Cộng đồng mạng

Cảnh sát "chào thua" mạng xã hội trong phát hiện chống bạo động, tội phạm

"Không một phương tiện truyền thông nào nhanh hơn chính người dân đăng tải lên mạng xã hội". Đây là nội dung một phân tích cho thấy mạng xã hội đang nắm giữ vai trò quan trọng trong công tác chống bạo động, tội phạm trên thế giới.

Mạng xã hội đang đóng một vai trò quan trọng trong phát hiện các hoạt động chống phá, bạo động và tội phạm.

Công nghệ thông tin, Internet, và các dịch vụ trực tuyến đang thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách "chóng mặt", và đóng góp một phần quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, điển hình trong đó là công tác chống bạo động, tội phạm trên thế giới.

Mới đây, một nghiên cứu của trường Đại học Cardiff đã chỉ ra rằng mạng xã hội, trang blog, hay các nguồn live-stream trên mạng Internet có thể được sử dụng như một phương pháp phòng chống bạo động, khủng bố hay các hành vi phạm pháp vô cùng hiệu quả.

Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã tạo ra thuật toán phát hiện sự kiện được sử dụng trên mạng xã hội, mà cụ thể ở đây là Twitter, có liên quan tới thời gian đăng tải, vị trí địa lý, hoặc các từ khóa liên quan của các dòng tweets.

Thật đáng ngạc nhiên, nhóm nghiên cứu đã khám phá ra rằng họ đã có thể lập bản đồ các sự kiện như bạo động hay các hoạt động tội phạm trong thời gian thực dựa trên dữ liệu này, thay vì chậm hơn từ năm phút đến một giờ khi Cảnh sát nhận được thông tin.

Dòng tweet được một người dùng đăng tải hơn 1 tiếng đồng hồ trước khi cảnh sát nắm bắt tình hình.

Một trong những thí dụ được nêu ra là sự kiện bạo loạn diễn ra ở Enfield Borough, Anh ngày 7/8/2011. Lúc bấy giờ, các dòng tweet cảnh báo về vụ cháy và cửa sổ bị đập vỡ trong khu vực đã được đăng tải từ hơn một giờ trước khi cảnh sát nhận được báo cáo.

Barnap, đại diện của nhóm nghiên cứu lập luận rằng phương thức dự đoán này có thể được sử dụng để giúp các lực lượng chức năng kịp thời ứng phó và triển khai các chiến dịch khẩn cấp trước khi mối đe dọa kịp leo thang.

"Chúng tôi cho rằng mọi người thường có xu hướng chia sẻ những sự cố mà họ chứng kiến lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhanh hơn nhiều so với việc quay số và gọi 999 (số điện thoại cứu hộ) trong một số trường hợp. Do đó nếu có thể thu thập và tóm tắt các báo cáo từ mạng xã hội, các đơn vị cảnh sát sẽ sớm nhận được thông tin hơn và kịp triển khai các phương án cần thiết", ông cho biết.

Mạng Facebook cũng nhiều lần tham gia ngăn chặn, phát hiện tội phạm bằng cách được người dùng đăng tải.

Hồi tháng 12/2016, mạng xã hội Facebook cũng từng góp công ngăn chặn và phát hiện tội phạm trong vụ đối tượng Nguyễn Thành Dũng hành hạ dã man một em bé 2 tuổi người Campuchia. Đoạn video clip ghi lại cảnh tượng này đã được một nhân chứng phát hiện, sau đó tung lên Facebook, và ngay lập tức tạo ra "cơn địa chấn".

Từ đây, một kế hoạch triệt phá đường dây ấu dâm, lạm dụng trẻ em được Cảnh sát Hoàng gia Campuchia xác lập, khiến nhiều đối tượng tình nghi bị lộ diện và bị bắt. Tại Việt Nam, đối tượng Nguyễn Thành Dũng bị cộng đồng người dùng Facebook truy tìm rất gắt gao và kẻ này đã bị các trinh sát thuộc C45B, Bộ Công an bắt giữ vào tối ngày 7/12/2016.

Qua đó, có thể thấy rằng chức năng kết nối, chia sẻ thông tin của mạng xã hội đang ngày một đóng vai trò quan trọng trong công tác chống tội phạm nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, người dùng cần cảnh giác với những thông tin giả mạo, sai lệch, có nội dung xuyên tạc từ các hoạt động chống phá, làm mất uy tín của Đảng, Chính quyền.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP