Giáo dục

Bữa ăn bán trú: Mẹ thèm được xem một bữa ăn trưa của con

Cho đến bây giờ, sau khi con gái đã vào học kỳ II của lớp 1 ở một trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Lưu Hoài Anh vẫn có cảm giác thèm được đến trường con vào một buổi trưa bất kỳ để xem hôm nay con ăn gì, có ngon không, gồm những món nào.

Khác với nhiều trường tư thục, việc giám sát bữa ăn bán trú của con ở phần lớn hệ thống trường công lập dường như là điều không tưởng. Vấn đề ở chỗ, mặc dù đã có quy chế do Sở GD&ĐT địa phương và các trường đề ra về việc tăng cường sự giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh, song thực tế hình bóng của các phụ huynh trong một chuỗi quy trình này vẫn quá mờ nhạt. Nguyên nhân do đâu?

Thèm được xem một bữa ăn trưa của con

Cho đến bây giờ, sau khi con gái đã vào học kỳ II của lớp 1 ở một trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Lưu Hoài Anh vẫn có cảm giác thèm được đến trường con vào một buổi trưa bất kỳ, nghía xem hôm nay con ăn gì, có ngon không, gồm những món nào. Nữ phụ huynh này chia sẻ, dù rất muốn đến trường con giữa trưa, có thời gian thoải mái để “mục sở thị” việc ăn ngủ của con, nhưng việc đó là bất khả thi.

“Sau giờ vào học, cổng trường đóng im ỉm, tôi muốn đến gặp con, phải có lý do thật chính đáng thì bảo vệ mới mở cổng cho vào, còn nếu mà bảo rằng đến xem con ăn ngủ làm sao thì người ta không cho tôi vào!” – chị Hoài Anh cho biết. Việc ăn uống của con, chị chỉ biết thông qua chính con kể lại, cùng lắm là bảng công khai thực phẩm được ghi đều đặn mỗi ngày.

Nhiều phụ huynh mong muốn được "mục sở thị" bữa ăn trưa ở trường của con. Ảnh minh họa

Vậy nên mới có câu chuyện, cực chẳng đã hồi đầu năm học, có lần chị lấy cớ mang… chăn vào cho con với lý do là con quên chăn, bảo vệ mới cho chị vào lớp. “Tôi nhìn thấy lớp con rất đông, ngồi ăn ngay tại lớp, hai cô giáo hoạt động hết công suất, vừa xới cơm, vừa chia thức ăn cho hơn 60 cháu. Mọi thứ trông cũng nóng sốt, bốc khói nghi ngút, cơm được nấu tại trường, có các cô ở bếp ăn đeo khẩu trang, mang tạp dề đến từng lớp phát trực tiếp khá sạch sẽ. Nhìn con bé ăn ngon lành, tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – chị Hoài Anh nhớ lại.

Điều mà nữ phụ huynh rút ra, chính là việc “đột nhập” vào lớp để xem con ăn thôi cũng đã là điều khó khăn, chưa nói đến vào tận bếp, xem từng cọng rau, miếng thịt. Mà có lẽ cũng ít phụ huynh nào có ý định khảo sát như chị, hoặc có cũng ngại chẳng dám đến, sợ các cô để ý rồi lời ra tiếng vào, ảnh hưởng đến con, thôi thì cứ đặt hết niềm tin vào nhà trường cho xong.

Câu chuyện của nữ phụ huynh này là một trong hàng triệu câu chuyện và nỗi niềm của các ông bố, bà mẹ khác có con đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Bữa ăn trưa ở trường, rồi bữa xế (nhiều trường còn kiêm luôn bữa sáng) tính ra đã chiếm 50 – 70% số bữa ăn trong một ngày của học sinh. Đồng nghĩa với việc từng đó phần trăm chất lượng bữa ăn của con phụ thuộc vào nhà trường.

Có quy chế nhưng tham gia mờ nhạt?

Vụ việc rùng mình vừa xảy ra ở trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khi nhà trường cho học sinh ăn thịt nhiễm sán, như một cơn sóng chực trào trên mặt hồ phẳng lặng, khi bao lâu nay vấn đề an toàn thực phẩm trường học luôn là nỗi lo thường trực của phụ huynh. Lo nhưng không dám nói ra, không dám đề đạt bởi ngại với Ban Giám hiệu, hoặc lo nhưng không đủ thời gian để mà trực tiếp tham gia vào giám sát. Sẽ thế nào nếu một ngày nào đó, chính con của họ bị rơi vào hoàn cảnh như hàng trăm bé mầm non ở Thanh Khương? Khi ấy, phụ huynh ở đâu trong khâu giám sát?

Thịt lợn nhiễm sán tại trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) khiến phụ huynh phẫn nộ

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở nhiều tỉnh thành lớn, đều có văn bản, công văn về việc tăng cường công tác an toàn thực phẩm và quản lý bữa ăn học đường. Văn bản này chỉ dừng lại ở chỗ là công văn và yêu cầu sự tham gia của phụ huynh là tăng cường giám sát. Có vẻ như chưa hẳn là quy chế, nội quy mang tính pháp lý để việc thực thi phải được tuân thủ. Đơn cử như ở Hà Nội, từ cuối 2017, Sở GD&ĐT đã ra công văn (số 3909/SGD&ĐT- CTTT) về việc tăng cường công tác an toàn thực phẩm và quản lý bữa ăn học đường.

Nội dung công văn nêu rõ “yêu cầu tăng cường phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh và ban chỉ đạo trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn, có minh chứng cụ thể. Thực hiện tự kiểm tra, ghi biên bản, họp rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời công tác bán trú, bữa ăn học đường”.

Hay như tại Bắc Giang, Sở GD&ĐT tỉnh này cũng ra công văn về việc tăng cường kỷ cương nền nếp, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, yêu cầu thành lập Ban giám sát do Hội phụ huynh đảm nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức ăn bán trú về thực đơn, thực phẩm (số lượng, chất lượng, giá cả), quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến thức ăn, tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Những văn bản như thế này có được coi là quy chế, nội quy hay không, không ai dám khẳng định. Chỉ có một thực tế rất rõ, phụ huynh muốn giám sát đột xuất bữa ăn bán trú của con, với nhiều trường công lập trên địa bàn là điều bất khả thi do ngại va chạm, do chính Ban Giám hiệu nhà trường thiếu chủ động khiến việc tham gia càng trở nên khó khăn hơn.

Phụ huynh hãy quyết liệt hơn

Chia sẻ với Báo PNVN ngày 18/3, Nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Thanh - nguyên Hiệu trưởng trường mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị (Hà Nội) - cho biết, Sở và phòng GD&ĐT liên tục có công văn, rồi kiểm tra, đôn đốc. Nhưng quan trọng chính là chủ trương của từng trường lại khác nhau. Và chính Ban Giám hiệu nhà trường của mỗi trường có xem trọng khâu này hay không thì họ sẽ có trách nhiệm làm nghiêm.

“Những năm tôi làm ở trường, dù phụ huynh có muốn hay không, chúng tôi đều chủ động mời giám sát, từ khâu lựa chọn nguồn thực phẩm, về tận cơ sở sản suất, cho đến việc giám sát nấu ăn tại trường… Việc này nằm trong quy chế của trường, Ban Giám hiệu có trách nhiệm thực thi trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với đại diện cha mẹ học sinh” - bà Thanh cho biết.

Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cần vai trò giám sát thực chất của phụ huynh. Ảnh minh họa

Theo bà, việc tham gia của phụ huynh trong giám sát bữa ăn của con, hầu hết các trường đều có quy định quy chế, văn bản của sở GD&ĐT cũng đều có đầy đủ, vì vậy cha mẹ hãy mạnh dạn đề xuất việc được giám sát bữa ăn của con, thậm chí là đột xuất.

“Hãy hiểu đây là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi. Đầu năm học, phụ huynh hoàn toàn có thể hỏi nhà trường về việc có văn bản, quy chế nào liên quan đến điều này không. Nếu nhà trường cố tình gây khó dễ, phụ huynh hoàn toàn có thể đặt nghi vấn vì sao lại thế. Còn thật sự, trường nào làm tốt thì chắc chắn không gây áp lực, tạo rào cản cho cha mẹ đến trường xem con ăn thế nào, ngủ ra sao” – nguyên Hiệu trưởng Mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị chia sẻ.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cho rằng, việc tham gia giám sát của xã hội, đặc biệt là phụ huynh vào ban giám sát bữa ăn trường học là vô cùng quan trọng và hiệu quả, hạn chế tình trạng bếp ăn nhà trường vi phạm các điều kiện vệ sinh

“Liên ngành Giáo dục-Y tế cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế để các thành viên của ban phụ huynh nhà trường, ban phụ huynh các lớp cùng được tham gia giám sát bếp ăn trường học, để những bữa ăn học đường không còn là nỗi bất an đối với những cha mẹ có con đang học bán trú” - ông Kỳ Anh nói.

Tác giả: Dương Hà

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP