Xã hội

BQL Rừng phòng hộ Anh Sơn: Nhìn lại sau 5 năm chuyển đổi từ Công ty Lâm nghiệp

Để phù hợp với tình hình nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn mới, ngày 06/10/2011, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 4122/2011/UBND về việc chuyển đổi Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn thành BQL Rừng phòng hộ Anh Sơn trực thuộc sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.

Với số lượng định biên là 37 người, trong đó hưởng lương từ ngân sách Nhà nước 09 người, còn lại là hợp đồng là hợp đồng dài hạn, BQL Rừng phòng hộ hiện quản lý trên 8,5 ngàn ha rừng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện.


Vườn ươm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn

Từ một doanh nghiệp Nhà nước, chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu, bước đầu đơn vị đã gặp không ít khó khăn, trước hết là khó khăn về việc bố trí, sử dụng người lao động. Số lao động chuyển từ Công ty Lâm nghiệp sang 41 người, công ăn việc làm, tiền lương không đủ, diện tích rừng được giao tuy không nhiều nhưng manh mún thuộc địa bàn của 6 xã, ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, các hoạt động khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp, nhận thức của người dân nói chung về rừng phòng hộ còn mơ hồ, từ đó đã đặt ra cho BQL rừng phòng hộ Anh Sơn bài toán rất nan giải.

Để giải bài toán trên, BQL rừng đã khẩn trương kiện toàn lại cấp ủy Chi bộ, bộ máy lãnh đạo, sắp xếp lại các phòng ban, bố trí lại các đội trạm bảo vệ rừng, giải quyết việc làm, chế độ cho người lao động kịp thời; ngoài ra tranh thủ sự giúp đỡ chỉ đạo của UBND Tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan ban ngành trên địa bàn huyện. Nhờ vậy mà 5 năm qua, đơn vị đã thu được nhiều kết quả đáng kích lệ trên các mặt:

Về công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn: Trong 5 năm qua đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã tổ chức hơn 480 buổi cho 7.000 lượt người nghe, ngoài ra công tác tuyên truyền còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua họp dân với hàng ngàn lượt người dân tham dự; tuyên truyền qua loa phóng thanh; tuyên truyền bằng panô áp phích… Tổ chức được 24 cuộc tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn bảo vệ rừng cho những hộ nhận khoán bảo vệ rừng và 04 đợt diễn tập PCCCR trên địa bàn 06 xã có rừng phòng hộ.

Công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc được đảm bảo: Đơn vị đã giao khoán bảo vệ rừng tận gốc cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và các hộ dân sống gần rừng phòng hộ với tổng diện tích giao khoán là 8,5 ngàn ha; tổ chức được hơn 630 đợt tuần tra chung và hơn 4.000 cuộc đi tuần tra theo các tiểu khu được giao, tịch thu nhiều dụng cụ đi rừng dùng để vi phạm lâm luật như hàng chục dao, rìu, 03 máy cưa xăng, 03 con trâu kéo gỗ, phá bỏ hàng trăm cái bẫy động vật hoang dã, trục xuất hàng trăm đối tượng vào rừng phòng hộ trái phép; phối hợp với Kiểm lâm huyện, Kiểm lâm cơ động của tỉnh tịch thu hơn 30 m3 gỗ các loại và nhiều phương tiện vi phạm khác.


Ban quản lý rừng phòng hộ tuần tra bảo vệ rừng

Công tác PCCCR là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất. Với phương châm “phòng là chính”, hàng năm đơn vị đã xây dựng phương án PCCCR, kiện toàn các BCH, các tổ đội trực cháy và tham mưu các xã có rừng phòng hộ xây dựng phương án và thành lập các tổ đội PCCCR ở cấp xã, tổ chức ký cam kết, tập huấn, diễn tập PCCCR kịp thời đúng quy định; dụng cụ, phương tiện và các công trình lâm sinh phục vụ PCCCR hàng năm đều được bổ sung, sửa chữa đảm bảo với yêu cầu 4 tại chỗ của công tác PCCCR.

Về thực hiện các dự án lâm sinh: BQL rừng phòng hộ được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020; UBND huyện giao làm chủ đầu tư dự án trồng rừng sản xuất 147 và một số dự án khác do sở Nông nghiệp giao. Trong 5 năm quan đơn vị đã hoàn thành xuất sắc vai trò là chủ đầu tư của các dự án, đã lập hồ sơ thiết kế trồng rừng sản xuất được hơn 3.000 ha; trồng rừng phòng hộ được gần 200 ha; trồng cây phân tán gần 400 ngàn cây; Sản xuất và cung ứng gần 6 triệu cây giống các loại; giao khoán bảo vệ rừng được 8,5 ngàn ha, với tổng kinh phí thu hút được gần 20 tỷ đồng và thu hút hàng ngàn ngày công lao động của người dân tham gia dự án.


Kiểm tra, chăm sóc rừng mỡ trồng tại bản Cao Vều.

Bên cạnh đó, công tác phúc lợi và an sinh xã hội được quan tâm: Tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, cùng em đến trường, tết vì người nghèo... với số tiền ủng hộ trong 5 năm qua gần 60 triệu đồng; ngoài ra, vận động người lao động tham gia hiến máu nhân đạo, tham gia đầu đủ các hội thi thể dục thể thao do huyện tổ chức. Thu nhập bình quân của người lao động ổn định 5 triệu đồng/người/tháng.

Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, đơn vị đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể ghi nhận, được tặng 02 giấy khen Chi bộ TSVM tiêu biểu năm 2013 và năm 2015; 01 giấy khen của UBND huyện về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013; giấy khen của Liên đoàn lao động tỉnh và nhiều cá nhân được nhận giấy khen, bằng khen của UBND huyện, Sở Nông nghiệp, Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 2012, 2014 đơn vị được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2013, 2015 xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tất Hòa - Trưởng BQL rừng phòng hộ Anh Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP