Bạn cần biết

Các loại bổ sung vitamin, đồ bổ có thật tốt cho sức khỏe? Sự thật khiến bạn phải giật mình

Càng ngày chúng ta càng quan tâm hơn đến sức khỏe và sẵn sàng chi tiền để mua những sản phẩm giúp bảo vệ cơ thể, giữ gìn sự trẻ trung và nâng cao tuổi thọ. Nhưng những thực phẩm chức năng hứa hẹn giúp bạn làm những việc đó liệu có thực sự hiệu quả?

Gần đây, truyền thống thế giới đăng loạt tin tức chấn động về việc một số viên uống bổ sung chứa cá ôi. Chúng ta hãy cùng xem xét thêm những thành phần tiềm ẩn các mối nguy khác có thể có trong những sản phẩm bồi bổ mà mình vẫn cố nuốt mỗi ngày.

Lượng bán các sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất tăng chóng mặt từ khi đại dịch bắt đầu nổ ra, khi nhiều người trong chúng ta xem đó như một cách để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức khỏe khi đối mặt với COVID-19.

Hơn một nửa trong số chúng ta mua các thực phẩm chức năng trong năm 2020, theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, trong khi một báo cáo đánh giá 20 nghiên cứu thị trường tiết lộ lượng bán vitamin và khoáng chất tăng hơn 9% tại Anh trong năm 2021.

Nhưng những viên bổ sung mà chúng ta cố nuốt có thực sự hữu ích? Không phải tất cả những sản phẩm đó được tạo ra như nhau khi nói về lợi ích sức khỏe và thành phần. Dưới đây là những thực tế có thể khiến nhiều người sốc.

Không phải tất cả các sản phẩm bổ sung đều cũng đồng đều về thành phần và công dụng. Ảnh: Telegraph.co.uk

Omega-3 “bốc mùi”

Omega-3 liên quan tới sức khỏe và tuổi thọ của não và tim cũng như thường được dùng để giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm mãn tính, quá mức có thể dẫn tới các bệnh như ung thư, bệnh tim và Alzheimer. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy hơn 1/10 loại viên bổ sung omega-3 mùi ôi và một nửa gần với mức ôi thiu tối đa được cho phép.

“Dầu cá khá dễ biến đổi. Sản phẩm này có rất nhiều liên kết dễ bị oxy hóa nên cần được bảo quản ở nơi tránh ánh sáng và cần một số chất chống oxy hóa như vitamin E để đảm bảo. Nếu bạn mở hộp và thấy có mùi cá tanh nồng nặc thì có nghĩa là sản phẩm được bảo quản không đúng, đã bị hỏng và bạn không nên sử dụng nữa ”, Margaret Rayman, giáo sư dinh dưỡng y khoa tại Đại học Surrey (Anh) cho biết.

Nhưng sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng thế nào nếu dùng viên bổ sung hỏng?

“Kịch bản tươi sáng nhất là bạn phí tiền bởi khi nó đã bị oxy hóa tức là đã mất hết EPA và DHA (các axit béo chống viêm) - lợi ích chính bạn bỏ tiền ra để có được. Tình huống tệ nhất là, bạn thực sự chuốc thêm vấn đề mình đang cố gắng tránh bằng cách mang thêm gốc tự do có hại vào cơ thể mình. Chúng làm gia tăng căng thẳng tế bào và tăng tình trạng viêm nhiễm”, Aidan Goggins, một dược sĩ và nhà tư vấn độc lập tại London (Anh) giải thích.

Không may là, không phải lúc nào cũng dễ khẳng định liệu sản phẩm bổ sung đó đã hỏng hay chưa khi omega-3 thường ở dạng viên nang hoặc có thêm hương liệu để át mùi. Chuyên gia Goggins khuyên bạn nên tìm kiếm các thương hiệu cam kết Thực hành Sản xuất Tốt (GMP), nghĩa là họ đã tự nguyện đăng ký các tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu của pháp luật, thường được công bố trên trang web công ty. Người tiêu dùng cũng nên kiểm tra trang web của công ty để biết giá trị Totox - tổng giá trị oxy hóa, cho biết độ tinh khiết. Goggins cho biết con số này phải nhỏ hơn 20 hoặc thậm chí 10.

Mike Wakeman, dược sĩ có bằng thạc sĩ về y học dinh dưỡng tại Anh, cho biết các thương hiệu sản phẩm chức năng của Vương quốc Anh và EU có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn so với các thương hiệu được sản xuất tại Mỹ. Ông khuyên người tiêu dùng: “Hãy gắn bó với những thương hiệu có danh tiếng tốt".

Các loại vitamin và khoáng chất nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Ảnh Getty Image.

Và chất lượng vẫn là điều quan trọng nhất. “Đây có thể là lý do chúng ta thấy những bằng chứng mâu thuẫn trong các nghiên cứu về omega-3. Một số nghiên cứu cho thấy chúng rất có lợi còn một số khác lại cho rằng chúng vô dụng. Tôi chẳng ngạc nhiên khi những nghiên cứu thể hiện lợi ích thường dùng các sản phẩm dược phẩm - những loại được kiểm soát rất chặt chẽ”, Goggins nói.

Sản phẩm được thêm đường và các chất làm ngọt

Một thìa đầy đường có thể giảm tác dụng của thuốc nhưng liệu điều đó có thực sự hợp lý khi nói đến vitamin? Chúng ta đã thấy sự bùng nổ của các sản phẩm bổ sung dạng viên kẹo nhai trong những năm gần đây. Chúng được nhiều người yêu thích, có giá phải chăng, nhưng liệu có tốt cho sức khỏe?

Thường nguyên liệu đầu tiên trong các sản phẩm bổ sung dạng nhai là đường hay xi-rô glucose, với hầu hết các sản phẩm cung cấp khoảng 1g trở lên cho mỗi phần dùng. Viên nhai càng to càng chứa nhiều đường.

“Nhìn từ góc độ ăn uống thì chẳng có vấn đề gì to tát vì bạn không ăn nhiều viên này. Sẽ chỉ đáng ngại nếu bạn sử dụng chúng vào buổi tối và lên giường mà không đánh răng”, Gunter Kuhnle, giáo sư dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Reading (Anh) - người cũng cho con gái mình ăn viên nhai bổ sung vitamin D, nói.

Còn dược sĩ Goggins thì nói rằng, chúng ta nên coi các viên nhai bổ sung như “kẹo bổ sung” hơn là đa vitamin. “Nó giống như khi bạn có ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng hay đồ uống bổ sung vitamin và thành phần chính là đường”, ông nói.

Một số nhà sản xuất sử dụng rượu đường để giảm dung tích đường hay các chất làm ngọt nhân tạo như đường maltitol, rượu đường sorbitol - những thứ có thể gây các vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày và tiêu chảy ở một số người. Vitamin dạng nhai cũng thường chứa ít vitamin và khoáng chất hơn dạng viên nang hay viên nén. “Dạng viên nhai thường sẽ hạn chế các thành phần dinh dưỡng bên trong và duy trì cấu trúc kiểu kẹo. So với viên nang, bạn phải trả tiền cho những chất tạo ngọt một cách đắt đỏ”, chuyên gia Goggins bày tỏ.

Theo các chuyên gia, một số vitamin nên được nạp từ nguồn thực phẩm hơn là các viên bổ sung. Ảnh minh họa

Khả năng hấp thu các sản phẩm bổ sung vitamin thế nào?

Một vấn đề khác là khả năng hấp thu - những chất dinh dưỡng đắt đỏ chúng ta mua rút cục có tới nơi mà đáng lẽ chúng nên tới? Một số chuyên gia cho rằng một vài chất dinh dưỡng có thể kém ổn định trong các viên nhai và sẽ giảm hiệu quả theo thời gian.

“Tôi không biết đã có bao nhiêu thử nghiệm hay khả năng sinh khả dụng của chúng ra sao (sinh khả dụng là mức độ cơ thể hấp thu và sử dụng một chất)”, giáo sư Kuhnle nói. “Và có sự khác biệt lớn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Với thuốc, các công ty phải chứng minh rằng, sản phẩm của mình có mức sinh khả dụng thế nào và chúng được sử dụng nhanh ra sao. Nhưng bởi vì thực phẩm chức năng được cấp phép như một dạng thực phẩm, không phải thuốc, chúng không phải khẳng định các dữ liệu này. Vì vậy chúng có thể rất hiệu quả và có nhiều nghiên cứu, hay chỉ là đặt các thành phần vào với nhau rồi đem bán. Và đó là vấn đề cho người tiêu dùng bởi vì mọi thứ không rõ ràng".

Cách thực tế duy nhất để biết bạn đã hấp thụ bao nhiêu sẽ là xét nghiệm máu và nước tiểu. Cách này đã được Goggins thực hiện với các vận động viên xuất sắc ông nghiên cứu nhưng với số đông chúng ta, đây là việc không dễ áp dụng.

Còn với vitamin dạng nhỏ giọt hay dạng xịt - vốn đang khá "mốt" hiện nay - thì khả năng hấp thụ ra sao? Chẳng hạn, vitamin D có vẻ ngày càng tăng dạng nhỏ giọt hay xịt.

““Chúng thực sự chỉ là một mánh lới quảng cáo tiếp thị”, Tiến sĩ Geoffrey Mullan, một bác sĩ y học chức năng, người giúp khách hàng giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cho biết. "Viên nang nói chung là tốt cho hầu hết mọi người”.

Ngoại lệ là vitamin B12. “Nó thực sự hữu ích cho những ai không thể hấp thụ B12 qua dạ dày, chẳng hạn như những người bị thiếu máu ác tính (một tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến dạ dày) hoặc ở những người lớn tuổi có axit trong dạ dày giảm”, Goggins nói.

Các tác động có hại

Không phải vì thực phẩm chức năng dễ dàng mua được mà tất cả chúng vô hại.

Từ năm 2007 đến 2019, 965 sản phẩm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ kiểm tra đã bị phát hiện có chứa các thành phần độc hại. Goggins cho biết ô nhiễm kim loại nặng, từ chì và cadmium, có thể là một vấn đề đối với các thương hiệu không thuộc EU, vốn ít được kiểm tra nghiêm ngặt hơn về độ an toàn. Vì vậy, tốt nhất là tránh mua hàng trực tuyến từ các công ty mà bạn chưa từng nghe đến.

Tương tác với thuốc cũng là một vấn đề với một số người. Chẳng hạn, các sản phẩm ginkgo (bạch quả) có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm aspirin và ibuprofen, làm tăng nguy cơ chảy máu. Acacia có thể ngăn chặn sự hấp thụ của kháng sinh Amoxicillin, trong khi St John’s Wort có thể tương tác với một số lượng lớn các loại thuốc, làm giảm tác dụng của chúng, bao gồm cả thuốc huyết áp, cholesterol và bệnh tim.

Bởi vậy, việc sử dụng các sản phẩm bổ sung không thể tùy tiện, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP