Xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn dược liệu quý

ANTD.VN -Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nếu so sánh với khu vực và cả thế giới, Việt Nam có thế mạnh rất lớn về nguồn dược liệu song lại đang để lãng phí rất lớn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội

Sáng nay, 12-4, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng tham dự.

Phát biểu tham luận đầu tiên tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay ở nước ta đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Việt Nam cũng sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng… “Với các tiềm năng, thế mạnh nói trên, có thể nói dược liệu Việt Nam là một lợi thế so sánh của nước ta so với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Sâm Ngọc Linh, một nguồn dược liệu quý của Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển dược liệu nước nhà rất lớn bởi hiện không chỉ nước ta mà trên thế giới, với xu hướng “Trở về thiên nhiên”, việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn. Đặc biệt, công tác phát triển dược liệu luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Gần đây nhất, Luật Dược 2016 vừa được Quốc hội thông qua với rất nhiều chính sách lớn, tạo tiền đề quan trọng cho công tác phát triển dược liệu...

Dù vậy, khó khăn thách thức cũng rất lớn và có thể nói chúng ta vẫn chưa phát huy được nhiều lợi thế nói trên. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng nghịch lý là hiện nay chúng ta mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Mặt khác, tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.

"Nhiều dược liệu không được nuôi trồng theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tuỳ tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu. Chúng ta chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi. Hay về xuất khẩu dược liệu, chúng ta mới chủ yếu dừng lại ở xuất nguyên liệu thô, giá trị dược liệu vẫn thấp" - Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng thêm.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, điều lo ngại nữa là việc kiểm soát chất lượng dược liệu gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị, máy móc và năng lực của hệ thống kiểm nghiệm trong nước chưa đáp ứng đủ; cơ sở dữ liệu về dược liệu chuẩn đối chiếu, các chất chiết được từ dược liệu dùng phục vụ công tác kiểm nghiệm còn hạn chế; việc phòng chống buôn lậu về dược liệu còn gặp nhiều khó khăn

Tác giả bài viết: Duy Tiến

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP