Trong tỉnh

BQL Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An: Nguyên Trưởng ban và cấp dưới dính sai phạm!

Không chỉ cấu kết chia chác trong nội bộ, nguyên Trưởng ban Võ Văn Vinh còn chỉ đạo cấp dưới chi thêm hàng trăm triệu đồng tiền “phong bì ngoại giao” ...

Sai phạm tại BQL RPH Quỳnh Lưu (nay đã chuyển đổi thành BQL RPH Bắc Nghệ An âm ỉ suốt một thời gian dài. Ảnh: Việt Khánh.

Lập khống hồ sơ

Liên quan đến sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Bắc Nghệ An, mới đây Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ông Võ Văn Vinh (SN 1968) và bà Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1982) lần lượt được Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An bổ nhiệm làm Trưởng ban và Kế toán BQL RPH huyện Quỳnh Lưu (năm 2018 sáp nhập, chuyển đổi thành BQL RPH Bắc Nghệ An).

Sau khi đơn vị đi vào hoạt động, ông Vinh đã phân công bà Ngũ Thị Mai (SN 1982), là cán bộ của Ban làm Thủ quỹ.

Đầu năm 2008, thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng phòng hộ của Chính phủ (gọi tắt là dự án 661), BQP RPH Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt làm chủ đầu tư. Trong đó, ông Vinh được bổ nhiệm làm Giám đốc dự án, bà Thủy làm Kế toán, bà Mai làm Thủ quỹ. Đến tháng 3/2011 bà Cao Thị Vân (SN 1982) được phân công làm Thủ quỹ thay bà Mai luân chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật của Ban.

Sau khi Sở NN-PTNT Nghệ An phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các hạng mục đầu tư thuộc dự án 661, khi nguồn vốn được chuyển về Kho bạc nhà nước huyện Quỳnh Lưu thì bà Thủy đã làm thủ tục để rút vốn đầu tư với tổng số tiền trên 5 tỷ 900 triệu đồng.

Ông Võ Văn Vinh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ để chia chác khi thực hiện dự án trồng rừng 661. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếp đó, đơn vị đã ký hợp đồng trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển với 62 hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Để có nguồn tiền chi trả cho các hộ và các hạng mục khác của dự án, Võ Văn Vinh đã chỉ đạo Kế toán và hai Thủ quỹ tiến hành rút vốn, tuy nhiên khi cầm tiền trong tay các đối tượng này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiến tới thống nhất chi sai mục đích, sai chế độ tài chính đối với một phần tiền.

Cụ thể hơn, nguyên Trưởng ban và cấp dưới đã “hợp thức hóa” bằng cách chia tiền cho các cán bộ trong Ban nhân các ngày lễ tết; tổ chức cho cán bộ đi tham quan du lịch; chi tiền “phong bì ngoại giao” cho các cá nhân, cơ quan liên quan đến liên hệ, làm việc; chi tiếp khách, ăn uống…

Việc chi sai vô tội vạ làm thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng nguồn tiền dự án, báo hại nhiều hộ dân sau khi trồng rừng dù được Ban nghiệm thu, thẩm định nhưng không được chi trả.

Qua thống kê, tổng số tiền chưa thanh toán theo các hạng mục là hơn 750 triệu đồng, cơ quan chức năng khẳng định việc chi sai đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân tham gia dự án.

Mặt khác, chi sai đồng nghĩa không có hồ sơ, chứng từ hợp lệ để quyết toán với Sở Tài chính. Trước tình hình đó, ông Vinh đã "chữa cháy” bằng cách chỉ đạo lập hồ sơ khống. Cụ thể, bà Thủy đã in mẫu chứng từ “phiếu chi”, sau đó đưa cho bà Mai và bà Vân căn cứ vào biên bản nghiệm thu kết quả trồng, chăm sóc rừng theo niên độ để lập khống “phiếu chi”, sau đó ghi tên các hộ có trong danh sách trồng rừng.

Điều đáng nói, cả 2 bà Mai và Vân đều nhận thức được việc làm trên là sai nhưng vẫn đồng ý làm theo ý kiến của ông Vinh và bà Thủy. Kết quả, 4 người này đã thông đồng, làm giả tổng cộng 150 chứng từ.

Thiếu thuyết phục

Hành vi của các bị cáo Võ Văn Vinh, Nguyễn Thị Bích Thủy, Ngũ Thị Mai và Cao Thị Vân đã vi phạm các quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của BQL RPH Quỳnh Lưu được thực hiện theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng và một số nhiệm vụ khác; vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002…

Bên cạnh đó, xuyên suốt vụ việc dễ nhận thấy các đối tượng đã chủ động bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện, đây là hành vi phạm tội có tổ chức. Xét quy mô, mức độ thì tính chất vụ án hết sức nghiêm trọng, dù vậy mức án sau cuối lại là điều đáng bàn.

Một mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) khẳng định hành vi phạm tội là “nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản Nhà nước và hoạt động chung của đơn vị…”, do đó sẽ xem xét quyết định áp dụng một hình phạt nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo nhằm răn đe, phòng ngừa và cải tạo.

Trong đó, ông Vinh với chức danh Trưởng ban đóng vai trò chính, bị cáo đã cố tình chỉ đạo cấp dưới thực hiện lập khống hồ sơ rút tiền để chi sai mục đích. Bà Thủy là kế toán, dù biết cấp trên chỉ đạo chi các khoản không nằm trong dự toán ngân sách những lại không can ngăn. Các bà Mai, Vân là Thủ quỹ nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công…

Sau khi phân tích, đánh giá HĐXX cho rằng: Mặc dù vụ án có 4 bị cáo cùng thực hiện nhưng không có sự bàn bạc, phân công cụ thể mà chỉ là sự chỉ đạo, phân công nghiệp vụ trong quá trình thu, chi tài chính của đơn vị. Hành vi của các bị cáo chỉ là đồng phạm ở mức giản đơn (?!)

Dựa trên cơ sơ này, kết hợp với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX tuyên bố các bị cáo phạm tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Xử phạt Võ Văn Vinh 30 tháng tù; Nguyễn Thị Bích Thủy 18 tháng tù cho hưởng án treo; Ngũ Thị Mai 13 tháng tù treo; Cao Thị Vân 9 tháng tù treo.

Về trách nhiệm hình sự, buộc các bị cáo phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại do chia chác trước đó.

Trong 3 năm 2010, 2011 và 2012 bên cạnh việc cố tình chia chác cho các cá nhân trong Ban thì nguyên Trưởng ban Võ Văn Vinh cũng chỉ đạo chi khoảng 350 triệu đồng tiền chúc tết, tiền “phong bì ngoại giao” cho các cá nhân từ cấp xã, huyện, tỉnh có liên quan đến hoạt động của đơn vị.

Điều dư luận quan tâm là nguồn kinh phí trên sẽ được thu hồi ra sao, các đối tượng tham gia “ăn chia” sẽ bị xử lý như thế nào?

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP