Du lịch

Cấm thuyền kayak trên vịnh Hạ Long từ 1.5: Du khách buồn lòng, doanh nghiệp sốc

Các doanh nghiệp hoạt động tour và phục vụ du khách tham quan vịnh Hạ Long “khá sốc” trước việc TP.Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 29.3 ban hành văn bản số 2195/UBND về việc dừng mọi hoạt động dịch vụ chèo kayak trên vịnh Hạ Long kể từ ngày 1.4.2017. Động thái nêu trên cũng là để siết chặt quản lý loại hình chèo kayak vốn có từ nhiều năm nay được chính quyền sở tại cho là bất cập, gây mất an toàn và chưa có phương án phê duyệt của cơ quan chức năng.

Khách du lịch luôn ưa thích chèo kayak trên vịnh Hạ Long.
Dừng để siết lại hoạt động?

Theo lý giải của TP.Hạ Long: Số lượng kayak hoạt động trên vịnh Hạ Long do các tàu du lịch nghỉ đêm khai thác hiện đang phát triển nhanh chóng, trong khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này chưa có phương án hoạt động phê duyệt. Hiện đội tàu tham quan chuyến và nghỉ đêm trên biển khá hùng hậu với 533 chiếc, trong đó có gần 200 tàu nghỉ đêm.

Theo ước tính, trên vịnh Hạ Long mỗi ngày có vài trăm chiếc kayak được các du khách sử dụng tham quan các điểm. Theo cơ quan quản lý, việc tổ chức kinh doanh dịch vụ chèo kayak không thực hiện niêm yết giá hoặc không thực hiện theo giá đã niêm yết, có biểu hiện “chặt chém” khách du lịch, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch trên vịnh. Theo đó TP.Hạ Long đã ban hành văn bản 2195/UBND về việc dừng mọi hoạt động dịch vụ chèo kayak trên vịnh Hạ Long ngay từ 1.4. Một lý do khác được đưa ra là các chủ tàu tự ý kinh doanh thuyền kayak dẫn tới khả năng làm giảm số lượng thuyền viên theo biên chế cố định có mặt thường trực trên tàu.

Một số doanh nghiệp (DN) có tàu cho rằng, đây là một trong những dịch vụ cung cấp cho khách nghỉ đêm trên tàu, không hề thu thêm bất kỳ khoản tiền nào khi khách chèo thuyền kayak. “Việc cấm sử dụng thuyền kayak sẽ khiến chúng tôi khó có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng đến với du khách hạng sang (khách Châu Âu) lưu trú trên vịnh. Hiện giờ khách chỉ lên tàu ngắm cảnh, thăm hang động để rồi sau đó... đi ngủ” - một đại diện DN bức xúc. Tuy nhiên, một DN có lượng tàu nghỉ đêm chất lượng cao lại cho đây là thời điểm phù hợp để siết lại quản lý hoạt động này. Chủ DN này cho rằng, dịch vụ chèo kayak trước nay khá lộn xộn, không có quy định vùng, điểm hoạt động không rõ ràng và tiềm ẩn mất an toàn cho du khách...

Điều quan ngại là, việc dừng đột ngột loại hình chèo kayak của TP.Hạ Long dù không rõ trong bao lâu sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với mục tiêu phát triển cả loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tham quan đẳng cấp như Quảng Ninh đang từng bước hướng tới. Bởi đối tượng bị ảnh hưởng không chỉ là DN, mà là những vị khách có điều kiện đến từ các nước Châu Âu và Mỹ sẵn sàng bỏ ra 200-300 USD/môt ngày đêm đi nghỉ và hưởng thụ dịch vụ trên vịnh, chứ không phải là những vị khách đến từ thị trường Trung Quốc.

Nơi “bóp chặt”, nơi thả lỏng

Một đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long nhìn nhận: “Tỉnh Quảng Ninh đang thiếu một chiến lược thực sự về tổng thể phát triển vịnh Hạ Long. Phải xem lại phát triển dịch vụ trên vịnh ra sao, chứ hiện tại nhiều thứ đang ngày càng teo lại vì bị cấm”(?). Theo vị này, đã là du lịch vịnh đẳng cấp thì phải có nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí song hành và có những sản phẩm xứng tầm.

Khách du lịch Châu Âu luôn ưa thích chèo kayak trên vịnh Hạ Long

Trước đó, vào ngày 7.9.2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo sẽ chấm dứt việc kinh doanh ăn uống trong các hang động Hạ Long trước ngày 30.9.2016. Xung quanh việc cấm đoán này nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, việc cấm nấu ăn phục vụ du khách trong các hang động trên vịnh nhằm bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường. Nhưng nhiều DN lại cho đó là sự hạn chế của cơ quan quản lý khi làm triệt tiêu một loại hình dịch vụ tạo ra sự khác biệt, đẳng cấp mà chưa có điểm du lịch nào trên thế giới áp dụng.

Cũng trong năm 2016, vịnh Hạ Long liên tục xảy ra một số vụ cháy tàu. Đứng trước nguy cơ tái diễn, tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra lệnh cấm đối với dịch vụ phục vụ nấu ăn trên các tàu du lịch tham quan. Trong một cuộc họp bàn, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, các tàu hoạt động theo tiếng, dài nhất cũng chỉ từ 4-5 giờ, khách có thể mang đồ ăn nhẹ, không nhất thiết phải nấu nướng trên tàu. Lý do đưa ra là, việc nấu nướng từng là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy tàu du lịch do rò bình gas... Nhưng lý do trên xem ra không thuyết phục vì trong cuộc họp “khẩn” vào trung tuần tháng 2.2017, đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh nêu rằng: 12 tàu cháy từ năm 2014 đến nay đều là dạng tàu lưu trú, không có tàu chạy tiếng. Nguyên nhân đa phần đều bắt nguồn từ sự cố về điện và không phát hiện kịp thời.

Điều quan ngại, như một số chủ DN có tàu hoạt động du lịch trên vịnh thổ lộ: Đang có “làn sóng” dịch chuyển hoạt động kinh doanh về phía Cát Bà (Hải Phòng) do Quảng Ninh ngày càng “siết chặt” quản lý cũng như các hoạt động về dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Ngược lại, phía Hải Phòng “âm thầm” đón nhận các DN du lịch một cách thoải mái, không hạn chế hoạt động dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn trang bị cho tàu du lịch và nghỉ đêm ở khu vực đảo Cát Bà.

Từ 1.4, thăm vịnh Hạ Long phải mua vé trọn tuyến

Từ hôm nay (1.4), du khách đi thăm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long sẽ phải mua vé trọn tuyến, thay vì mua từng cảnh điểm như trước đây. Với phương án này, nếu du khách đi trọn tuyến giá sẽ rẻ hơn, đồng thời không phải mua quá nhiều loại vé, trong khi góp phần giúp các cơ quan chức năng hạn chế được thất thu, quay vòng vé. Trước ngày 1.4, khi đi tham quan vịnh Hạ Long ban ngày, ngoài phí tham quan chung 120.000 đồng/lượt/người, du khách phải trả phí ở mỗi điểm tham quan thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/lượt/người, tùy từng cảnh điểm. Với cách tính mới, mức phí được áp dụng theo 5 tuyến tham quan trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long từ 200.000 - 250.000 đồng/tuyến; phí tham quan theo tuyến và lưu trú nghỉ đêm trên vịnh (1 hoặc 2 đêm) dao động từ 500.000 - 750.000 đồng/người. Theo cách tính này, nếu du khách đi trọn tuyến (gồm từ 3-6 điểm tham quan), tổng số tiền phải trả thấp hơn phương án cũ.

Theo một lãnh đạo UBND TP.Hạ Long, theo phương án cũ, thăm điểm nào mua vé điểm đó sẽ mất rất nhiều thời gian đợi chờ để mua vé; chưa kể phát sinh chi phí quản lý nhà nước do phải có một đội ngũ bán vé tại các điểm và chi phí in ấn vé. Phương án mới cũng giúp cơ quan chức năng chống được chuyện thất thu, quay vòng vé. Dù mức phí tham quan tính theo phương án mới thấp hơn, dự kiến tổng thu phí thăm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long năm nay vẫn sẽ tăng thêm khoảng vài chục tỉ đồng so với khoảng 707 tỉ đồng của năm 2016.
NGUYỄN HÙNG

Tác giả bài viết: TRẦN NGỌC DUY

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP