Kinh tế

Bộ trưởng GTVT cam kết làm cao tốc Bắc-Nam thận trọng, tiết kiệm nhất

Nói về tính công khai, minh bạch khi làm cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng GTVT khẳng định sẽ mời công an, thanh tra, kiểm toán tham gia từ đầu.

Chiều 10/1, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong nhiều phiên họp các ngày vừa qua và 21 ý kiến tại phiên họp chiều 10/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển khai đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Sẽ thận trọng, xem xét kỹ lưỡng hơn

Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng cho biết, đã tính toán suất đầu tư của từng cây cầu, từng km hầm và từng cái cống, kể cả địa chất thủy văn. Tính toán của tổ tư vấn có căn cứ, cơ sở.

Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu, sẽ còn phải thuê tư vấn lập dự án và lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình. Tiếp đến còn bước thiết kế kỹ thuật và dự toán, lúc đó là khoan địa chất và sẽ phải tính toán rất kỹ.

“Sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán thì mới chỉ định thầu hoặc đấu thầu. Do đó, góp ý của đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin tiếp thu cũng như có kiểm toán. Tuy nhiên là trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, ông nói.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến góp ý về thiết kế như các tuyến kết nối hoặc là các cầu cạn, tốc độ thủy văn, đường gom, hầm chui,... Bộ trưởng cho hay, đây là những vấn đề kỹ thuật, sẽ đảm bảo hiệu quả phát huy của tuyến. Trong giai đoạn 1, Bộ GTVT cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm, sẽ tiếp thu ý kiến này để trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, chúng tôi sẽ thận trọng, xem xét kỹ lưỡng hơn.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình tại phiên họp chiều 10/1 (Ảnh: Quochoi).

Vấn đề thứ ba, về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

“Chúng ta thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất này. Tất cả những công trình giao cắt đều là khác mức để đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cao tốc, do đó không phải tổ chức giải phóng nhiều lần cũng không sợ người dân lấn chiếm phần đất đã thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nội dung tái định cư sẽ được tính toán để làm sao phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng những khu tái định cư rộng hoặc nhiều, dẫn đến lãng phí và cũng tăng suất đầu tư.

“Chúng tôi rất mong đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh cùng với địa phương thực hiện công tác này nhanh nhất và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì khoảng tháng 6/2022, sau khi phê duyệt dự án, chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương. Phải tập trung giải phóng mặt bằng trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 là phải xong hết toàn bộ và Chính phủ sẽ họp giao ban để kiểm tra, chỉ đạo việc này”, ông bày tỏ.

Công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu

Nói về tính công khai, minh bạch, Bộ trưởng GTVT khẳng định sẽ rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu.

“Vừa qua giai đoạn 1 đã có C01, C03 đã tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, do đó tình hình chúng tôi thấy rất công khai, minh bạch và sắp tới có thêm Kiểm toán nữa là rất tốt”, Bộ trưởng nói.

Ông cũng nhấn mạnh, sẽ ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới và đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Longtrong thi công. Đối với vùng đất yếu, sẽ sử dụng một số hình thức gia cố, trong đó có gia cố đất, gia cố xi măng, rút ngắn được thời gian chúng ta gia cố và làm sao cố gắng đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.

Bộ trưởng GTVT khẳng định sẽ rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu (Ảnh: Phạm Tùng).

Giải trình về tiến độ giải ngân, Chính phủ đang chỉ đạo và Bộ GTVT sẽ ban hành một quy chế quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ Giao thông, của các bộ, ngành, đặc biệt là liên quan đến từng hạng mục công việc.

Trong đó có giải phóng mặt bằng, thời điểm nào phải xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào phải có nhà thầu, thời điểm nào khởi công.

“Chính phủ đang chỉ đạo là dành 3 năm tập trung thi công để cuối năm 2025 phải xong. Có nghĩa là cố gắng cuối năm 2022 này phải khởi công đồng loạt các gói thầu”, Bộ trưởng nói.

Đề xuất bán quyền thu phí

Bộ trưởng cũng đánh giá, vấn đề đầu tư theo hình thức PPP, ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 12 dự án này còn rất nhiều các dự án nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế cũng như trong quy hoạch chúng ta có hơn 9.000km đường cao tốc.

“Hiện nay, chúng ta phấn đấu đến năm 2025 mới có 3.000km, do đó chúng ta còn rất nhiều các đường cao tốc. Chúng tôi xin tiếp thu để cùng với các bộ, ngành xem xét lại Luật PPP và các cơ chế, chính sách. Đặc biệt những dự án nằm ngoài cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì chúng ta kêu gọi PPP”, Bộ trưởng giải trình.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định đề xuất bán quyền thu phí trong 2 năm, 5 năm, 10 năm hay 15 năm, đều sẽ được Chính phủ tính toán, xem xét và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song song với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành để xem xét lại cơ chế, chính sách để thực hiện dự án PPP cho các dự án khác trong quy hoạch.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP