Cộng đồng mạng

Cách 9X xin việc khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa

Mới đây một đoạn hội thoại nhỏ được đăng tải trên fanpage rất đông thành viên đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề xin việc của người trẻ và thái độ của nhà tuyển dụng.

Được biết, câu chuyện kể về chuyện xin việc của một bạn trẻ sinh năm 1998. Sau khi nhìn thầy tin tuyển dụng, bạn 9X này đã nhắn tin tới fanpage của một cửa hàng trà sữa để hỏi rằng cửa hàng có đang tuyển nhân viên hay không.

Nhưng thay vì trả lời "có" hoặc "không" thì admin của trang đó lại bảo rằng bạn trẻ kia phải xem lại cách xưng hô khi đi xin việc.

- Bạn ơi, bên mình có tuyển nhân viên không ạ?

- Bạn sinh năm bao nhiêu?

- Mình 98 ạ!

- Thứ nhất, bạn nên xem lại cách xưng hô khi đi xin việc.

- ???

Đoạn hội thoại gây nhiều tranh cãi.

Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một bên thì rất bức xúc khi cho rằng admin của fanpage trà sữa kia đã quá quá quắt khi bắt một bạn trẻ chỉ mới nhắn tin hỏi có tuyển dụng hay không, phải biết cung cách xưng hô, trong khi bạn trẻ kia làm sao biết người nhận được tin nhắn của mình là ai và bao nhiêu tuổi.

Trích bình luận của người dùng mạng có tên D.D comment: "Chả biết bên kia là trai hay gái, già trẻ như nào thì xưng hô "mình" là quá lịch sự rồi còn gì. Sao tự dưng lại hằn học người ta thế".

Một bạn khác thì nói với vẻ cay cú: "Chả lẽ vào phải chào ông chào bà, chào cha chào mẹ, xưng "con" rồi hỏi mới được sao?

Mà vô lý cái là người ta chỉ mới hỏi có tuyển hay không chứ đã phải phỏng vấn hay email xin việc các kiểu đâu. Đúng là sống sao cho vừa lòng người không biết".

Nhiều người cho rằng nhà tuyển dụng đang quá "bố đời".

Tuy nhiên bên cạnh đó, một bạn có nick T.T.M.H lại cho rằng: “Tối thiểu đi xin việc tôn trọng nhà tuyển dụng là gọi anh (chị) cho em hỏi. Nếu cái đó mà cũng không biết thì cũng không nên đi xin việc làm gì? Ở đây nhiều bạn nói biết thế nào mà xưng hô, nhưng khi đi xin việc " bạn ơi cho mình hỏi " là không bao giờ tuyển rồi.”

Bên cạnh đó người dùng này cũng cho rằng nhà tuyển dụng này chưa khéo khi trả lời ứng viên quá “thô” như vậy: “Nhà tuyển dụng không có gì sai, nhưng ứng xử chưa khéo, có thể nói " bên anh (chị) còn tuyển, mời em gửi CV hoặc hồ sơ... Cách nói này vừa nhắc nhở được cách xưng hô lại vừa không ảnh hưởng đến uy tín của mình”.

Hay như bạn có nick N.T cũng đồng ý với quan điểm chủ quán không sai mà bạn xin việc còn quá “non”. Không những thế còn cho rằng những bạn cười cợt, “chửi hụi” chủ quán đang quá bầy đàn:

“Hầu hết mấy bạn 9x và các bạn không làm ngành dịch vụ sẽ thấy bạn 98 lịch sự và bạn chủ xéo xắc. Còn mấy bạn làm ngành dịch vụ lâu năm và đặc biệt là mấy anh chị gần 30 thì sẽ thấy bạn 98 sai. Mình xin phép không bàn luận ai đúng ai sai mà chỉ xin tạm trích một câu nói (quên ai nói): "Khi bạn chưa có địa vị xã hội thì chẳng ai quan tâm đến cái tôi của bạn làm gì". Riêng đối với mấy bạn thích áp đặt văn hoá nước ngoài lên văn hoá châu Á, và tự xem văn hoá tây là văn minh bình đẳng tiến bộ, thì tôi xin thưa với các bạn rằng, một công dân toàn cầu văn minh là một người biết tôn trọng sự khác biệt văn hoá, biết nhập gia tuỳ tục, và ý thức được rằng không văn hoá nước nào văn minh hơn nước nào”.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận vẫn chưa đến hồi ngã ngũ:

Trong câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cả hai đều có cái sai của riêng mình. Cái sai mà ai cũng nghĩ là mình đúng. Thế nhưng cũng từ câu chuyện ấy cũng gợi ra nhiều suy ngẫm. Phải chăng con người nên mở rộng tầm nhìn, mạnh mẽ nhìn thẳng vào sai lầm để đứng dậy mạnh mẽ hơn thay vì chỉ trích, đổ lỗi cho người khác? Và phải chăng những người quản lý hãy dạy bằng tâm thế góp ý, nhẹ nhàng dễ thương chứ đừng cực đoan, dạy đời kiểu "thứ nhất abc", "thứ hai xyz"? Vì suy cho cùng, ai chẳng có một thời tuổi trẻ, chẳng có những giây phút nông nổi chưa nghĩ sâu mà vấp váp.

Tác giả: P.V
Nguồn tin: Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP