Trong nước

Cán bộ nhận quà Tết: Có ai trả lại nếu giá trị quá lớn?

Người biếu và người nhận quà ở nơi kín đáo, khó bị tố cáo, phát giác nên cũng chẳng mấy ai tự nguyện báo cáo với tổ chức về việc này.

Biếu, tặng quà Tết tinh vi, kín đáo hơn

Trong Chỉ thị về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 mới ban hành, một lần nữa, Ban Bí thư yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Tiếp đó, ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35, trong đó cũng nghiêm cấm nội dung này.

Trong nhiều năm trở lại đây, cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị, nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp.

Mặc dù nội dung không mới, nhưng câu chuyện biếu, tặng quà “sếp” vẫn làm nóng dư luận, bởi nét văn hóa của người Việt hiện nay ít nhiều đã bị biến tướng khi nhiều người lợi dụng dịp này để biếu tặng những món quà có giá trị vật chất lớn nhằm mục đích vụ lợi. Quà giá trị lớn vượt trên mức tình cảm đơn thuần chỉ là sự khởi đầu, sau đó là những lợi ích có qua có lại và biết bao điều gian dối tiếp theo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), hiện nay gần như không còn thấy xuất hiện cảnh nhiều người xếp hàng “rồng rắn” xe cộ, quà cáp lỉnh kỉnh đến cơ quan hay nhà riêng của cấp trên, vì làm như vậy rất phản cảm.

“Trước sức ép của dư luận xã hội, bây giờ người ta tặng quà và nhận quà rất kín đáo bằng nhiều hình thức khác nhau. Họ không đưa “túi to”, “túi nhỏ” vì dễ bị phát hiện mà có những cách tặng quà kín đáo hơn như “phong thư”, hiện vật có giá trị lớn ... Thay vì đến cơ quan, giờ họ đến nhà riêng, quán cà phê, nhà hàng; thay vì tặng trực tiếp cho sếp, họ chọn cách đưa cho vợ, con, hoặc người thân lãnh đạo. Vì vậy, việc tố cáo, phát giác cũng khó thực hiện được”- đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu thực tế.

“Người tặng quà có khi không dùng tiền ngân sách để mua quà biếu lãnh đạo thì làm sao tố cáo họ được”- ông Phạm Văn Hòa nói, đồng thời cho rằng, khó xác định, phân biệt được đâu là tặng quà nhằm mục đích vụ lợi, cơ hội, lợi ích nhóm để xử lý vì vốn dĩ việc này khó phát hiện.

Từ lâu, Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh các trường hợp có dấu hiệu nhận, biếu tặng quà trái quy định hoặc các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, song 1 năm chỉ xử lý được một vài trường hợp.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2019 chỉ có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng; năm 2020 có 3 người nộp lại quà 31,8 triệu, 1 cơ quan nhận quà 210 triệu đồng; năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 350 triệu đồng.

Lý giải về sự “khiêm tốn” của con số thống kê, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, người biếu – nhận kín đáo, khó bị tố cáo, phát giác được nên cũng chẳng mấy ai tự nguyện báo cáo với tổ chức về việc này. Hơn nữa, người nhận không muốn nộp lại quà tặng cho tổ chức vì không muốn bị nghi ngờ, nên thường chọn giải pháp im lặng. Ngược lại, có thể người nhận bị phát hiện, thấy “ngột ngạt” trong người nên mới báo cáo tổ chức. Do vậy, việc phát hiện tặng quà sai quy định lâu nay vẫn đang phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của cán bộ, công chức, viên chức.

“Việc tặng quà ở nơi kín đáo như ở nhà riêng, nơi vắng người… thì chỉ có người biếu, người nhận mới biết rõ chứ người ngoài làm sao biết được. Do đó, rất hiếm có chuyện nộp lại quà tặng, trong khi thực tế quan hệ giao tiếp, việc biếu, tặng quà không phải ít” – ông Hòa nói.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, rất khó để phát hiện, tố giác việc cán bộ nhận quà trái quy định và tâm lý xã hội cũng e dè việc này. Bên cạnh đó, bản thân người nhận quà cũng không dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”.

Biết rõ món quà nào mang “mùi vị” vụ lợi, không trong sáng

Theo ông Lê Quý Đức, tặng quà trong các dịp lễ, Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Quà tặng thể hiện tình cảm quý mến, sự trân trọng, biết ơn, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"..., do vậy, đòi hỏi mỗi người phải ứng xử hết sức văn hóa.

PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Tuy nhiên, việc biếu tặng quà hiện nay đã biến tướng, nhuốm màu tiêu cực, lồng ghép trong đó là sự mua chuộc, hàm ơn…Do đó, việc Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo, trước hết là nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn sự liêm chính, tránh xảy ra tiêu cực trong nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Theo ông, không có người nhận thì sẽ không có người biếu. Nếu lãnh đạo kiên quyết không nhận thì cấp dưới cũng không thể đưa. Hơn nữa, bản thân người nhận cũng cần nâng cao ý thức, bản lĩnh và có thái độ ứng xử trong việc nhận quà. Những món quà mang “mùi vị” vụ lợi, không trong sáng thì người nhận phải nhận thức được để có ứng xử cho phù hợp.

Bà Trần Thị Dung – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, để tránh sự biến tướng trong việc biếu, tặng quà dịp lễ, Tết, điều này phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người nhận. Bởi giá trị món quà sẽ nói lên tính chất của việc đưa quà và bất cứ ai cũng có thể nhận thấy sự vụ lợi, tiêu cực trong những món quà giá trị cả trăm triệu đồng.

“Quan trọng là người nhận, họ không thể không biết hình thức, mục đích mà người biếu đưa. Họ biết rõ ràng đây là quà biếu chứ không phải là không biết. Dù bất kỳ dưới hình thức nào, dù quà biếu là vật chất, là tiền bạc, là những thứ có giá trị thì người nhận đều biết rõ. Không có chuyện vô can, không biết đó là quà biếu” – bà Trần Thị Dung cho biết.

Bà Trần Thị Dung – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đánh giá cao việc Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ hàng năm đều ra Chỉ thị cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc này góp phần nâng cao ý thức giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm nêu gương, hạn chế những biến tướng, tiêu cực xảy ra làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống.

“Cùng với việc hiện nay Đảng và Nhà nước đang quyết liệt đưa những vụ án tham nhũng, kinh tế ra xét xử, thì việc ban hành quy định cấm tặng quà lãnh đạo dịp Tết sẽ nhắc nhở cán bộ cần cân nhắc trước khi quyết định nhận hay không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi, tiêu cực” - bà Dung nói./.

Tác giả: Đức Minh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP