cảm thấy không còn áp lực tâm lý, việc học tập cũng tốt hơn” - Yến Nhi cho hay.

Quy tắc không tiếp xúc một mình với trẻ

Cần thiết có một chuẩn quy tắc bắt buộc người lớn không được tiếp xúc một mình với trẻ em nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại. Các bậc cha mẹ cũng nên giáo dục con mình không nên tiếp xúc với người lạ khi trẻ chỉ có một mình.

Ông VƯƠNG ĐÌNH GIÁP, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI)

Tác giả: Trúc Phương

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: xâm hại ,bố mẹ ,học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP