1. Một trong những nghịch lý lớn của bóng đá chính là vị trí thủ môn. Tiền đạo có thể chơi dở trong suốt 89 phút nhưng chỉ cần 1 bàn thắng định đoạt trận đấu ở phút 90, cầu thủ đó là người của đội bóng. Thế nhưng, thủ môn chơi hay trong phần lớn trận đấu, chỉ cần 1 sai lầm dẫn đến bàn thua sẽ sắm vai tội đồ.

Trong bóng đá, thủ môn được ví như nửa sức mạnh của đội bóng. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, thủ môn được phép chơi bóng bằng tay từ lúc nào. Câu trả lời bóng đá cho phép thủ môn chơi bóng bằng tay vào năm 1912.

80 năm sau (năm 1992), một luật mới quan trọng dành cho vị trí thủ môn ra đời, đó là không được phép bắt bóng khi đồng đội chuyền về, nếu bắt bóng bị phạt gián tiếp.

Đây là hai thay đổi rất quan trọng dành cho vị trí thủ môn trong bóng đá. Thế nên, bóng đá bắt đầu sản sinh ra những thủ môn có thể chơi bóng bằng chân cực hay như Neuer của tuyển Đức. Neuer từng có đến 21 cú tắt bóng chuẩn xác trong một trận đấu ở World Cup 2014. Màn trình diễn bằng chân siêu đẳng này góp phần đưa tuyển Đức lên ngôi vô địch.

2. Với bóng đá Việt Nam, vị trí thủ môn từng là một ám ảnh cùng cực trước khi xuất hiện Bùi Tiến Dũng - người hùng U23 Việt Nam ở U23 châu Á 2018, Đặng Văn Lâm tại AFF Cup 2018.

Thủ thành Tấn Trường từng góp phần đánh rơi tấm HCV bóng đá nam SEA Games 2009. Thủ môn Nguyên Mạnh là nỗi thất vọng lớn của người hâm mộ với những sai sót liên tục tại sân chơi AFF Cup.

Thế nhưng, chúng ta cần có một cái nhìn sòng phẳng để cảm thông cho những thủ môn kể trên của bóng đá Việt Nam. Vì vị trí thủ môn được xem là khó hoàn thành nhiệm vụ nhất trong bóng đá. Mỗi sai lầm của thủ môn có thể tạo ra bàn thua cho đội nhà, thậm chí thay đổi số phần cả trận đấu.

Dưới đây là thủ môn của hai ĐTQG đi đến chung kết World Cup từng mắc sai lầm là ví dụ thiết thực. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về ranh giới giữa người hùng và tội đồ của những người gác đền.

Oliver Kahn là người hùng của tuyển Đức và thủ môn duy nhất trong lịch sử giành giải Cầu thủ hay nhất World Cup. Dẫu vậy, Kahn đã mắc một sai lầm “chết người” ở chung kết World Cup 2002 trước Brazil, một cú bắt bóng ói ra để cho Ronaldo ghi bàn. Tuyển Đức đã thua 0-2 trước Brazil, còn Kahn là người gánh trách nhiệm lớn nhất cho thất bại này.

Hugo Lloris may mắn hơn Oliver Kahn dù phạm sai lầm ngớ ngẩn trong trận chung kết World Cup 2018 giữa tuyển Pháp và Croatia. Hugo Lloris có pha chuyền bóng trúng chân Mario Mandzukic đi vào lưới. Nhưng số phận trận chung trong thời khắc mắc sai lầm của Lloris đã được an bài khi Pháp dẫn đến 4-1 trước Croatia. Hậu quả là Hugo Lloris mất danh hiệu Găng tay vàng.

3. Từ những vấn đề nêu trên để thấy rằng, thủ môn trong bóng đá thực sự gánh vác một nhiệm vụ vô cùng nặng nền, thậm chí là quyết định sự thành bại của cả đội bóng. Thế nhưng, họ chưa bao giờ được xướng tên cao nhất ở giải thưởng danh giá trong bóng đá về danh hiệu cá nhân: Quả bóng vàng thế giới.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng đang bị chê trách.

Những ngày qua, câu chuyện thủ môn cũng trở thành đề tài cho người hâm mộ Việt Nam với việc xoay quanh thủ thành Bùi Tiến Dũng. Liệu chúng ta có đang đối xử công bằng với thủ thành người xứ Thanh?

Bùi Tiến Dũng từ một cậu bé chơi bóng không phải vị trí thủ môn, sau đó được chuyển xuống chơi bất đắc dĩ. Nhờ vậy, bóng đá Việt Nam đã có một người hùng ở U23 châu Á 2018.

Ít ai biết rằng, Bùi Tiến Dũng từng chỉ là thủ môn số 3 ở U19 Việt Nam. Nhưng bằng ý chí, sự nỗ lực không ngừng nghỉ thì Dũng được chọn bắt chính ở vòng chung kết U19 châu Á 2016, sau đó góp phần đưa U19 Việt Nam dự U20 World Cup.

Từ U20 World Cup 2017, thủ môn Bùi Tiến Dũng chói sáng rực rỡ tại Thường Châu, Trung Quốc. Những màn bắt phạt đền của Bùi Tiến Dũng đã đưa U23 Việt Nam đi đến trận chung kết.

Giá trị quan trọng là sự xuất sắc của Bùi Tiến Dũng góp phần thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam. Phần lớn những cầu thủ U23 Việt Nam đã trở thành celeb (người nổi tiếng). Họ vươn đến một tầm cao mới trong sự nghiệp, đi kèm là tiền bạc và danh tiếng để đời.

Dẫu vậy, bóng đá thật nghiệt ngã khi Bùi Tiến Dũng đang bị phủi sạch đi những đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Nỗi thất vọng càng lớn hơn khi Dũng còn đang rất trẻ, cần những lời động viên khi sa sút, mắc sai lầm chứ không phải “ném đá”, chê trách. Làm như thế chẳng khác nào đang vùi dập đi một tài năng trẻ từng được tung hô như người hùng.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ không còn cái nhìn khắt khe dành cho thủ môn Bùi Tiến Dũng, cũng như với những thủ môn khác. Vì bất kỳ ai chọn chơi vị trí thủ môn thì bản thân đã nhận lấy điều khó nhất trong bóng đá.