Trong tỉnh

Các địa phương lo không hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2018

Những kết quả tích cực mà Nghệ An đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua là nền tảng để đặt nhiều kỳ vọng vào những thành công hơn nữa từ cơ sở. Tuy nhiên, không ít địa phương đang lo lắng khó hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo của năm nay.

Nỗ lực giảm nghèo

Trong năm 2017, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở; cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tạo được sức lan tỏa và sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ chính sách xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) trao chứng nhận hộ nghèo cho người dân. Ảnh: Thu Giang

Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh hàng năm từ 2-3%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, trường học, thủy lợi, chợ nông thôn, trạm y tế,… được tăng cường đầu tư nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển được nâng lên rõ nét. Bộ mặt nông thôn trên mọi miền trong tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chẳng hạn, tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành - xã vùng sâu trũng nằm cách trung tâm huyện 10 km về phía Đông Nam, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, nên những năm trước đời sống nhân dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Trong những năm qua, công tác thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn xã đạt được nhiều tiến bộ.

Nhiều mô hình giảm nghèo ngày càng phát huy tính hiệu quả, tiêu biểu như mô hình kinh doanh buôn bán lợn đường dài của anh Phan Bá Đợi ở xóm Đông Phú; mô hình trộn đổ bê tông, máy nông nghiệp của hộ anh Nguyễn Xuân Tuấn ở xóm Phú Văn; mô hình chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Liên ở xóm Phú Tập; mô hình kinh tế hàn xì của anh Tôn Quang Thảo ở xóm Vân Đồng,…

Mô hình ươm cây ăn quả tại xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Thu Giang

Ông Nguyễn Đào Quý - Chủ tịch UBND xã phấn khởi chia sẻ: “Theo kết quả điều tra, rà soát cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 4,84% (86 hộ) so với con số 9,41% (tương ứng 166 hộ) vào năm 2016, minh chứng định lượng cho sự nỗ lực của địa phương. Thu nhập của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt, góp phần cổ vũ xã Khánh Thành cố gắng để kịp đăng ký về đích nông thôn mới trong năm nay. “Chúng tôi sẽ quyết tâm duy trì đà giảm nghèo, dự tính năm 2018 này phấn đấu đạt mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dao động từ 0,5-0,8%” - ông Quý cho hay.

Chỉ tiêu quá sức?

Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đặt ra chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2018 từ 2,0-3,0%. Mới đây, UBND tỉnh có văn bản gửi các địa phương về việc giao chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó có chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, một số nơi bày tỏ lo lắng việc đạt được chỉ tiêu giảm nghèo.

Đơn cử, tại huyện Diễn Châu, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 2,41%, giảm 1,22% so với cùng kỳ năm 2016, tức vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao mỗi năm giảm 0,5-1%. Nhưng khi biết thông tin chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo Diễn Châu được giao phấn đấu năm 2018 là 1,2-1,5%, Phòng LĐ,TB&XH huyện - bộ phận phụ trách tham mưu công tác giảm nghèo, vẫn tỏ ra khá băn khoăn. Bà Phạm Thị Đào - Phó Phòng LĐ, TB&XH trăn trở: “Giai đoạn giảm nghèo mạnh nhất là lúc huyện tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở các xã khoảng từ năm 2015 về trước. Hiện nay, bên cạnh những hộ chưa thoát nghèo, khó khăn đáng kể nhất của chúng tôi là số hộ nghèo mới tăng, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn,… mất khả năng lao động, thu nhập không đảm bảo. Thống kê sơ bộ toàn huyện còn khoảng 200 hộ thuộc diện này, rất khó thoát nghèo!”.

Người dân huyện miền núi Con Cuông nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thu Giang

Quả thực, qua tìm hiểu ngẫu nhiên tại xóm 2, xã Diễn Kỷ, nơi hiện còn tới 7/47 hộ nghèo của xã, thì đa phần các hộ này đều thuộc diện “nghèo… bền vững”, như gia đình bà Phạm Thị Lâm đơn thân, nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học với mức thu nhập chưa đến 1 triệu đồng/tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc đau ốm liên miên, hơn 1 năm nay nằm liệt giường, cần người túc trực, chăm sóc, nuôi thêm đứa cháu ngoại mới lên lớp 2, tất cả dựa vào số tiền chế độ chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng… Hộ mới thoát nghèo gần nhất là bà Phan Thị Thanh cũng không đủ sức để tự thân vươn lên, mà nhờ vào số tiền hơn 30 triệu đồng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp,… hỗ trợ làm lại căn nhà ọp ẹp. Trên toàn xã, nếu so sánh số hộ nghèo cuối năm 2015 là 117 với con số cuối năm 2017 là 47 hộ, rõ ràng không thể phủ nhận sự chuyển mình của xã Diễn Kỷ. Song như cán bộ chính sách xã cũng thừa nhận, việc duy trì đà giảm nghèo như những năm trước là rất khó trong tình trạng thực tế hiện nay.

Chung mối lo này, đại diện lãnh đạo Phòng LĐ,TB&XH huyện Con Cuông cũng cho rằng, huyện miền núi này không thể nào đạt được con số mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,5-5,5% trong năm nay. Số liệu kiểm tra, phúc tra lại kết quả rà soát hộ nghèo mới nhất cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của Con Cuông đến cuối năm 2017 chiếm 23,54%, giảm 3,02% so với năm 2016, không đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh giao (4%-5%).

Nguyên nhân được xác định là do tình hình việc làm, thu nhập của người lao động chưa bền vững; thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, giá cả thị trường thiếu ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Hộ nghèo tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn, gia đình bảo trợ xã hội; các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo còn hạn chế, mức đầu tư thấp, dẫn đến khả năng giảm nghèo chậm và có nguy cơ tái nghèo cao...

Chính vì thế, song song với việc tham mưu các giải pháp trọng tâm trong năm 2018 là tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo cải thiện nhà ở, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng các mô hình để thu hút, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, “Phòng LĐ,TB&XH sẽ tham mưu Huyện ủy, UBND huyện có văn bản đề nghị Sở LĐ,TB&XH tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cho phù hợp nghị quyết HĐND huyện giao và khả năng phấn đấu hiện nay của Con Cuông” - Trưởng phòng Lê Văn Hồng chia sẻ.

Tác giả: Thu Giang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP