Trong tỉnh

Các nhà máy ở Nghệ An: Làm gì trước cảnh báo ngộ độc bếp ăn công nhân?

Hiện nay, ý thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và hoạt động bếp ăn tập thể đã được nâng cao; hầu hết các cơ sở đều chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc vẫn còn khi có nhiều đơn vị mắc lỗi trong chính nhận thức về đảm bảo ATVSTP...

Còn nhiều nguy cơ

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra ATVSTP trong bữa ăn tại Nhà máy may của Công ty cổ phần May Minh Anh - Đô Lương. Ảnh tu liệu

Những năm gần đây, Nghệ An đã xảy ra một số vụ ngộ độc tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp. Số vụ tuy không nhiều nhưng số người mắc lại rất lớn, tiêu biểu có thể kể đến như: Ngày 8/1/2015, hàng trăm công nhân Công ty may mặc Nam Sung Vina, xã Diễn Hồng (Diễn Châu) bất ngờ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đi ngoài, chóng mặt. 206 công nhân đã phải nhập viện cấp cứu tại bệnh viện huyện và các trạm xá gần đó.

Sau 1 ngày điều trị tích cực, các công nhân bị ngộ độc đã bình phục. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thức ăn để chuyển ra phòng xét nghiệm tuyến Trung ương tiến hành phân tích, tìm nguyên nhân.

Các đầu bếp chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ ở Trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh với sự giám sát của phụ huynh. Ảnh tư liệu Hồ Phương

Ngày 1/4/2017, tại Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) xảy ra 01 vụ ngộ độc tập thể, 50 công nhân phải nhập viện điều trị.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã tiếp cận và điều tra thực tế tại bếp ăn và lấy 12 mẫu xét nghiệm (trong đó: 07 mẫu thức ăn, 02 mẫu sữa, 01 mẫu cam, 01 mẫu nước uống và 01 mẫu nước dùng chế biến thức ăn) và 16 mẫu không khí. Các mẫu này sau đó được gửi cho các phòng xét nghiệm trong nước.

Hướng dẫn thực hiện mô hình điểm cho Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Thanh Sơn

Ngày 22/5/2017, tại Nhà máy may Hitexvina, Công ty TNHH HI-TEX (Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa) xảy ra vụ ngộ độc khiến 70 người phải nhập viện.
Trước đó, bếp ăn của Nhà máy may từng 2 lần bị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An và UBND thị xã Thái Hòa yêu cầu dừng hoạt động do chưa đủ các điều kiện an toàn thực phẩm.

Những vụ ngộ độc tập thể này phần lớn đều do vi sinh vật và một số vụ khác lại không rõ nguyên nhân. Không rõ nguyên nhân là do bếp ăn tập thể không thực hiện lưu mẫu thức ăn - căn cứ để cơ quan chức năng xác định. Như vậy, rõ ràng để xảy ngộ độc tập thể chính là do các bếp ăn thiếu ý thức bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn.

Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An

Trong 2 năm 2018 - 2019, Nghệ An không để xảy ra một vụ ngộ độc tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp nào. Tuy nhiên không phải vì thế mà nguy cơ ngộ độc đã được triệt tiêu. Từ ngày 19/2 - 9/4/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn. Chi cục đã tiến hành kiểm tra 28 cơ sở và xử phạt 2 cơ sở với tổng số tiền 16 triệu đồng.

Bữa cơm dinh dưỡng là hoạt động thường niên được Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh tổ chức hàng tháng tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật Mẹ Tê rê sa. Ảnh tư liệu Phước Anh

Trong 2 cơ sở bị xử phạt có 1 gương mặt quen, đó là: Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Loan (kinh doanh bếp ăn tập thể của Công ty TNHH HI-TEX, xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa). Cơ sở bị xử phạt còn lại là Công ty cổ phần Trung Đô (bếp ăn tập thể của Nhà máy Granite - Công ty cổ phần Trung Đô, phường Trung Đô, thành phố Vinh).

Lỗi vi phạm của 2 cơ sở này “không mới”, bao gồm: Không thực hiện và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế (trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn); thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn...

Những vi phạm trên đều là lỗi vi phạm ý thức. Nói như vậy để thấy rằng an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm đang phụ thuộc lớn vào nhận thức và lương tâm của chủ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bếp ăn tập thể.

Xây dựng “bếp điểm”

Cán bộ đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm huyện đang tiến hành test thử nhanh bát đũa tại bếp ăn tập thể của Trường mầm non xã Mỹ Thành. Ảnh tư liệu Thái Hồng

Toàn tỉnh hiện có khoảng 130 bếp ăn tập thể nhà máy, xí nghiệp, trong đó có khoảng 10 đơn vị - doanh nghiệp nhận thầu khoán bếp ăn. Nguy cơ mất ATTP ở những bếp ăn tập thể này luôn là vấn đề nóng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đề ra nhiều giải pháp như tăng cường tập huấn kiến thức cho đối tượng và chủ cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thuộc thẩm quyền. Các huyện, thành, thị cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Ngành Y tế thường xuyên thực hiện hoạt động giám sát các cơ sở bếp ăn trên địa bàn; hàng năm, tổ chức từ 6-7 đoàn kiểm tra chuyên ngành như nước uống đóng chai, dịch vụ ăn uống, thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể; chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện kiểm tra, giám sát theo phân cấp; thực hiện hoạt động mua mẫu giám sát chủ động, phân tích chất lượng để từ đó có sự cảnh báo cho đơn vị quản lý và xử lý kịp thời.

Bữa ăn của các em Trường THCS bán trú Lượng Minh (Tương Dương). Ảnh Tư liệu

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng đang cố gắng tập trung hạn chế ngay từ đầu. Các cơ quan chức năng có thể áp dụng việc hậu kiểm giám sát và đến nhắc nhở được thực hiện liên tục... vấn đề đặt ra chính là chúng ta cần quán triệt tư tưởng “khó cũng phải làm”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Để đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, phải có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Ban quản lý khu kinh tế cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở bếp ăn tập thể tại các nhà máy, khu công nghiệp trong phạm vi quản lý. Chủ cơ sở của các bếp ăn tập thể phải thường xuyên giám sát việc chấp hành tốt các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị.

Khi thực hiện mô hình điểm, mỗi bếp ăn tập thể và nhà hàng trong khách sạn sẽ được ngành Y tế cấp phát đồng bộ sổ kiểm thực 3 bước và sổ lưu mẫu thực phẩm; trang bị các loại áp phích, bảng biển tuyên truyền về vệ sinh thực phẩm; trang bị 01 bộ dụng cụ lưu mẫu thực phẩm và 01 bộ găng tay, tạp dề, khẩu trang, mũ chụp tóc...

Hiện nay, Sở Y tế Nghệ An đã và đang triển khai xây dựng mô hình điểm “Bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn đủ điều kiện an toàn thực phẩm” tại các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây được xem là một giải pháp mới nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Ngày 5/3/2019, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm. Theo đó, trên cơ sở danh sách các bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn do phòng y tế (trung tâm y tế) huyện, thị xã, thành phố đề xuất, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành đánh giá, lựa chọn cơ sở xây dựng mô hình điểm. Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 10/2019. Sau khi triển khai, ngành Y tế sẽ thành lập hội đồng thẩm định công nhận mô hình điểm.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế

Dự kiến toàn tỉnh sẽ có 96 mô hình điểm. Trong đó, mô hình điểm cấp tỉnh là 20 bếp ăn tập thể thuộc các công ty và nhà hàng trong khách sạn. Mô hình điểm cấp huyện là 76, chủ yếu là các bếp ăn tập thể trong trường học. Ngành Y tế hy vọng với mô hình điểm sẽ tạo nên cú hích trong nhận thức của các đơn vị và cả các cơ quan chức năng các cấp.

Tác giả: Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP